Giá tôm, cua, cá khắp nơi sụt giảm vì dịch bệnh Covid-19

13/04/2020 12:29 GMT+7

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) nhận định giá thủy sản toàn cầu đang giảm mạnh vì ảnh hưởng dịch bệnh.

Theo đó, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus chủng mới (Covid-19) đã bùng phát mạnh ở những nước tiêu thụ thủy sản hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Pháp. Chính sách cách ly người dân và giao thông ngưng trệ cũng như chuỗi cung ứng bị gián đoạn đã khiến thị trường thủy sản biến động mạnh, giá hầu hết các loại sụt giảm.
Chẳng hạn, ở Nhật Bản, khách du lịch sụt giảm và dịch bệnh gia tăng khiến giá cua tuyết Matsuba-gani tháng 2 vừa qua chỉ còn 3.602 JPY/kg, thấp hơn 20% so với mức trung bình của năm và là mức giảm trong tháng 2 mạnh nhất kể từ năm 2014. Ở Newlyn, Cornwall (Anh), giá cá minh thái đã giảm từ 3 GBP xuống còn 41 pence/kg. Hay giá cá hồi Na Uy giảm 26% trong 2,5 tháng đầu năm, từ 79,1 NOK/kg đầu năm xuống 58,89 NOK/kg. Nguyên nhân do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh 83% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước.
Tại Ấn Độ, giá tôm thẻ loại 40 con/kg giao tại ao ở bang Andhara Pradesh trung tuần tháng 3 là 330 rupee (4,39 USD)/kg, giảm 14% so với tuần cuối tháng 2; tôm loại 60 con là 240 rupee/kg, giảm 21%. Trong khi đó, lượng tồn kho tôm của Trung Quốc ở mức rất cao và khó có khả năng giảm trong ngắn hạn. Tại Việt Nam, giá thủy hải sản cũng đồng loạt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính đến hết tháng 3, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 1,5 tỉ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất là 31%, chủ yếu do giảm xuất sang thị trường Trung Quốc từ 2 tháng đầu năm. Xuất khẩu tôm giảm nhẹ 4,3%, trong khi xuất khẩu các mặt hàng hải sản khác giảm sâu như cá ngừ giảm 13,5%, mực - bạch tuộc giảm 28%...
Hiện nay, giá tôm, cá tra nguyên liệu đều giảm vì người nuôi sợ rớt giá thu hoạch sớm, một số doanh nghiệp tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng giảm (bị hoãn, hủy, không có đơn hàng mới), kho lạnh để trữ hàng bị đầy và thiếu. Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu vào cuối năm, khi dịch bệnh hết, nhu cầu tăng lại nếu người nuôi hạn chế hoặc bỏ ao vì không trụ được ở giai đoạn này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.