Dịch Covid-19 đang tác động xấu như thế nào đến bất động sản du lịch?

Lê Quân
Lê Quân
25/03/2020 16:26 GMT+7

Theo nghiên cứu báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đến bất động sản du lịch của Công ty TNHH Savills Việt Nam mới công bố, các khách sạn đang chịu thiệt hại nặng nề, do công suất khai thác phòng giảm mạnh.

Theo kết quả nghiên cứu thị trường của Savills Việt Nam được cụ thể trong báo cáo công bố, dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh chóng đã gây ra thiệt hại đáng kể đến nhiều ngành kinh tế thế giới. Trong đó, du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng xấu nhất.
Dịch bệnh Covid-19 đã làm sụt giảm mạnh khách quốc tế, trong đó có lượng khách lớn từ Trung Quốc. Cùng với đó là sụt giảm thị trường khách du lịch nội địa. Khách du lịch sụt giảm mạnh gây tổn thất lớn đến các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các địa điểm tổ chức hội nghị, sự kiện…
Savills Việt Nam dẫn số liệu từ Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho biết, lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sẽ giảm từ 1 - 3% trong năm nay thay vì tăng trưởng 3 - 4% như dự báo trước khi xuất hiện dịch Covid-19.
“Đây là lần đầu tiên lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sụt giảm sau chuỗi 10 năm tăng trưởng liên tiếp. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cùng với các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ như cắt giảm các chuyến bay quốc tế và đóng cửa biên giới thì dự báo lượng du khách quốc tế sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn”, báo cáo của Savills Việt Nam thông tin.

Trong tháng 2, các khách sạn ở Hà Nội có tỷ lệ lấp phòng tốt hơn TP.Hồ Chí Minh

Ảnh Lê Quân

Cũng theo nghiên cứu của Savills, lượng khách quốc tế của các nước Đông Nam Á sụt giảm mạnh do phụ thuộc lớn vào thị trường khách Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng trầm trọng từ dịch bệnh Covid-19. Du lịch Việt Nam chắc chắn cũng chịu tác động mạnh, nhất là khi Trung Quốc và Hàn Quốc là những thị trường quan trọng (chiếm tới 56% lượng khách quốc tế trong năm 2019) nhưng cả 2 đều bị dịch bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó,  dịch bệnh diễn biến phức tạp tại châu Âu, châu Mỹ cũng tác động đến du lịch Việt Nam, các thị trường này chiếm 17% tổng lượng khách đến Việt Nam trong năm 2019.
Gần đây, Chính phủ đã tuyên bố tạm thời cấm nhập cảnh đối với các du khách nước ngoài. Điều này sẽ gây tác động không tốt đến ngành du lịch trong nước nhưng là chiến lược tốt để giảm tiếp xúc với các nguồn lây. Theo xu hướng chung với thế giới, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm đáng kể trong 2 tháng đầu năm nay.
“Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2 giảm 37,7% so với tháng trước, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ giảm sâu hơn trong những tháng tới”, Savills Việt Nam dẫn số liệu trong báo cáo và cho rằng, nếu dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt trong thời gian tới, sẽ kích thích trở lại thị trường du lịch nội địa.
Theo Savills Việt Nam, công suất phòng của các khách sạn trên toàn cầu đều ghi nhận mức giảm mạnh do sự sụt giảm của lượng khách du lịch nội địa và quốc tế.
“Công suất phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 2, các thành phố trung tâm như TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, có sụt giảm, nhưng vẫn duy trì được mức công suất tương đối tốt là 48% (TP.Hồ Chí Minh) và 60% (Hà Nội).

Dịch Covid-19 khiến nhiều khách sạn ở các điểm du lịch như Hội An, Đà Nẵng... vắng khách

Ảnh Lê Quân

Tuy nhiên, 3 tuần đầu tiên của tháng 3 năm nay, công suất phòng khách sạn đã giảm mạnh trong cả nước, nhất là ở các điểm du lịch như Đà Nẵng, Hội An chỉ dưới 10%... Tại Nha Trang, nhờ lượng khách du lịch từ Nga và nội địa nên các khách sạn tại đây vẫn duy trì hoạt động được. Phú Quốc duy trì công suất khoảng 40% trong tháng 2 nhưng thời gian tới, việc tạm dừng các chuyến bay sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các khu du lịch này.
Theo Savills Việt Nam, việc nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong nước tự nguyện đăng ký thành điểm cách ly cũng giúp duy trì hoạt động tốt hơn khi việc hủy đặt phòng đang ngày càng nhiều.
So với loại hình khách sạn, các dự án căn hộ dịch vụ đạt được mức công suất cao hơn nhờ vào nhóm khách lưu trú dài hạn…
Tuy vậy, Savills Việt Nam lạc quan cho rằng, dù là ngành dễ bị ảnh hưởng nhất bởi sự bất ổn kinh tế - xã hội nhưng qua các kỳ cuộc khủng hoảng như khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đại dịch SARS 2003… đã cho thấy, ngành du lịch luôn phục hồi mạnh mẽ trong khoảng 6 tháng.
Với dịch bệnh Covid-19 có quy mô lớn hơn, có tác động sâu rộng hơn các cuộc khủng hoảng trước, ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế thế giới nên có thể thời gian phục hồi lâu hơn.
Khi kết thúc dịch Covid-19, khách du lịch nội địa dự kiến sẽ trở lại trong khoảng thời gian ngắn, còn khách quốc tế sẽ có sự phục hồi chậm nhưng ổn định. Nhóm khách đầu tiên quay lại với khách sạn là khách công vụ, nhất là ở các thành phố lớn. Sau đó là khách du lịch tự do, khách du lịch theo nhóm. Dù vậy, ngành du lịch trong nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 và kéo dài đến hết năm 2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.