Chứng khoán 'bốc hơi' hơn 7 tỉ USD

06/02/2018 05:30 GMT+7

Hoảng loạn, bán tháo, cổ phiếu la liệt “nằm sàn” khi VN-Index lần đầu tiên trong lịch sử mất 56,33 điểm, vốn hóa thị trường giảm hơn 7 tỉ USD. Hôm qua thực sự là một ngày thứ hai đen tối của thị trường chứng khoán VN.

Hoảng loạn, bán tháo
Bắt đầu phiên mở cửa, dấu hiệu tiêu cực xuất hiện. Chỉ số chứng khoán trên cả 2 sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Hà Nội (HNX) chìm trong sắc đỏ. Lực bán ồ ạt tung vào thị trường, khiến VN-Index lao dốc mạnh, mất hơn 22 điểm, tương đương giảm 2%, xuyên thủng mốc 1.085 điểm. Trên bảng điện tử, sắc xanh chỉ le lói ở một số ít mã, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 32,7 điểm (-2,96%), xuống 1.072,34 điểm; HNX-Index giảm 2,42 điểm (-1,95%).
Bước sang phiên chiều, VN-Index đã có 1 - 2 lần cố gắng “gượng dậy” nhưng bất thành. Tâm lý nhà đầu tư (NĐT) lúc này bắt đầu hoảng loạn. Sau 14 giờ, tốc độ bán tháo diễn ra ngày một nhanh hơn, sát phiên đóng cửa lệnh bán sàn dồn dập đổ vào, NĐT thay nhau tháo chạy. Rất chóng vánh, các cổ phiếu đầu tàu trong nhóm VN30, Blue-chips (cổ phiếu vốn hóa lớn, trụ cột thị trường) la liệt nằm sàn: VCB, CTG, BID, SSI, VIC, VRE, GAS...
Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 5,1%, tương ứng giảm 56,33 điểm và chỉ còn 1.048,71 điểm. Nếu xét về mức giảm tương đối, phiên này thị trường giảm mạnh nhất kể từ sau khi sự kiện Biển Đông năm 2014 và khi đó VN-Index giảm đi 5,87%. Tuy nhiên, nếu xét về điểm số thì hôm qua VN-Index đã có phiên giảm điểm kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán (TTCK) của VN với trên 56 điểm. Tương tự chỉ số HNX-Index giảm 5,03 điểm, tương ứng giảm 4,06% xuống 118,94 điểm.
Tính chung cả hai sàn có 453 mã chứng khoán giảm giá trong khi có 98 mã tăng, và 110 mã chứng khoán giảm sàn. Dầu khí, ngân hàng, bất động sản và chứng khoán là 4 nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất. Đáng chú ý hơn, kết thúc phiên giao dịch hôm nay, tổng giá trị vốn hóa cả hai sàn chứng khoán chính thức chỉ còn hơn 3 triệu tỉ đồng, giảm 161.427 tỉ đồng so với đóng cửa phiên liền trước, hơn 7,2 tỉ USD. Trên thị trường UPCoM, chỉ số cũng lao dốc mạnh hơn trong phiên chiều với sắc đỏ gấp 2 lần sắc xanh. UPCoM-Index giảm 1,91 điểm (-3,25%), xuống 56,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,78 triệu đơn vị, giá trị 372,4 tỉ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,18 triệu đơn vị, giá trị 29,5 tỉ đồng.
Hôm qua, thanh khoản tại hai sàn gia tăng chủ yếu do lực bán chủ động (nhưng không vượt mức trung bình 50 ngày). Tại sàn TP.HCM, có 248 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ khớp lệnh trong ngày, tương ứng giá trị gần 6.469 tỉ đồng, tăng 27,7% so với phiên trước đó. Trên sàn Hà Nội có gần 77 triệu chứng khoán giao dịch khớp lệnh với tổng giá trị gần 1.198 tỉ, tăng 44,5%. Tuy nhiên, thị trường sụt giảm dường như vẫn không ảnh hưởng nhiều đến giao dịch của khối ngoại. Cụ thể, khối ngoại vẫn mua ròng đạt 12,4 triệu chứng khoán với giá trị đạt 232,77 tỉ đồng.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng VN, dù đã dự liệu trước những rung lắc có thể có trong tuần này, việc “cộng hưởng” vô tình giữa nhu cầu chốt lời ngắn hạn và diễn biến xấu đi của thị trường thế giới đã tạo ra một phiên giảm mạnh ngoài dự liệu. Tuy nhiên, cả VN-Index và HNX-Index đã tiệm cận trở lại các vùng hỗ trợ trung hạn sau phiên giảm mạnh này.
Nhà đầu tư cần bình tĩnh


Theo Bloomberg, trong phiên cuối tuần ngày 2.2 vừa qua, TTCK Mỹ lao dốc vì các NĐT lo ngại về tốc độ tăng lãi suất ở Mỹ. Phiên đó chỉ số Dow Jones giảm đi 665,75 điểm, tương ứng giảm 2,54% và là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 1.2016. Điều này khiến tài sản của 500 người giàu nhất thế giới giảm 68,5 tỉ USD. Trong đó tỉ phú Warren Buffett thiệt hại nhiều nhất khi mất 3,3 tỉ USD. Bên cạnh đó, nhiều TTCK châu Á phiên hôm qua 5.2 cũng giảm điểm như Nikkei giảm đi 2,55%, Hang Seng giảm 1,09%...

Trả lời Thanh Niên, ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới - Hội sở chính của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), cho biết xét về chỉ số tuyệt đối đây là phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử của VN-Index.
Ngoài tác động của thị trường chứng khoán thế giới, còn có một số nguyên nhân sau. Thứ nhất, yếu tố tâm lý trong phiên khi VN-Index đang có dấu hiệu “hồi” lên ở ngưỡng 1.070 điểm nhưng thất bại. Kể từ thời điểm đầu giờ chiều, NĐT bắt đầu ồ ạt bán tháo khiến VN-Index lao dốc mạnh. “Hồi lại bất thành, đương nhiên tâm lý NĐT sẽ hoảng loạn”, ông Phúc nói. Thứ hai, mặt bằng giá các cổ phiếu Blue-chip thời gian qua đã tăng khá nóng, mặt bằng chỉ số PE (giá/thu nhập cổ phiếu) của những mã vốn hóa lớn lên đến
50 - 60 lần. Vì thế, sự điều chỉnh đương nhiên phải xảy ra. Thứ ba, theo ông Phúc kể từ đầu tháng 3.2018, tỷ lệ ký quỹ (Margin) được điều chỉnh giảm từ mức trần 50% về 40% nên nhiều công ty chứng khoán phải cắt giảm cho vay, NĐT bán bớt cổ phiếu cũng tác động mạnh tới cung - cầu thị trường. Còn một yếu tố khác, là tâm lý NĐT muốn chốt lãi để nghỉ tết sớm.
Song chuyên gia này cho rằng điều đó có nhưng không đại diện cho phần lớn NĐT trên thị trường. “Rất ít NĐT đổ hết tài sản của mình vào thị trường chứng khoán, họ phải phân bổ ra các kênh cho hợp lý. Do đó, việc rút tiền để nghỉ tết là có nhưng không nhiều và không tác động lớn tới thị trường”, ông Phúc nói.
Đồng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng VN, nhận định: nguyên nhân khiến TTCK trong nước giảm mạnh là bị tác động từ phiên lao dốc của thị trường Mỹ phiên cuối tuần qua. Bên cạnh đó, trong phiên hôm qua TTCK châu Á cũng chìm trong sắc đỏ khiến tâm lý NĐT tại VN bị ảnh hưởng. Khi cổ phiếu càng giảm, nhiều NĐT càng có áp lực bán ra bởi dòng tiền vay mượn từ các công ty chứng khoán, từ ngân hàng hay người thân đang nhiều.
Theo ông Khánh, từ nay đến Tết âm lịch, xu hướng của TTCK sẽ bớt tích cực hơn nhưng chắc chắn sẽ không giảm mạnh như phiên đầu tuần hôm qua. “Trong xu hướng này, tốt nhất là NĐT nên bình tĩnh và thực hiện tái cơ cấu danh mục để lựa chọn cổ phiếu tốt, đón đầu cơ hội tăng trưởng trong giai đoạn sau. Các NĐT đang nắm giữ tiền cũng có cơ hội để giải ngân dần”, ông Phan Dũng Khánh chia sẻ.
Tương tự, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJS, cũng cho rằng trong nước không có thông tin xấu nên việc thị trường giảm mạnh chủ yếu do tác động từ TTCK thế giới. Tuy nhiên, bản thân ông Tuấn e ngại thị trường giảm mạnh khiến nhiều cổ phiếu giảm giá quá đà khiến tỷ lệ vay margin của nhiều NĐT đụng mức “trần”. Vì vậy trong phiên giao dịch tiếp theo, có thể một số cổ phiếu vẫn tiếp tục bị bán ra do hiện tượng “call margin”. Do đó NĐT vẫn nên thận trọng theo dõi diễn biến của thị trường. Tuy nhiên mức giảm cũng sẽ không quá mạnh như phiên hôm qua.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích: Không có một thị trường nào tăng thẳng đứng mãi. TTCK VN đã tăng quá mạnh thì phải điều chỉnh là điều tất yếu. Quan trọng nhất là thị trường đang biến động mạnh nên theo vị chuyên gia này, các NĐT cá nhân không chịu được rủi ro cao nên đứng ngoài quan sát thị trường từ nay đến sau Tết âm lịch để chờ thị trường ổn định trở lại. “Dù thị trường giảm rồi hồi phục trở lại thì giai đoạn này cũng sẽ biến động lớn cho chỉ số chứng khoán và ở từng cổ phiếu. Thị trường này chỉ dành cho các NĐT có nhiều kinh nghiệm và chấp nhận rủi ro cao”, ông Hiển nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.