Tính đến ngày 31.8, khoảng 80% dân số Singapore đã hoàn thành tiêm chủng hai liều vắc xin Covid-19. Bắt đầu từ ngày 1.9, nhà ga T1 (Terminal 1) và T3 (Terminal 3) tại sân bay Changi đã mở cửa đón khách trở lại. Tuy vậy, việc nới lỏng tại quốc đảo này vẫn phải diễn ra theo từng giai đoạn do những người chưa tiêm chủng vẫn có rủi ro.
Tái mở cửa theo từng giai đoạn
Trên nhật báo Straits Times, các chuyên gia dịch tễ Singapore cho biết, các quy định giãn cách có thể tiếp tục được nới lỏng. Giáo sư Dale Fisher, cố vấn cấp cao về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia (National University Hospital - NUH) nhận định, tuy tỷ lệ tiêm chủng toàn dân đạt mốc 80% là một “thành tựu đáng được ghi nhận”, song Singapore chưa nên gấp rút gỡ bỏ tất cả các quy định giãn cách cùng một lúc vì chiến lược tái mở cửa theo từng giai đoạn vẫn đang hiệu quả và bổ sung, phải xem vắc xin như một giải pháp hữu hiệu giúp quốc gia thoát khỏi đại dịch và giờ đây “chúng ta cần phải chờ đợi và tin tưởng rằng tỷ lệ miễn dịch cao sẽ phát huy tác dụng. Không nên vội vã hay mong đợi một ngày mà tất cả các quy định giãn cách được bãi bỏ cùng một lúc”.
|
Trước đó, ngày 20.8, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong thông báo, kế hoạch tái mở cửa của Singapore tập trung vào việc duy trì vị thế trung tâm kinh tế và kết nối với thế giới với triết lý chú trọng vào sự ổn định và an toàn. Đảo quốc đã lựa chọn cách tiếp cận cẩn trọng hơn trong thời gian qua, xác định vẫn chào đón các nguồn đầu tư từ nước ngoài. “Mở cửa, và duy trì tình trạng mở cửa… Đó thực sự là yếu tố sống còn đối với Singapore”, vị này nhấn mạnh. Singapore cho phép khách du lịch đã tiêm chủng đến từ Đức và Brunei có chứng nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính được nhập cảnh mà không cần phải cách ly bắt đầu từ tháng 9. Quy định này cũng đã được áp dụng cho khách đến từ Hồng Kông và Macau 10 ngày trước đó. Đại diện Tổng cục Du lịch Singapore tại Việt Nam thông tin thêm, với tỷ lệ tiêm chủng đạt 80%, Singapore sẽ thêm vững tin tiếp tục triển khai kế hoạch tái mở cửa một cách an toàn, dù cho các ổ dịch mới có xuất hiện và không gây quá tải cho hệ thống y tế. Bởi tại một thời điểm nào đó, đại dịch sẽ qua đi và du lịch sẽ bắt đầu trở lại. Trong năm đại dịch Covid-19 2020, quốc đảo này đã thu hút được 17 tỉ USD vốn đầu tư, mức cao nhất sau hơn một thập kỷ.
Tương tự, năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội thì tỉnh bang British Columbia (BC - Canada) cũng chỉ phong tỏa trong vòng 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 5. Chuyên gia năng lượng Nguyễn Đăng Anh Thi là người sống và làm việc tại tỉnh bang BC cho hay, sau phong tỏa 3 tháng từ năm ngoái, đến nay, các chính sách phòng chống dịch, hoạt động kinh tế, đi lại… tại địa phương đều được ra quyết định bởi Y tế trưởng tỉnh bang (Provincial Health Officer), người đóng vai trò như một tổng tư lệnh. Từ thủ hiến bang, bộ trưởng Y tế, đến thị trưởng các thành phố, lực lượng cảnh sát, doanh nghiệp và người dân đều phải tuân thủ những khuyến cáo của Y tế trưởng. Chính vì các giải pháp phòng dịch được dựa trên các luận cứ khoa học và thực tiễn, qua một đầu mối chỉ đạo xuyên suốt là Y tế trưởng, nên không hề có chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Ông nói: “Thông điệp chống dịch của Canada là “Be kind, be calm, be safe” (Hãy tử tế, giữ bình tĩnh, giữ an toàn). Không cách ly tập trung, tự điều trị tại nhà, chỉ nhập viện các ca nặng là các giải pháp làm giảm gánh nặng của hệ thống y tế tại Canada. Cách làm này hiện TP.HCM đang áp dụng khá ổn”.
Phong tỏa không còn là giải pháp phù hợp
Ông Nguyễn Đăng Anh Thi cho biết, ngay bản thân ông cho đến tháng 5 vừa rồi mới tiêm mũi vắc xin đầu tiên và đến tháng 7 là tiêm mũi thứ 2. Với biến thể Delta, mọi tính toán trước đây về “miễn dịch cộng đồng” dựa trên tỷ lệ phủ vắc xin của dân số nay đã trở nên lạc hậu. Miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào 3 yếu tố: chủng vi rút (thể hiện qua hệ số lây lan Ro), tỷ lệ phủ vắc xin của dân số và hiệu quả vắc xin. Về lý thuyết, có thể nâng cao tỷ lệ phủ vắc xin trong dân số, nhưng hiệu quả vắc xin tốt nhất hiện tại cũng chỉ đạt tối đa 95%. Trong khi đó, hệ số lây lan Ro của vi rút hiện nằm ngoài tầm kiểm soát của con người.
Thế nên, nhiều quốc gia đã phủ vắc xin với tỷ lệ rất cao như Israel, Anh, Canada, Mỹ… nhưng vẫn tiếp tục chứng kiến các làn sóng lây nhiễm mới củng cố nhận định rằng miễn dịch cộng đồng là một mục tiêu khá xa vời, dù vắc xin đã được chứng minh là giải pháp tối quan trọng để giảm số ca nhiễm, nhập viện và tử vong.
|
|
“Trong tình hình như vậy, phong tỏa lâu dài đã không còn được xem là giải pháp tại các nước phương Tây vì thiệt hại xã hội quá lớn. Anh, Mỹ, Canada… đã xác định sống chung với vi rút bằng các biện pháp y tế công cộng như giữ khoảng cách vật lý, đeo khẩu trang trong không gian kín, khử khuẩn các bề mặt và rửa tay thường xuyên… ngay cả khi đã tiêm vắc xin. Nhưng trước khi được tiêm vắc xin, xã hội Canada vẫn phải vận hành theo cách “bình thường mới” chứ không “đông cứng” hoàn toàn”, ông Thi chia sẻ.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương thừa nhận, không có “mô hình điểm” cho việc mở cửa nền kinh tế và chấp nhận sống chung với vi rút ở ngưỡng an toàn nào, bởi xuất phát điểm của dịch nước nào cũng giống nhau, nhưng mở cửa được nền kinh tế sớm hay muộn tùy thuộc vào chính sách và quan trọng nhất là quyết tâm lớn của mỗi nước. Ông nói: “Singapore nằm trong số những quốc gia có quyết tâm lớn và bền bỉ để mở cửa từng bước một cách thận trọng. Đến nay, vắc xin được coi là chìa khóa tối ưu để tổ chức lại nền kinh tế “sống chung với dịch”. Việt Nam hãy ưu tiên vắc xin cho công nhân trong các khu công nghiệp để họ an toàn vào nhà máy, không bỏ về quê, không phải giam mình trong phòng trọ chờ cứu trợ. Họ đi làm, có lương và tự lo cho bản thân được. Chỉ có công nhân đi làm thì Việt Nam mới tránh được đứt gãy chuỗi cung ứng theo hiệu ứng domino. Nếu để đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài, nền kinh tế sau này có mở đến đâu cũng rất khó cứu phần đã mất”.
Theo ông Robert Trần, năm 2020, Mỹ có chính sách hỗ trợ mảng kinh doanh khách sạn rất hay, nên cho dù du lịch điêu đứng, không một khách du lịch nhưng người kinh doanh khách sạn không bị thất thu. Đó là sử dụng khách sạn với quy mô lớn làm bệnh viện dã chiến, thuê lại khách sạn và trả tiền. Hết điều trị, khách sạn được khử khuẩn, sửa sang để hoạt động trở lại. Làm như vậy, chủ khách sạn giảm nguy cơ phá sản, người dân có nơi điều trị Covid-19. Trong năm 2020, rất nhiều khách sạn lớn tại Mỹ vẫn đạt doanh thu tỉ USD nhờ cho chính phủ thuê làm bệnh viện dã chiến.
|
Bình luận (0)