Cây cam 'hồi sinh' vùng đất cằn

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
22/10/2019 06:40 GMT+7

Ở nơi “nhiều không” (không đường, không điện...) giữa bốn bề đồi núi mang tên K4 tại Quảng Trị, thật bất ngờ khi cây cam quen thuộc đã giúp hồi sinh cả một vùng đất cằn khô. ..

K4 là địa danh ở xã Hải Phú (H.Hải Lăng, Quảng Trị), từng được mệnh danh là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, dân cư thưa thớt. Đất đai cằn cỗi đến nỗi chỉ có cây tràm mới bén rễ. K4 từng là nỗi ám ảnh và khi nhắc tên cũng đủ khiến nhiều người rùng mình vì sự hoang vu, heo hút. Để vào được K4, hầu như chỉ có những chiếc xe Zin 3 cầu chuyên chở gỗ tràm hoặc cuốc bộ.

Người tiên phong vỡ hoang

Cam K4 đã được đăng ký nhãn hiệu

Vậy nhưng, đã có một người đánh liều vào đây khai phá. Ông là Trần Ngọc Nhơn (năm nay 68 tuổi, trú thôn Long Hưng, xã Hải Phú), trước nay chỉ quen trồng lúa ở đồng bằng. Khi ông lên miền tây khai hoang hồi năm 2002, ai cũng bảo “gàn”; biết ông không trồng tràm mà vỡ đất trồng cam, nhiều người càng lắc đầu ngao ngán...

Chuyện về lão nông đưa cây cam “hồi sinh” vùng đất cằn cỗi

Bây giờ, mọi chuyện đã đổi khác. Giữa tháng 10.2019, ngồi bóc cho chúng tôi những múi cam ngọt lành đầu mùa giữa vườn cam rộng 3 ha chi chít quả, ông Nhơn quả quyết rằng mình có lý do để chọn cây cam. “Có ai dạy tôi đâu, nhưng vì có người mách, thế là tôi ra Nghệ An mấy lần, chọn giống và học lỏm các nhà vườn ngoài đó để dần dà áp dụng cho vùng K4 này. Những khó khăn chỉ thực sự giảm khi thời đó ông Hồ Đại Nam (nay là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị) được điều vào làm lãnh đạo H.Hải Lăng. Ông này cũng mê cam, nhìn thấy vùng đất K4 đầy tiềm năng nên đã xúc tiến các ban ngành cùng vào cuộc làm một con đường bê tông và mắc đường dây điện lên K4”, ông Nhơn nhớ lại.
Những ngày đầu tiên đạp rừng lên với K4 quả thật vất vả. Đường không, điện cũng chẳng có. “Rồi rừng hoang phá dần dần, từng mảnh nhỏ, chúng tôi cứ phát đi, đốt đi. Quá trình đó gặp bom đạn nhiều vô kể, may chưa có tai nạn nào xảy ra”, ông Nhơn kể. Và ông nhận ra, cây cam đúng là loại cây ăn quả có múi “sinh ra để dành cho vùng đất K4”. Mỗi vụ, ông thu khoảng 20 tấn/ha, nếu giá bán ở mức 20.000 đồng/kg thì ông thu về ngót nghét 400 triệu đồng/ha.

Rẽ hướng trồng cam hữu cơ

Thấy được những “quả ngọt” mà ông Nhơn hái lượm sau một thời gian quăng quật, rất nhiều nông dân khác ở Hải Phú cũng nối gót lên K4. Trong số này có ông Trần Kim Phúng (50 tuổi, quê thôn Long Hưng, xã Hải Phú).
Ông Phúng lên K4 cách đây đã 12 năm, 6 năm đầu chỉ trồng sắn, sau đó mới chuyển sang hẳn trồng cam. Không chỉ kế thừa kỹ thuật của “người tiên phong” Trần Ngọc Nhơn, ông Phúng còn nhận được sự hỗ trợ của Công ty CP nông sản hữu cơ Quảng Trị để trồng cam theo hướng hữu cơ: không sử dụng các loại phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ; thay thế thuốc bảo vệ thực vật bằng những “tuyệt chiêu” dân gian như trộn hỗn hợp “chanh tỏi ớt” để đuổi sâu, bướm, ong... “Làm theo hướng hữu cơ thì chắc chắn đầu tư sẽ cao hơn, chênh lên vài chục triệu mỗi héc ta. Nhưng đổi lại, thị trường người ta thích và bán giá cao hơn so với trồng bình thường”, ông Phúng phân tích.
Sau nhiều năm khai phá và truyền cảm hứng, vùng K4 còn có thêm 10 hộ dân khác cùng tham gia trồng cam với diện tích xấp xỉ 40 ha. “Chúng tôi chỉ là nông dân nên chỉ biết trồng cây, phần nhiều dựa vào kinh nghiệm. Còn các bước khoa học kỹ thuật này nọ, cách để cam ra thị trường ổn định... thì rất mong chính quyền và ngành chức năng bày vẽ thêm”, ông Nhơn gửi gắm.
Ông Dương Viết Hải, Trưởng phòng NN-PTNT H.Hải Lăng, cho biết sự đổi thay ở vùng đất K4 là kết quả hết sức mỹ mãn trong việc chuyển đổi cây trồng. Chính vì thế, nhiều năm qua, ngành chức năng và chính quyền huyện đã nỗ lực hỗ trợ giống cam cho người dân, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ làm tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu “cam K4 Hải Phú” tại Cục Sở hữu trí tuệ. “Tới đây, phía Công ty lâm nghiệp Triệu Hải sẽ bàn giao lại cho huyện 145 ha đất và huyện đang lập quy hoạch để tập trung trồng cam như ở K4”, ông Hải nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.