Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

14/10/2020 17:13 GMT+7

Đầu tháng 5, thông tin Mỹ lên kế hoạch thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” để dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và mời nhiều nước tham gia đối thoại, trong đó có Việt Nam đã dậy sóng dư luận.

Đây được xem là cơ hội để Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19.

Từ “Mạng lưới Kinh tế Thịnh vượng” của Mỹ...

Cụ thể, Reuters đưa tin, chính quyền Tổng thống Trump đang đẩy mạnh chương trình rút các chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc với nhiều biện pháp khác nhau. Thật ra, đó là cam kết từ lâu của ông Trump và nay, sự hủy hoại về kinh tế cùng với số tử vong leo thang do dịch Covid-19 càng thúc đẩy chính quyền Mỹ tăng tốc di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nước sản xuất hàng đầu của thế giới vào năm 2010 và cung ứng 28% sản lượng toàn cầu vào năm 2018. Đại dịch Covid-19 càng nêu bật vai trò then chốt của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là với những sản phẩm như các loại thuốc gốc (có cùng hoạt chất như biệt dược nhưng rẻ hơn), máy chụp thân nhiệt, thực phẩm…
“Cuộc khủng hoảng vì vi rút SARS-CoV-2 đã hiện thực hóa tất cả những nỗi lo của mọi người về việc kinh doanh với Trung Quốc. Toàn bộ tiền mà người ta nghĩ là thu được khi giao dịch với Trung Quốc trước đây đều không thấm tháp gì so với thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19”, một quan chức Mỹ nhận định. “Trong vài năm qua, chúng tôi đã nỗ lực để giảm phụ thuộc vào nguồn cung ở Trung Quốc nhưng nay chúng tôi đang đẩy mạnh hơn nữa chương trình đó”, Reuters dẫn lời Keith Krach, Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách phát triển kinh tế thịnh vượng, năng lượng và môi trường.
Mỹ đang cân nhắc sử dụng những công cụ thuế và trợ giá để khuyến khích các công ty rút cả sản xuất và gia công khỏi Trung Quốc. Đặc biệt, nền kinh tế hàng đầu thế giới đang xúc tiến hình thành một liên minh “những đối tác đáng tin cậy” gọi là “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Việt Nam sẽ là một phần của liên minh này khi ông cho biết Mỹ đang làm việc với Hà Nội cùng với các nước Úc, Ấn Độ, Nhật, New Zealand, Hàn Quốc để tìm cách “tái cấu trúc các chuỗi cung ứng nhằm hạn chế điều như thế này (chỉ sự phụ thuộc vào Trung Quốc) tái diễn”.
Thứ trưởng Ngoại giao Keith Krach khẳng định Mạng lưới kinh tế thịnh vượng bao gồm những quốc gia, công ty, tổ chức và hiệp hội có cùng quan điểm, hoạt động theo một bộ nguyên tắc tin cậy đối với tất cả các lĩnh vực hợp tác kinh tế. Tư tưởng chủ đạo là hợp tác vững mạnh sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng chung, hướng đến 3 mục tiêu dài hạn. Thứ nhất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng cho tất cả các bên. Thứ hai, mở rộng hợp tác công bằng, minh bạch và tương hỗ cho tất cả các phương diện hợp tác kinh tế. Thứ ba, tạo một sân chơi bình đẳng cho các công ty, các nền kinh tế và các quốc gia dựa trên đạo đức, tính tương hỗ, trách nhiệm giải trình, minh bạch và công bằng. Dù đến thời điểm hiện tại, chưa rõ những quốc gia nào sẽ nằm trong Mạng lưới kinh tế thịnh vượng, tuy nhiên việc chính quyền Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, thì đây sẽ là những quốc gia được Mỹ hướng đến nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Số liệu từ Viện Thống kê Mỹ ghi nhận năm 2019 hàng nhập khẩu từ Việt Nam tăng 35,6% trong khi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 16,2%. Năm nay, theo cập nhật của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 8.2020, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 46,7 tỉ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

...Đến các doanh nghiệp Nhật

Không chỉ Mỹ, các nước có luồng đầu tư lớn, uy tín trên thế giới cũng coi Việt Nam là điểm đến trong cuộc di chuyển khỏi công xưởng Trung Quốc. Theo thông tin từ Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), đã có 15 doanh nghiệp Nhật nhận được hỗ trợ để dời nhà máy sang Việt Nam. JETRO cho biết đây là một động thái nhằm khắc phục sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của Nhật từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng. Dự án di dời các doanh nghiệp còn vì mục tiêu củng cố quan hệ hợp tác kinh tế và công nghiệp giữa Nhật và khối ASEAN.
Tờ The Washington Post thì đưa tin chính phủ Nhật sẽ chi trả cho 87 công ty dời nhà máy từ Trung Quốc về nước hoặc sang Đông Nam Á. Bước đi này hướng đến cải thiện các chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc vào sản xuất ở Trung Quốc. Theo đó, chính phủ Nhật sẽ trả tổng cộng 70 tỉ yen (khoảng 653 triệu USD) cho 87 công ty hoặc tập đoàn di dời các dây chuyền sản xuất. 30 doanh nghiệp trong số này sẽ nhận tiền để đầu tư ở các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Myanmar, Thái Lan… 57 doanh nghiệp còn lại sẽ quay về Nhật.
Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu1

Nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp thiết bị di động của Samsung đặt tại Khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên

ẢNH: SAMSUNG

Thực ra, chuông báo động đã bắt đầu vang lên trong các phòng họp của Nhật ngay khi vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, một trung tâm lớn của ngành phụ tùng ô tô. Nhà sản xuất ô tô Nissan đã buộc phải tạm ngừng sản xuất tại một nhà máy ở Nhật vào tháng 2.2020 vì thiếu phụ tùng từ Trung Quốc. Trong khi đó, Iris Ohyama - một công ty hàng tiêu dùng của Nhật không thể đáp ứng nhu cầu khẩu trang tăng vọt trong nước sau khi nguồn cung cấp đến nhà máy của họ ở Trung Quốc bị gián đoạn và Trung Quốc siết chặt xuất khẩu.
Vào tháng 3.2020, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố muốn đưa sản xuất về nước và đa dạng hóa sang Đông Nam Á. Đến tháng 4.2020, chính phủ Nhật quyết định dành hẳn 2,2 tỉ USD trong gói phục hồi kinh tế để trợ giá cho quá trình dời các công ty ra khỏi Trung Quốc. Nay thì đã xác định danh sách 87 công ty được hưởng đợt trợ giá đầu tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật, nhưng vài năm nay, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp của Nhật (METI) đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào nước láng giềng khổng lồ này.
“Chúng tôi đã thấy mối nguy dễ tổn thương của chuỗi cung ứng và chúng tôi khuyến khích các ngành nghề xem xét những rủi ro ấy để đa dạng hóa nguồn cung ứng. Đây là một cơ hội để nghĩ lại về các chuỗi cung ứng toàn cầu”, một quan chức METI nhấn mạnh.

Nhiều “ông lớn” đa quốc gia chọn Việt Nam

Từ năm 2019, nhiều công ty đa quốc gia đã xúc tiến mở rộng các chuỗi cung ứng tại Việt Nam để tránh các loại thuế mới áp thêm cho hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nối bước đến Việt Nam trong cuộc tìm kiếm thị trường sản xuất thay thế khi giá cả tăng vọt. Việt Nam được nhiều “ông lớn” lựa chọn trong kế hoạch đa dạng hóa danh mục đầu tư sản xuất ngoài Trung Quốc chính là nhờ hạ tầng đã tương đối phát triển và vị thế gần Trung Quốc. Đó là thông tin từ báo cáo của Công ty dịch vụ bất động sản thương mại JLL.
Hồi đầu tháng 5, báo chí khu vực đã đưa tin gã khổng lồ công nghệ Apple của Mỹ bắt đầu sản xuất 3 - 4 triệu sản phẩm tai nghe AirPod tại Việt Nam trong tháng 4. Con số này tương đương 30% sản lượng quý, một dấu hiệu cho thấy hãng này đang dời bớt chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Apple cũng đang cân nhắc khả năng đưa sản xuất iPhone sang Việt Nam sau khi đại diện công ty thăm một nhà máy của đối tác lắp ráp Luxshare ở Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang. Mục đích chuyến thăm là để kiểm tra hạ tầng cơ sở và khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất iPhone của nhà máy.
Nhà máy rộng 30 ha này đã được xây dựng trong vòng 5 tháng sau khi Apple đề nghị mở rộng sản xuất. Phần đầu tư của Luxshare vào tỉnh Bắc Giang được cho là đã lên đến 270 triệu USD và hiện đã có đến 28.000 công nhân, con số tuyển dụng có thể tăng vọt đến 50.000 - 60.000 công nhân nếu nhà máy được chấp thuận sản xuất iPhone.
Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu2

Việt Nam hướng đến thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao

ẢNH: PHẠM HÙNG

Nhiều nhà cung cấp của Apple, bao gồm Foxconn, Pegatron và nhà sản xuất iPad - Compal Electronics cũng đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Inventec, một đơn vị lắp ráp AirPod, đang xây một nhà máy ở Việt Nam.
Hay Samsung từng có đến 3 nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Trung Quốc nhưng tập đoàn này đã đóng cửa tất cả vào cuối năm 2019. Việc sản xuất được chuyển sang các cơ sở của Samsung ở Việt Nam hoặc giao cho các nhà sản xuất theo hợp đồng.
Đầu tháng 8 vừa qua, Nikkei tiếp tục thông tin Samsung sẽ chấm dứt việc sản xuất máy tính cá nhân ở Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam để cắt giảm chi phí, giữ vững khả năng cạnh tranh. Theo đó, nhà máy ở Tô Châu sẽ đóng cửa và dây chuyền sản xuất dời sang nhà máy hiện có ở Việt Nam.
Một cuộc dịch chuyển toàn cầu đã và đang diễn ra và dịch Covid-19 ở góc độ nào đó, đang mở ra cho Việt Nam một cơ hội cực lớn, đón những luồng đầu tư lớn, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu - một khát vọng mà chúng ta chờ đợi đã rất lâu.
Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Ngày 6.8.2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới kỳ vọng tạo nên cú hích lớn cho công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo. Mục tiêu đặt ra là nâng cao khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao.
Theo đó, đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam với số doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%. Năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Vượt qua cơn bão chuỗi cung ứng
Đó là tên gọi một cuộc khảo sát được công bố mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Gartner. Theo đó, 1/3 các công ty có chuỗi cung ứng toàn cầu đã di chuyển những hoạt động gia công và sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc dự định di dời trong vòng 2 - 3 năm tới. Điểm đến mới của họ là Việt Nam, Ấn Độ và Mexico.
Đại dịch Covid-19 với những ảnh hưởng sâu rộng của nó chắc chắn là một trong những lý do hàng đầu dẫn đến xu hướng di dời. Các yếu tố quan trọng khác là việc Anh rút khỏi EU và áp lực thuế gia tăng xuất phát từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Cuộc khảo sát đã thu thập dữ liệu từ 260 công ty toàn cầu trong thời gian từ tháng 2 - 3.2020. Những đại diện này có chuỗi cung ứng ở khắp các ngành nghề, bao gồm công nghệ cao, công nghiệp, và thực phẩm - thức uống.
Để ứng phó với giá sản xuất leo thang do thuế tăng, nhiều công ty bắt đầu tìm kiếm địa điểm thay thế như Việt Nam, Ấn Độ và Mexico. Bên cạnh đó, việc di dời doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc sẽ giúp các công ty nâng cao khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của mình, đồng nghĩa sẽ có tầm nhìn tốt và sự nhanh nhạy trong việc chuyển đổi các hoạt động gia công, sản xuất, phân phối.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.