Cửa hàng, siêu thị mở lại, chợ vẫn đóng
Sáng 5.7, thông tin từ UBND thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho hay, địa phương này tiếp tục có người hằng ngày đến chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) lấy hàng về bán tại chợ Lam Sơn bị nhiễm Covid-19. Trước đó, ngày 2.7, một tiểu thương chuyên lấy hàng hải sản từ chợ Bình Điền về bán tại chợ hải sản Bà Rịa cũng nhiễm Covid-19 và lây nhiễm cho một số trường hợp khác. Ngày 4.7, một ca dương tính tại tỉnh Vĩnh Long cũng được xác định là người có đi theo xe lên chợ đầu mối Bình Điền bỏ hàng…
Trước đó, ngày 4.7 thêm một “chợ nhà giàu” tại TP.HCM - chợ Tân Định (Q.1) - tạm đóng cửa vì liên quan ca nhiễm Covid-19 là tiểu thương kinh doanh tại chợ. Ca bệnh này cũng có lịch sử lấy hàng hóa từ chợ đầu mối Bình Điền. Cùng ngày, chợ Tân Lập (TP.Thủ Đức) cũng có ca dương tính là tiểu thương bỏ hàng rau củ quả cho nhiều tiểu thương trong chợ này. Cả chợ Tân Lập và chợ Tân Định đều được “giăng dây” tạm ngưng hoạt động ngay trong ngày 4.7.
|
Với một số ca F0 xuất hiện tại các tỉnh và từ chợ Tân Định có liên quan đến chợ đầu mối Bình Điền, trưa nay 5.7, hơn 14.000 tiểu thương và người làm tại chợ Bình Điền được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19. Nhiều người lo lắng “số phận” của chợ đầu mối Bình Điền liệu có rơi vào tình cảnh như chợ Hóc Môn hay không?
|
Theo một cán bộ phòng kinh tế tại quận vùng ven, trong đợt dịch này, một số quốc gia như Nhật vẫn cho mở chợ truyền thống, kết quả cho thấy tỷ lệ lây nhiễm tại các chợ không cao, quan trọng là áp dụng 5K thật tốt. Bởi đóng chợ, người tiêu dùng lại dồn hết vào trong siêu thị, không gian máy lạnh, nguy cơ dịch bệnh nếu có sẽ phát tán nhanh hơn. Trong khi các cửa hàng tiện lợi cho mở trở lại thì chợ lại bị “lãng quên”.
Sẽ có “mẫu” chợ truyền thống đạt chuẩn chống Covid-19
Trong tuần qua, việc “siết” chống dịch tại chợ truyền thống lại khiến giá cả nhu yếu phẩm bán tại chợ tăng cao hơn do chi phí đầu vào của tiểu thương tăng.
|
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, Sở đã có công văn khẩn gửi các quận huyện đánh giá lại điều kiện hoạt động trong tình hình vừa duy trì kinh doanh vừa đảm bảo phòng, chống dịch. Đồng thời hướng dẫn các quận huyện tùy vào thực tế các chợ khắc phục bảo đảm được an toàn chống dịch, nhu cầu mua bán tại địa phương… để tháo dỡ lệnh phong tỏa các chợ đã tạm đóng lâu nay, hoặc cho mở bán lại luân phiên… nhằm giảm áp lực mua sắm tại địa phương, phục hồi hoạt động giao thương, tất nhiên chợ phải áp dụng nghiêm ngặt quy định 5K.
Với vai trò cơ quan quản lý, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các quận huyện giúp rà soát, khắc phục các khó khăn tồn tại tại các chợ để sớm đưa chợ hoạt động trở lại. Trường hợp chợ có ca nhiễm Covid-19 phải đóng cửa đã đành, nhưng có trường hợp nếu có ca liên quan đến chợ, gần khu vực chợ thôi thì các quận huyện trước khi ban hành lệnh ngưng hoạt động chợ, nên tham khảo ý kiến Sở, nhằm hạn chế việc đóng cửa đột ngột ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của tiểu thương.
Sở Công thương TP.HCM cũng đang chuẩn bị ban hành một số tiêu chuẩn, gọi nôm na là “mẫu chợ truyền thống đạt chuẩn phòng chống dịch Covid-19” để các tiểu thương, ban quản lý chợ tham khảo, xem xét khắc phục, bổ sung những yếu tố chợ chưa đạt trong phòng chống dịch. Từ đó có cơ sở để chợ trình lên UBND quận huyện để xem xét tính toán đề nghị được mở cửa chợ hoạt động trở lại.
Bình luận (0)