Ngày 6.4 vừa qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT). Theo đó, mức giá 1.783 đồng/kWh (7,69 cent) dành cho dự án ĐMT nổi (trên mặt nước), 1.644 đồng/kWh (7,09 cent) với ĐMT mặt đất, 1.943 đồng/kWh (8,38 cent) với ĐMT trên mái nhà. Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Nhà đầu tư tư nhân tiên phong bị "ép" ?
Ông Huỳnh Văn Tri, nhà đầu tư 2 dự án ĐMT nhỏ tại Kiên Giang nhận xét, mức giá mới “ép” các nhà đầu tư tư nhân tiên phong trong đầu tư ĐMT. Bởi khi kêu gọi tư nhân tham gia, biểu giá ưu đãi cũ không đưa ra mốc thời gian cụ thể nào. Nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại thời điểm đó đã chi số tiền gấp rưỡi số tiền đầu tư hiện tại để làm ĐMT với vô vàn khó khăn khác. Ngoài việc chưa lấy lại vốn, từ ngày 1.7.2019 đến nay họ không thu được tiền ĐMT bán vào lưới điện quốc gia do bảng giá mới chưa có. Với mức giá mới ban hành cao nhất là 8,38 cent/kWh cho điện áp mái cũng vẫn chưa thỏa đáng. "Tôi cho rằng bên điện lực đã tư vấn để đưa ra biểu giá mới này, vô tình tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) nhà nước “ép” DN tư nhân trong đầu tư năng lượng”, ông Tri nói.
Ngược lại, TS Nguyễn Duy Khiêm (Trường ĐH Quy Nhơn) - người tham gia lắp đặt nhiều dự án ĐMT lớn - lại đánh giá bảng giá điện mới mà Chính phủ vừa ban hành là hợp lý vì các dự án ĐMT đang quá tải, tập trung tại một vài khu vực, có phát điện cũng không thể truyền tải được nên cần hạ giá mua xuống để tạm ngưng làn sóng bùng nổ.
Giá ưu đãi ĐMT không thể duy trì quá lâu vì Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng là DN, họ không thể kéo dài việc bù lỗ khi mua giá điện cao, bán ra giá thấp như vậy. Theo ông Khiêm, chi phí đầu tư hệ thống thiết bị đầu vào của ĐMT ngày càng giảm. Một bộ inverter giá hiện nay giảm khoảng 20 - 30% so với cách đây chỉ vài tháng và các công ty lắp đặt vẫn đang chào giá giảm xuống đối với tất cả các thiết bị. Đồng thời, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, cùng diện tích một tấm pin, cách đây 3 - 4 tháng sản xuất được 350 W thì nay có thể cho ra tới 450 W. Với giá thành như vậy, giá mua từ 8 cent/kWh trở lên, đầu tư ĐMT chắc chắn có lãi.
TS Tô Vân Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, cũng cho rằng giá 8,38 US cent/kWh vẫn đảm bảo khuyến khích phát triển ĐMT áp mái trong thời gian tới và không làm ảnh hưởng đến cơ hội giảm điện than. Bảng giá vừa ban hành chỉ cao hơn giá bán lẻ điện sinh hoạt ở bậc 1, bậc 2 và thấp hơn từ bậc 3 - bậc 6. Hiện tại, giá thiết bị PV Modules & Solar Inverters đã giảm khá nhiều so với giá tại thời điểm năm 2017. Xu hướng hiện nay của người dân đa phần đầu tư ĐMT áp mái để tự sử dụng chính, còn dư thì bán lên lưới của điện lực nên giá này là ổn.
Vẫn lo ngại quá tải đường truyền
Đặt trong bối cảnh giảm điện than, thậm chí ngưng hoàn toàn các dự án điện than mới, nhiều chuyên gia lại lo ngại, bảng giá mới thấp hơn sẽ khiến ĐMT áp mái không đủ tiềm lực phát triển. Chuyên gia năng lượng TS Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo thế giới, cho rằng bảng giá ĐMT mới là điều tốt cho nhà đầu tư lẫn EVN trong việc chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư cũng như mua bán điện. Tuy nhiên, bảng giá mới chia ra 3 loại hình nhưng đều giảm đột ngột đang “làm khó” nhà đầu tư. “EVN theo quan điểm của chúng tôi vẫn là đơn vị tư vấn tốt nhất cho Chính phủ và có trách nhiệm phải bảo vệ an ninh an toàn năng lượng quốc gia chứ không phải chỉ là một DN đơn thuần. Nếu đưa ra mức giá mới, có lợi cho DN nhà nước mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài của chính sách là giảm thiểu ô nhiễm môi trường là hơi phiến diện rồi”, ông Bình nói.
Đồng quan điểm, ông Khiêm thừa nhận với mức giá mới này, dù có lãi, mọi người vẫn đầu tư nhưng chắc chắn ĐMT sẽ không còn phát triển rầm rộ như giai đoạn trước, làm chậm lại quy hoạch khuyến khích năng lượng tái tạo theo Nghị quyết 55 mới mà Bộ Chính trị vừa ban hành. Tuy nhiên sự phát triển sẽ hợp lý hơn, có tính toán hơn và đây cũng là cơ hội để ngành điện tập trung xây dựng đường truyền tải theo kịp dần tốc độ phát triển của ĐMT cũng như điện gió trong hiện tại và tương lai.
Thực tế, do thiếu đường truyền, hiện có rất nhiều dự án ĐMT lớn chưa thể triển khai hoặc hoạt động không hết công suất. Phổ biến nhất ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Đến cuối năm 2019, Bình Thuận đã đưa gần 1.200 MW ĐMT vào vận hành. Chính vì sự phát triển nhanh, trong khi thủ tục đầu tư lưới điện theo quy trình của nhà nước không theo kịp, dẫn đến tình trạng giảm phát, nhiều nhà máy chỉ phát được 30 - 40% lên lưới.
“Các chính sách phát triển năng lượng cần được song hành chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào đường truyền tải điện. Chính phủ cần có chính sách riêng để kêu gọi họ đầu tư đường tải điện, bảo đảm an ninh năng lượng và môi trường trong tương lai, đó mới là điều quan trọng”, ông Bình nêu ý kiến.
Theo Quyết định 13, riêng với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án ĐMT nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực từ các cấp và có ngày vận hành thương mại trước 1.1.2021, với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW là 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 cent). Đây cũng là mức giá nhà nước mua ĐMT chung cho cả 3 loại hình trước ngày 30.6.2019.
|
Bình luận (0)