Dân Mỹ đột ngột vỡ nợ thẻ tín dụng

13/06/2017 10:19 GMT+7

Kinh tế Mỹ đang khá mạnh trong thời gian gần đây, song người Mỹ lại đột ngột ngừng thanh toán các hóa đơn thẻ tín dụng với tốc độ chóng mặt.

Theo Business Insider, kinh tế Mỹ gần đây khá mạnh với tỷ lệ thất nghiệp chạm đáy 16 năm còn chứng khoán thì vừa đạt mức cao nhất mọi thời đại. Điều này khiến nhiều người tò mò vì sao người Mỹ bỗng ngừng thanh toán các khoản vay thẻ tín dụng với tốc độ chóng mặt.
Trong hai quý tài chính vừa qua, giới ngân hàng ghi nhận sự gia tăng trong các khoản vay thẻ tín dụng xóa sổ - khoản tiền mà công ty, nhà băng không thể thu hồi từ khách hàng, theo báo cáo của hãng Moody’s. Khoản vay xóa sổ của các nhà băng như Capital One, First National of Nebraska và Synchrony tệ nhất trong giai đoạn vừa rồi.
Khoản vay thẻ tín dụng xóa sổ tăng mạnh nhất từ năm 2009 là đặc biệt bất thường vì thị trường lao động Mỹ đang thể hiện tốt. Người tiêu dùng Mỹ không gặp khó khăn vì nhiều ngân hàng bắt đầu nới lỏng chuẩn cho vay của họ, cấp tín dụng mạnh mẽ hơn.
Các hãng phát hành thẻ nghiêm ngặt hơn từ khủng hoảng tài chính và việc Đạo luật Thẻ được thông qua năm 2009 giúp người tiêu dùng được bảo vệ nhiều hơn. Hiện tại, việc sở hữu thẻ tín dụng khó hơn rất nhiều, đặc biệt là trong trường hợp bạn có nợ dưới chuẩn.
Các khoản vay xóa sổ và tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng liên quan: Khi người ta mất việc làm, thẻ tín dụng thường là một trong những hóa đơn đầu tiên bị bỏ qua. Khoản vay thẻ tín dụng ít quan trọng hơn là khoản vay mua nhà hay tậu ô tô vì người tiêu dùng có nguy cơ mất những tài sản quan trọng này nếu không trả nợ.
Vì vậy, việc nợ xóa sổ tăng lên khi tình hình thất nghiệp đi xuống cho thấy ngân hàng đã hạ tiêu chuẩn của họ, cấp thẻ tín dụng cho những khách hàng không có khả năng chi trả. Tỷ lệ nợ xóa sổ trên số đơn xin trợ cấp thất nghiệp dao động quanh mức thấp nhất mọi thời đại, song trong hai quý gần nhất lại đi lên. Moody’s cho hay việc này có nghĩa là tiêu chuẩn vay đã xấu đi nhanh chóng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.