Doanh nghiệp thủy sản xin miễn lãi suất vay dài hạn đầu tư kho lạnh

Mai Phương
Mai Phương
02/04/2020 18:38 GMT+7

Hôm nay 2.4, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi công văn đề xuất hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư kho lạnh.

Theo công văn số 35/2020 của VASEP gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cả nước đang thiếu kho lạnh trầm trọng. Do đó, các doanh nghiệp (DN) không thể thu mua được nhiều hơn nguồn nguyên liệu tôm cá mà bà con nông-ngư dân sản xuất ra, cũng như khó có thể tạo ra được nguồn hàng lớn để chủ động khi thế giới có nhu cầu trở lại.
VASEP cho rằng ngay cả trong điều kiện bình thường thì hệ thống kho lạnh đã vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh khó khăn ách tắc như đại dịch Covid-19 hiện nay, kho lạnh trữ hàng càng cần thiết hơn bao giờ hết. Kho lạnh không chỉ là điều kiện cần để hỗ trợ tối đa cho việc thu mua hết nguyên liệu từ người dân, mà còn là mắt xích chính để giúp doanh nghiệp chủ động trong các giao dịch ký hợp đồng với quốc tế. Tuy nhiên, việc phát triển các kho lạnh trữ thủy sản gặp khó khăn là chi phí đầu tư khá lớn nên công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn chưa theo kịp được nhu cầu của ngành.
“Trong khó khăn luôn có các cơ hội và VASEP đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Cụ thể là hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ với công suất tối thiểu là 5.000 pallet trở lên. Bên cạnh đó, hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành”, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho biết.
Vào ngày 30.3, VASEP đã cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam gửi công văn tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các bộ ngành liên quan đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sản xuất, xuất khẩu thủy sản, dệt may và da giày. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp trên toàn thế giới, đặc biệt dịch bệnh đã bùng phát tại các quốc gia như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản… là những thị trường lớn và trọng điểm xuất khẩu của 3 ngành này. Rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp đã bị hủy, hoãn giao hàng, không ký tiếp đơn hàng mới và chậm thanh toán dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, nguy cơ đứt thanh khoản.
Vì vậy, cả 3 hiệp hội đề xuất về giải pháp chung như cho phép chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 2019 đến hết năm 2020 và không tính lãi chậm nộp; hoãn thuế giá trị gia tăng trong năm 2020 và không tính lãi chậm nộp; hỗ trợ hạ lãi suất cho các khoản vay trước năm 2020 từ 4 - 5% đối với tiền đồng và từ 2 - 3% đối với tiền USD; cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn giải pháp trả lương cho người lao động theo thỏa thuận giữa 2 bên có thể thấp hơn lương tối thiểu vùng; dùng tiền kết dư của quỹ BHXH, BHTN hỗ trợ 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động, 50% còn lại doanh nghiệp tự lo...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.