Việc đề xuất phương án điện 1 giá, theo Bộ Công thương, muốn tiếp thu đóng góp từ dư luận để giá điện dễ tính, dễ hiểu, để người dân có thêm lựa chọn. Tuy nhiên, khi giá điện bị "cào bằng" thì lại không đáp ứng được các mục tiêu quan trọng. Bộ dự tính sẽ rút phương án này trước khi trình Thủ tướng.
Nội dung trên được Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh kết luận khi chủ trì cuộc họp chiều 18.8 với Ban soạn thảo sửa đổi biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt.
Trước khi bắt đầu cuộc họp, ông Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ Công thương luôn lắng nghe và cầu thị trước ý kiến của người dân, chuyên gia về việc xây dựng các chính sách điều hành của Bộ, đặc biệt là giá điện. Vừa qua, dư luận bức xúc về biểu giá điện sinh hoạt, về dự thảo sửa đổi chưa phù hợp, Bộ sẵn sàng tiếp thu để đưa ra các phương án hiệu quả, khả thi nhất.
Trước đó, Cục Điều tiết điện lực được giao xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định số 28 của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo quyết định này và các quy định có liên quan giá điện được tính theo biểu giá bậc thang (6 bậc từ thấp đến cao) căn cứ vào mức giá bình quân. Tuy nhiên, vào những tháng cao điểm nắng nóng, việc áp dụng cách tính này khiến hóa đơn tiêu thụ của nhiều hộ tăng vọt. Nhiều ý kiến đề nghị cần thay đổi cách tính để giảm giá điện, đặc biệt đề xuất có thêm phương án 1 giá điện để người dân được chủ động lựa chọn.
Tiếp thu góp ý, trong dự thảo sửa đổi, Bộ Công thương đã “linh hoạt” đưa ra 2 phương án với nhiều sự lựa chọn khác nhau. Phương án 1 tính theo 5 bậc (hiện đang áp 6 bậc) và phương án 2 gồm 2 cách tính: một là 2A (5 bậc và 1 giá 145% giá bình quân) và 2B (5 bậc và 1 giá 155% giá bình quân). Tuy nhiên, cả 2 phương án này đều được đánh giá là chưa sát thực tiễn, 1 giá nhưng quá cao, còn bậc thang thì lại điều chỉnh không phù hợp, không giảm cho đại đa số người đang sử dụng điện.
Là cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho biết: “Cục nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm để việc xây dựng dự thảo sẽ được kỹ lưỡng hơn nữa. Trước mắt, Cục đề xuất rút phương án tính 1 giá điện vì nó không đảm bảo được mục tiêu tiết kiệm năng lượng và tiếp tục nghiên cứu phương án tính giá bậc thang nhưng điều chỉnh từ 6 xuống còn 5 bậc, đồng thời tính lại mức giá cho phù hợp hơn với từng đối tượng”.
Không tiết kiệm được điện năng
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, giá điện là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất, tác động sâu rộng tới tất cả người dân, nên khi dư luận quan tâm, bức xúc vì giá điện tăng cao, Bộ đã ngay lập tức đánh giá, nghiên cứu và xây dựng biểu giá điện mới để giải quyết vướng mắc. Trong đó, nguyên tắc cơ bản là đảm bảo hài hòa lợi ích người sử dụng điện, đặc biệt là người nghèo, yếu thế nhưng cũng phải đảm bảo về an toàn năng lượng... Vì vậy, các cơ quan chức năng của bộ đã nỗ lực nghiên cứu, đưa vào dự thảo và xin ý kiến rộng rãi về cơ chế điện 1 giá.
Phương án này có điểm thuận lợi là dễ tính, dễ hiểu và tăng thêm lựa chọn cho người dân, tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, nó không phù hợp và khó khả thi. Không phù hợp vì không khuyến khích tiết kiệm điện, không đảm bảo được mục tiêu số 1 cân đối đủ điện để phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước, an ninh năng lượng. Không khả thi vì đánh đồng tất cả các đối tượng, bất kể ai dù giàu hay nghèo cũng áp chung thì không phù hợp. Đặc biệt, gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
“Điện 1 giá như nhiều chuyên gia phân tích có thể thực hiện được nhưng chỉ khi có đầy đủ điều kiện khác đi kèm. Đặc biệt là thị trường điện cạnh tranh và nhà nước đã có công cụ, hình thức khác để hỗ trợ cho đối tượng khó khăn”, Bộ trưởng Công thương nói và phân tích thêm, một tiêu chí khác là phương án giá điện phải đảm bảo điều kiện hoạt động cho EVN để doanh nghiệp còn tái đầu tư phục vụ phát triển và bảo vệ năng lượng hệ thống quốc gia. Do dự thảo đưa ra nhiều phương án và chúng ta đặt quá nhiều mục tiêu nên gây khó khăn, bức xúc trong dư luận.
Về giá điện bậc thang, theo Bộ trưởng, người dân còn băn khoăn về giá tính cho từng bậc cũng như khoảng cách trong từng bậc. “Chúng ta tiếp tục tiếp thu những ý kiến đóng góp, đề nghị Cục Điều tiết điện lực lắng nghe, phân tích, làm rõ các ý kiến đóng góp”, người đứng đầu Bộ Công thương yêu cầu.
Kết thúc cuộc họp, ông Trần Tuấn Anh khẳng định, dù là phương án nào, 5 bậc hay 3 bậc cũng phải đảm bảo giá điện bình quân không bị thay đổi. Sau khi hoàn thiện, làm rõ phương án 5 bậc thang, tổ chức lấy ý kiến phản biện các nhà quản lý, chuyên môn khoa học để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả cao trước khi báo cáo Thủ tướng.
Bình luận (0)