Con đường mang tên vị tướng...

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
07/12/2019 07:17 GMT+7

Giữa những ngày nghe lắm chuyện lao xao về chuyện đặt tên đường , tôi trở lại con đường được đặt tên một vị tướng, nằm ở Q.Tân Phú, TP.HCM.

Đêm ở quán hải sản tự chọn

Đây là con đường mà tôi vốn quen thuộc, ngay từ hồi đầu mới triển khai thi công. Tuyến đường rộng 30 m, 6 làn xe, kéo dài hơn 4 km chạy theo hướng đông nam - tây bắc thẳng lên khu công nghiệp Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh.
Nhớ lần gần 15 năm trước, lúc Q.Tân Phú vừa mới tách ra, phỏng vấn một vị lãnh đạo quận, vị này nói: “Q.Tân Phú mới tách ra từ Q.Tân Bình, hạ tầng giao thông là điều quan trọng để phát triển. Hướng đột phá là phải có một con đường rộng, chạy lên Bình Chánh, kết nối với khu vực phía tây. Và con đường Lũy Bán Bích nhất thiết phải được mở rộng, nối Q.Tân Phú với khu vực Đầm Sen của Q.11. Hai tuyến giao thông này sẽ là sức bật của Tân Phú trong tương lai”. Nói là làm, lãnh đạo Q.Tân Phú bắt tay vào xúc tiến dự án giải tỏa 2 tuyến giao thông này, và khoảng 4 năm sau, đã hiển lộ những gì như vị lãnh đạo ấy nói.
Đường Lê Trọng Tấn, chính là con đường mà Q.Tân Phú đặt rất nhiều tâm huyết. Sự kỳ vọng vào phát triển bền vững, và những chiến công vang danh của vị đại tướng này trong các cuộc kháng chiến, đã thôi thúc những công dân của quận phải hết sức hết lòng. Để có con đường rộng dài thênh thang như bây giờ, biết bao công sức đã đổ ra!
Đại tướng Lê Trọng Tấn (1914 - 1986) là một nhà quân sự tài ba, là Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 312 (còn gọi là Đại đoàn Chiến Thắng) lúc 36 tuổi, tham gia đánh nhiều trận quyết định ở mặt trận Điện Biên Phủ và các mặt trận ở miền Nam trước 1975. Từng giữ chức Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Viện trưởng Học viện Quân sự cao cấp... Là “một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam qua các thời đại”, theo lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Một đêm nọ chưa xa, tôi được Ngô Quang Sĩ, một người bạn doanh nhân người Quảng Ngãi, mời đi ăn tối ở một quán mặt tiền thuộc “đại lộ Lê Trọng Tấn” rất hoành tráng lung linh ánh đèn và nhạc. Quang Sĩ chọn mấy món cá từ Biển Đông mới đưa về còn tươi rói, nâng ly nói: “Em thích buổi tối ngồi nơi đây. Cá tươi, đường rộng và không khí mát mẻ dễ chịu. Chỗ đậu xe thoải mái, nhìn ngắm người qua lại rất thích!”. Hỏi, nhà Sĩ ở đâu? Anh ôn tồn trả lời: “Nhà em ở đường Chế Lan Viên gần đây, ở P.Tây Thạnh giáp bên. Vù xe ra đây chút xíu thôi”.
Nghe đến tên đường Chế Lan Viên, tôi chợt nhớ lại những ngày lăn lộn với một “cuộc chiến” cùng anh Diệp Đức Minh, một phóng viên ảnh của báo, với vấn nạn xây nhà không phép ở đường Dương Đức Hiền (lúc ấy còn thuộc Q.Tân Bình) gần đó. Sự kiện 289 căn nhà xây không phép vẫn còn lưu lại trong những bài báo, bây giờ đọc lại vẫn rất thời sự.
Ở bài báo ngày 28.7.2003 có tựa đề Vụ xây dựng 289 căn nhà trái phép ở P.15, Q.Tân Bình: Ai chịu trách nhiệm ?, là bài cuối trong loạt 7 bài, tôi đã có đủ tư liệu để nhấn mạnh rằng: “Với vụ xây dựng trái phép 289 căn nhà ở Q.Tân Bình, một lần nữa cho thấy việc quản lý nhà nước về đất đai xây dựng vẫn rất lỏng lẻo, chưa hiệu quả và chắc chắn có dụng ý dung túng, tiếp tay của một số quan chức chính quyền. Vụ việc này khiến nhiều người rơi vào cảnh khốn cùng, khi vì nhu cầu an cư, lỡ mua nhà trong khu vực. Vì vậy, điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ xây nhà trái phép này là vô cùng cần thiết”!
Bây giờ, những chuyện ấy đã lùi xa lắm rồi, sau 16 năm. Khu vực mà tôi đề cập có vụ lùm xùm xây nhà không phép xảy ra tháng 7.2003, thì sau đó 5 tháng, vào tháng 12.2003 có quyết định tách quận, lại thuộc địa bàn Q.Tân Phú. Những nơi ấy sau này đã được quy hoạch, chỉnh trang một cách khoa học. Và những năm qua, các con đường ở Q.Tân Phú như Chế Lan Viên, Dương Đức Hiền cũng được tráng nhựa, mở rộng thông thoáng, khang trang hơn xưa rất nhiều!

Chiến lược cho phát triển

Q.Tân Phú có quyết định ngày 5.11.2003 thì ngày 2.12 cùng năm được chính thức chia tách để thành lập. Vẫn thường hay đi về qua con đường Lê Trọng Tấn, ngược lên Bình Chánh qua giao lộ Lê Trọng Tấn - Nguyễn Thị Tú, một ngày của năm 2016, tôi rất mừng khi nghe tin có dự án mở rộng nút giao thông khu vực này. Và quả thực, đường đi đã thông thoáng hơn. Nhưng 3 năm qua với áp lực dân số quá lớn, phía đường Lê Trọng Tấn thuộc Q.Tân Phú thì vẫn rộng thoáng, còn lọt vô “nút thắt” của đường Nguyễn Thị Tú để lên một vùng đất mênh mông của Bình Chánh, lại vô cùng gian nan.
Hiện thành phố đang định hướng sẽ nâng đơn vị hành chính của 4 huyện lên cấp quận (gồm Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi), tầm nhìn này là vô cùng cần thiết. Điều phải lựa chọn cho đến năm 2030 thì bây giờ đã phải tính đến. Bởi, các chuyên gia hàng đầu của TP.HCM đều cho rằng tư duy phát triển cục bộ tùy vào thế mạnh của quận, của phường là một cách tư duy... phản quy hoạch. Từ đó, để thấy rằng con đường Lê Trọng Tấn rộng dài sẽ phải đấu nối với một con đường dài rộng tương tự.
Bởi theo số liệu điều tra mới nhất thì Bình Chánh vẫn là một huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất trong số 24 quận huyện của TP.HCM. Một mai khi nâng lên cấp quận thì hướng phát triển sẽ rất mạnh mẽ. Nếu không kết nối liên vùng, phía tây thành phố sẽ lại trở thành một miền đất xộc xệch, phát triển giẫm vào vết xe cũ là... cục bộ!
Trước năm 2003, lúc chưa tách quận, thì dân số Q.Tân Bình hơn 600.000 người, là đơn vị hành chính quận, huyện có số dân đông nhất nước. Nhưng theo con số thống kê công bố vào ngày 11.10 vừa qua, cả 2 quận có 959.000 người, và số dân của Q.Tân Phú đã vượt qua Q.Tân Bình, là 485.000 so với 474.000.
Một quận được mang tên mới đã phải dung chứa một số lượng dân gần bằng một vài thành phố thuộc tỉnh, cho thấy sức phát triển “nóng” đến dường nào. Nếu như không có những quyết sách phát triển hạ tầng giao thông thì người dân sẽ khó có đủ chỗ để an cư lạc nghiệp. Và trong tương lai, do quỹ đất vẫn còn ở một số khu vực, khi các dự án thành hình, đi đôi với sự phát triển kinh tế và đóng góp vào doanh số hằng năm của thành phố, dòng người nhập cư vào Q.Tân Phú phải nhận được sự thụ hưởng nhiều hơn nữa về các mặt an sinh - xã hội. Điều này như một sự thúc bách rất lớn đối với những nhà lãnh đạo, để không bị động trước những tình thế khó bề ngăn cản, một khi người dân vẫn có quyền cư trú nơi nào mà mình thấy thuận tiện!
Vì thế, từ chuyện một con đường hẳn nhiên phải mở, hoặc ý nghĩa của việc đặt tên, sự vinh danh đối với công lao của tiền nhân phải được ghi dấu vào tâm khảm như một sự mặc định. Rồi, để mỗi ngày khi con cháu nhắc đến tên những con đường như tên của đại tướng Lê Trọng Tấn, sẽ hình dung được anh linh của họ đang soi sáng cho một động lực để phát triển, phấn đấu. Đây là ý nghĩa lớn lao nhất, không chỉ trong một tờ quyết định đặt tên, mà là một sự tri ân đúng nghĩa, với một niềm tin rằng sức bật dậy của một vùng đất sẽ khiến cho người dân, từ già chí trẻ được sống đủ đầy hơn!
 Tại thời điểm thành lập, Q.Tân Phú có 1.606,98 ha diện tích tự nhiên và 310.876 nhân khẩu, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường 16, 17, 18, 19, 20; và 110,23 ha diện tích tự nhiên và 23.590 nhân khẩu của phường 14; 356,73 ha diện tích tự nhiên và 26.414 nhân khẩu của phường 15 thuộc Q.Tân Bình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.