Vay 3 triệu, 'đẻ' lãi nợ tới...300 triệu

19/08/2021 06:52 GMT+7

Mạo danh lừa đảo, lãi suất cắt cổ, không vay cũng được duyệt... những chiêu trò lừa đảo vay tiền qua ứng dụng di động (app) đang bùng phát trong bối cảnh giãn cách xã hội hiện nay.

Ghép ảnh đồi trụy để đòi nợ

Trao đổi với chúng tôi ngày 18.8, chị T.T (tỉnh Ninh Bình) chưa hết bàng hoàng sau khi bị các app đòi nợ kiểu khủng bố. Chuyện bắt đầu từ khi điện thoại chị T.T nhận tin nhắn được cho vay số tiền 50 triệu đồng, trả phí 4 triệu đồng. Do không có tiền, chị T. được người gửi tin nhắn hướng dẫn vay tại nhiều app khác, mỗi app một ít cho đủ khoản phí 4 triệu. Nhưng vay xong khoản phí, thực hiện các bước đăng nhập tài khoản, nhập mật khẩu đủ… thì app này thông báo “tài khoản đóng băng”.
Liên hệ lại, nhân viên nói chị “đăng nhập sai” nên không được duyệt khoản vay 50 triệu, muốn vay thì đóng thêm 10 triệu đồng tiền phí nữa. Chị T.T đành quay qua các app khác để vay cho đủ số tiền 10 triệu. Thế nhưng dù đóng tổng cộng tới 14 triệu đồng mà chị vẫn không vay được khoản 50 triệu đồng kia. “Tôi đã chụp lại màn hình các bước, cả số mật khẩu… lúc thực hiện vay lần 2 nhưng hệ thống vẫn báo “tài khoản đóng băng”. Khi tôi đưa ra hình ảnh mình đã chụp thì họ tắt điện thoại, không liên lạc được nữa”, chị kể.
Biết mình bị lừa và nghi những app được giới thiệu vay 14 triệu kia là cùng một nhóm, chị T. quyết định không trả nợ thì tai họa ập xuống. Mỗi ngày, số điện thoại của chị nhận cả trăm cuộc gọi từ nhóm đòi nợ với những lời lẽ thô tục, chửi bới, có những cuộc gọi vào 12 giờ đêm, 1 - 2 giờ sáng. Khi chị T. tắt máy, chúng quay qua “khủng bố” ba mẹ, bạn bè của chị. Chưa hết, nhóm cho vay còn lấy hình ảnh của chị trên Facebook lồng ghép vào những trang web đen với lời giới thiệu như “đang có nhu cầu tìm việc trả nợ”.
“Tôi bị khủng hoảng, suy sụp vì ngoài những kẻ cho vay bêu xấu mình khắp nơi, phía gia đình, người thân, bạn bè còn bàn tán, dị nghị. Nhiều ngày liền tôi không ngủ được, nghĩ quẩn hay là chết quách cho xong. Sau đó nhận được sự tư vấn, tôi đã bình tĩnh lại và ra công an tố cáo. Lần đầu tiên vay tiền qua app, tởn đến già”, chị nói.
Anh Quang (tỉnh Nghệ An) vay 3 triệu đồng qua app hồi tháng 7 nhưng sau khi trừ đi các khoản phí, anh nhận được 1,9 triệu đồng. Sau 7 ngày, anh phải trả đủ 3 triệu đồng, nếu quá hạn tiền lãi sẽ tính 10%/ngày. Do thời gian vay ngắn nên anh phải tiếp tục vay các app khác trả cho khoản nợ cũ. Thế là từ 3 triệu đồng thành 180 triệu đồng và do mất khả năng chi trả nên lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến số nợ lên tới 300 triệu đồng. Khi không trả được nợ, anh Quang cũng bị khủng bố tin nhắn, điện thoại, lấy ảnh anh ghép sửa thành ảnh đồi trụy đăng trên mạng xã hội; điện thoại “khủng bố” cả người thân và bạn bè anh… Anh Quang cho hay: “Tôi đã liên hệ với app và đề nghị được trả chậm số tiền vay cũng như lãi, một số app đồng ý nhưng một số không chấp nhận. Mọi người đừng vay qua app, dính vào những app như thế này sẽ rơi vào cái vòng luẩn quẩn giống tôi, không có lối thoát”.

Gọi điện cho bố, “tố láo” con nợ

Sáng 17.8, chị Trâm Anh (ngụ Q.10, TP.HCM) nhận được điện thoại của bố từ Phú Yên hỏi về khoản nợ 500 triệu đồng vay của VPBank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng). Trước đó, có một số điện thoại lạ gọi tới, tự xưng là nhân viên của VPBank, thông báo với bố chị là chị đang nợ 500 triệu đồng nhưng phía ngân hàng liên hệ nhiều lần chị không bắt máy nên phải gọi cho người thân yêu cầu trả tiền thay cho chị. Người này còn hẹn bố chị tới tòa án Q.1 (TP.HCM) để giải quyết vì “nợ quá hạn lâu, phía ngân hàng đã đâm đơn kiện”. Nghi ngờ đây là đối tượng lừa đảo, bố chị Trâm Anh trả lời: “Nó nợ thì đi gọi nó đòi, gọi tôi làm chi” thì đối tượng này trở mặt, thay đổi thái độ, chửi mắng. Khi bố chị dọa báo công an, đầu dây bên kia đáp lại “Thách đó” rồi cúp máy.
“Liên hệ với VPBank, nhân viên thông báo tôi không có khoản vay nào và hệ thống không ghi nhận cuộc gọi nào tới số điện thoại của tôi. Tuy nhiên, vị này cũng xác nhận số điện thoại từ những cuộc gọi mạo danh kia đúng là đầu số hội sở chính của VPBank. Phía ngân hàng ghi nhận sự việc và xin 2 ngày để giải quyết, sau đó sẽ thông báo lại”, chị Trâm Anh cho hay.

Không vay cũng được... xét duyệt hồ sơ

Trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, các app cho vay tín dụng đen hoạt động còn mạnh hơn trước, dưới nhiều hình thức như gửi tin nhắn, email, quảng cáo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Ngoài việc tăng cường nắm bắt tình hình, Công an TP.HCM đang kiến nghị các cơ quan ban ngành có thẩm quyền ngăn chặn, gỡ bỏ các website, ứng dụng có liên quan đến hoạt động cho vay trái phép, vi phạm pháp luật trên không gian mạng có công ty, văn phòng, cá nhân hoạt động tại địa bàn thành phố.
Từ hơn 1 tháng trở lại đây, mỗi ngày chị Thanh Hà (Q.3, TP.HCM) nhận được từ 1 - 3 thư mời chào vay tiền với nội dung: “Dựa trên lịch sử tín dụng của bạn, bạn có thể nhận được khoản vay đầu tiên đến 4.000.000 VND với lãi suất 0% trong một tháng. Cho vay lại với hạn mức tăng đến 10.000.000 VND. Thời gian xét duyệt 10 phút”, hay “Bạn có thể vay đến 10 triệu đồng với lãi suất 0%, nhận tiền về tài khoản trong vòng 15 phút”… Khôi hài hơn là trường hợp anh N.T (Q.Tân Bình, TP.HCM) khi bỗng nhiên nhận được tin nhắn từ tổng đài của app vay tiền trực tuyến Robocash chúc mừng anh đã đăng ký tài khoản thành công tại ứng dụng này. Cung cấp số đăng nhập, ứng dụng Robocash hướng dẫn chi tiết cách thức để có khoản vay với những thao tác hết sức đơn giản, chỉ mất khoảng 4 phút điền thông tin và 1 phút để nhận được số tiền vay. Đáng nói, dù anh T. không thực hiện theo bất kỳ hướng dẫn nào, nhưng sau đó ứng dụng liên tục gửi về máy anh thông báo “đơn xin vay tiền của bạn đã bị từ chối, chúng tôi không thể cấp khoản vay theo hồ sơ yêu cầu vay 5 triệu đồng của quý khách”, đồng thời hướng dẫn anh tạo hồ sơ đề nghị vay mới. Đi kèm những tin nhắn, email lạ này là những đường link đăng nhập khá mập mờ.
Mới đây, Công an TP.HCM đã có khuyến cáo người dân không vay tiền qua các app trái phép. Nếu có nhu cầu, nên liên hệ các tổ chức tài chính được nhà nước cấp phép hoạt động. Đồng thời khi phát hiện những app cho vay tiền với lãi suất cao, người dân thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.