Đồng bạc xanh trên thị trường thế giới hồi phục nhẹ sau khi liên tục giảm xuống trong các phiên vừa qua. Chỉ số USD-Index trên Kitco và lúc 8 giờ sáng nay 11.3 là 96,27 điểm, tăng thêm gần 1 điểm so với ngày trước đó.
Tại thị trường trong nước, đầu ngày 11.3 tỷ giá USD trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.198 đồng/USD, tăng 8 đồng so với ngày trước đó. Nhưng tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại hầu như đứng yên như tại Vietcombank vẫn giữ giá mua vào 23.080 đồng/USD và bán ra 23.250 đồng/USD hay đồng euro cũng tăng không đáng kể, giao dịch ở mức 25.894 - 27.087 đồng/euro. Hay tại ngân hàng Eximbank, tỷ giá USD cũng chưa thay đổi khi mua vào 23.100 đồng/USD và bán ra 23.230 đồng/USD...
Đồng bạc xanh hồi phục cùng lúc khi cổ phiếu nhiều nơi và tại thị trường chứng khoán Mỹ quay đầu tăng mạnh trong phiên 10.3. Chốt phiên chỉ số Dow Jones vọt 1.167,14 điểm, tương đương tăng 4,9% lên 25.018,16 điểm. Đà tăng điểm của Dow Jones trong ngày 10.3 đã giúp chỉ số này phục hồi 50% từ đà sụt giảm trong ngày đầu tuần trước đó. Tương tự, chỉ số S&P 500 tăng trở lại 4,94% lên 2.882,23 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 2018 đến nay và chỉ số Nasdaq cũng tăng 4,95% lên 8.344.25 điểm.
Theo Công ty chứng khoán SSI, trong tháng 2 dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng đã tạo nên tâm lý lo sợ rủi ro của các nhà đầu tư trên thị trường. Điều đó khiến giá vàng tăng mạnh, có thời điểm lên sát 1.700 USD/ounce, mức đỉnh 7 năm trong khi chỉ số USD-Index cũng lên sát mốc 100, đi ngược với quy luật USD tăng thì giá vàng giảm như thông thường. Tuy vậy, trong tuần cuối tháng 2, dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng tại Mỹ khiến đồng USD hạ nhiệt nhanh và lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đồng loạt giảm mạnh về vùng thấp lịch sử.
Chịu áp lực từ diễn biến quốc tế, tỷ giá USD tại Việt Nam trong tháng 2 cũng bật tăng mạnh lên vùng giá mới nhưng đã hạ nhiệt sau đó. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD đã nhích tăng 0,27% nhưng cũng chỉ tiệm cận về vùng tỷ giá tại cuối năm 2018. Tỷ giá về cơ bản chỉ đang hồi lại sau khi giảm trong năm 2019. Cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn ở trạng thái ổn định tuy nhiên tâm lý thận trọng gia tăng, thể hiện là chênh lệch tỷ giá mua vào và bán ra của ngân hàng thương mại hay giữa tỷ giá tự do và tỷ giá ngân hàng đều giãn rộng.
Theo SSI, quyết định giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ làm đồng USD trên thị trường quốc tế hạ nhiệt đồng thời sẽ kéo giảm lãi suất USD trong nước, nới rộng chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng. Các áp lực có thể gia tăng nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi. Nhưng nhìn về dài hạn, các công cụ hỗ trợ ổn định tỷ giá vẫn còn nhiều dư địa và vì vậy chưa có cơ sở để lo lắng về sự mất giá của VND. SSI đưa ra nhận định, diễn biến tỷ giá 2020 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan điều hành và tỷ giá nếu có được điều chỉnh thì cũng chỉ dao động quanh mức 1%.
Bình luận (0)