Định nghĩa lại khái niệm "biển lớn"
02/04/2019 19:40 GMT+7
Được ví như "đội thuyền thúng" bơi ra biển lớn khi hội nhập nhưng khái niệm "biển lớn" đã được "định nghĩa lại" với phân tích thấu đạt từ nhiều đại biểu tại Hội thảo "Doanh nghiệp Việt ra biển lớn" do báo Thanh Niên tổ chức sáng nay ngày 2.4.
Tự động phát
Theo Tổng biên tập Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Thông : “Biển lớn không phải là giá trị đường biên, mà là nỗ lực thành công của doanh nghiệp ngay trên sân nhà. Thành công ngay trên sân nhà, họ sẽ có nhiều kinh nghiệm, cơ hội để bước ra thế giới một cách đĩnh đạc”. Như vậy, sự thành công, dẫn đầu ngành hàng ngay trên sân nhà trước sự tấn công ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp toàn cầu vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt đã chính thức bước ra biển lớn rồi.
Trước câu hỏi "cảm nhận thế nào về đội ngũ doanh nghiệp Việt ngày nay, có còn là "đội thuyến thúng ra biển lớn" hay không ? Ông Trần Ngọc Liêm - Phó giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI), chi nhánh TP.HCM cho rằng, hội nhập sâu cần nhận diện lại về khái niệm biển lớn bao gồm ngay cả thị trường hơn 90 triệu dân Việt. Việt Nam là nước hội nhập kinh tế mạnh, độ mở của nền kinh tế rất lớn, xuất khẩu cao gấp 2 lần GDP. Thế nên, ngay trong sân nhà, nơi có nhiều doanh nghiệp sừng sỏ trên thị trường thế giới tham gia, doanh nghiệp trong nước vẫn đứng vững và thành công vượt trội là đã "bơi ra biển" rồi. Thế nên, doanh nghiệp Việt cần khắc phục, hoàn thiện mình để đứng vững trên thị trường.
|
Đồng quan điểm, khi trả lời thắc mắc của nhiều startup rằng làm cách nào để đưa hàng ra nước ngoài, ra biển lớn thành công, bà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát nhấn mạnh, đừng hiểu ra biển lớn là phải đưa hàng ra ngoài biên giới mà thực tế cạnh tranh ngay trên sân nhà với thị trường hơn 90 triệu dân đã là thách thức rất lớn.
Cẩn trọng với những tổn thương
“Cộng đồng doanh nghiệp Việt trên 97% là nhỏ và vừa. Thế nên tổn thương từ hội nhập của cộng đồng doanh nghiệp Việt rất lớn. Các FTA (hiệp định thương mại tự do) chúng ta ký kết với các nước cho thấy, cơ hội của doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, việc tận dụng các FTA của doanh nghiệp trong nước rất thấp”, ông Liêm nhận định. Thống kê cho thấy, trên 90% dòng thuế Việt Nam được ưu đãi ngay năm đầu tiên và cũng trong năm đầu tiên, trên 70% thuế chúng ta phải bỏ. Nhiều quốc gia cũng bỏ trên 90% ưu đãi thuế hàng từ Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế khảo sát của VCCI cho thấy, các lô hàng Việt xuất đi các nước mà Việt Nam có ký FTA, quốc gia mà Việt Nam được hưởng thuế quan cao nhất, ở mức 80% là Hàn Quốc, dựa trên tổng số lô hàng mà doanh nghiệp xuất sang thị trường này. Còn các thị trường còn lại chỉ có khoảng 20-40%. Như vậy, so với những cam kết trên giấy tờ mà chúng ta thực hưởng trên 90%, nhưng năng lực và thực trạng sản phẩm của chúng ta được hưởng rất thấp. Thế nên, tổn thương và kể cả tận dụng cơ hội của doanh nghiệp Việt đều rất lớn. Đây là câu chuyện mà bản thân VCCI cũng như các tổ chức hiệp hội có hướng tuyên truyền, định hướng cho doanh nghiệp sản xuất thế nào để có hàng hóa tăng cạnh tranh.
|
Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng yếu tố cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là cú hích lớn nhất tạo tăng trưởng kinh tế thực sự, bền vững cho quốc gia chứ không phải những FTA. Theo CPTPP, có hai quốc gia chưa ký FTA với Việt Nam là Mexico và Peru, ngay tháng 1 năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt sang hai thị trường này tăng 20%. Ông Liêm cho rằng, đấy là tín hiệu rất tốt, cộng đồng doanh nghiệp hai bên có chủ động tìm đến nhau để tận dụng cơ hội từ CPTPP. Vấn đề là doanh nghiệp cần một cơ chế minh bạch thông thoáng và rõ ràng, không phải nay thế này mai thế khác. Để họ có thể dự liệu được, bởi những thay đổi ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nói chung của doanh nghiệp.
Bình luận (0)