Giảm mạnh giá mua điện mặt trời áp mái: 'Siết' dự án điện trá hình

Nguyên Nga
Nguyên Nga
10/03/2021 06:23 GMT+7

Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo cơ chế giá điện mặt trời áp mái mới thấp hơn mức giá hiện tại đến 30%, dự kiến từ mức 8,38 cent/kWh còn khoảng 5,3 - 5,8 cent/kWh tùy theo công suất.

Đặc biệt, bên mua sỉ nếu mua lại điện từ các dự án cũng chỉ mua tối đa 80% sản lượng điện phát, còn lại phía nhà sản xuất cam kết sử dụng.

Dự án lách luật không còn “đất sống”

TS Nguyễn Duy Khiêm (ĐH Quy Nhơn) cho rằng giảm giá mua điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) là một động thái nhằm “siết” tình trạng sử dụng đất nông nghiệp, không nuôi trồng gì bên dưới để làm ĐMTAM. Bên dưới các dự án này không có hoạt động sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản... theo quy định của Bộ Công thương hướng dẫn tại Công văn 7088, nhưng một số đối phó bằng cách bỏ dăm ba cây trồng để được hưởng giá bán ĐMTAM theo ưu đãi tại Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, mức giá ưu đãi 8,38 cent/kWh theo Quyết định 13 đã hết thời hạn từ ngày 31.12.2020.
TS Nguyễn Duy Khiêm nói: “Giá thu mua ĐMTAM giảm đến 30% so với giá hiện tại là cơ quan quản lý muốn “đánh” vào hành vi sai phạm này. Thực tế nó đã diễn ra tại nhiều địa phương ở Tây nguyên, miền Trung, Đông Nam bộ… như các cơ quan truyền thông phản ánh. Với mức giá mới này, nếu được thông qua, sắp tới chắc chắn các dự án ĐMTAM làm trên đất nông nghiệp theo kiểu lách luật sẽ không còn “đất sống” nữa. Như vậy, chính sách giảm giá này là đúng!”.
Tuy nhiên, thiệt thòi nằm ở phía các hộ gia đình, từng vay tiền để đầu tư làm ĐMTAM tại nhà, nếu làm để bán cho công ty điện lực, mức giá đó chắc chắn lỗ vì tiền đa số vay ngân hàng. Ông Khiêm nói: “Theo tôi được biết, nhiều hộ gia đình sống trong vùng có bức xạ nhiệt tốt, cộng thêm tuyên truyền của nhà nước khuyến khích phát triển ĐMTAM từ mấy năm qua, đã vay ngân hàng để lắp pin làm ĐMT trên mái nhà. Một phần để dùng, một phần bán lại cho nhà nước. Số đó nếu đã làm, chưa đưa vào sử dụng trước ngày 31.12.2020 thì chắc chắn gặp nhiều thiệt thòi. Mức giá mua sỉ từ 5,3 - 5,8 cent/kWh thì e rằng không đủ để trả lãi suất ngân hàng do đa số vay không có lãi suất ưu đãi. Như vậy, một dự án với thời gian dự kiến trước đây hoàn vốn tầm 5 năm, nay phải lên 8 - 10 năm. Để người dân phải trả lãi ngân hàng và vốn trong chừng đó thời gian cho một dự án nhỏ ĐMTAM của mỗi gia đình là áp lực không nhỏ, vô cùng mệt mỏi vì nó kéo dài lê thê”.

Cân nhắc thay đổi chính sách đột ngột

Theo dự thảo Quy hoạch điện 8, do cơ chế khuyến khích tốt nên các dự án ĐMT quy mô lớn đã thực hiện được tới hơn 80% khối lượng đã được bổ sung quy hoạch năm 2020. Nhu cầu điện toàn quốc dự báo tăng tốc độ bình quân 8,5 - 9% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2025. Sự phát triển tập trung tại khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã khiến cho các nhà máy ĐMT tại khu vực này thường xuyên phải chịu cắt giảm công suất phát trong các năm 2019 - 2020. Nhu cầu tiêu thụ điện rất cao, thậm chí nhiều cảnh báo năm nay thiếu điện trầm trọng. Thế nên, tận dụng được nguồn điện từ các hộ gia đình đầu tư ĐMTAM là cần thiết.
Chuyên gia năng lượng tái tạo Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo thế giới, nhận xét chính sách về phát triển ĐMTAM của Việt Nam khá bất nhất và thay đổi quá nhanh. Tuổi thọ của một chính sách quá ngắn, từ khuyến khích phát triển ồ ạt, rồi quá tải, dẫn đến không tải điện lên được, rồi giảm cấp phép. Đến nay, giải pháp tiếp theo để hạn chế phát triển ồ ạt ĐMTAM là siết về giá.
Ông Bình nhận định thoạt nghe hợp lý giảm giá vì mục đích giảm rủi ro trong quản lý đối với các dự án lấy đất nông nghiệp mà làm ĐMTAM, nhưng như vậy gây thiệt thòi cho các nhà đầu tư điện trên mái nhà xưởng. Vì đầu tư làm ĐMTAM một nhà xưởng sản xuất từ vài chục tỉ lên hàng trăm tỉ đồng, số tiền rất lớn. Đó cũng là một phần trong đầu tư của họ, không thể nói là đầu tư để lấy điện tiêu thụ cho nhà máy. Nhiều chủ nhà xưởng đâu có sẵn lượng tiền lớn chỉ để làm điện tiêu dùng không đâu. Họ đầu tư để vừa dùng vừa bán, có mục đích rõ ràng và theo đúng chính sách khuyến khích của Chính phủ. Thế nên, việc giảm giá mua vào hơn 3 cent/kWh đột ngột là điều cần cân nhắc. Bởi nó liên quan đến niềm tin của nhà đầu tư đối với chính sách và tính ổn định bền vững của chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, một phần chính trong quy hoạch điện của quốc gia. “Chính sách thay đổi nhanh quá, dễ gây xáo trộn trong chiến lược phát triển ĐMTAM của Chính phủ”, TS Bình nhận xét.

Nên tính giá mua theo vùng

Ông Nguyễn Duy Khiêm góp ý: “Nên tính giá mua ĐMTAM theo vùng. Ví dụ, vùng có lượng bức xạ cao, sản lượng điện thu vào dễ dàng hơn các vùng thấp, giá mua vào thấp hơn những vùng thiếu nắng quanh năm. Công bằng với năng lượng mặt trời, nếu xét về giá, chỉ có tính giá theo vùng. Như vậy sẽ khuyến khích được các gia đình, nhà xưởng đầu tư ĐMTAM chỉ để sử dụng”. 
Phía nhà đầu tư, ông Diệp Bảo Cánh, Giám đốc Công ty Mặt Trời Đỏ, bổ sung với các hộ gia đình đang có phần điện dư thừa lên đến 80% sản lượng ĐMTAM và đã từng xem đây là một kênh đầu tư của gia đình thì chắc chắn từ bỏ ngay ý định làm ĐMTAM trong tương lai. Như vậy, chính sách khuyến khích phát triển ĐMTAM của Chính phủ có thể phá sản trong thời gian tới. “Thực tế, phát triển điện sạch, năng lượng tái tạo là chính sách lâu dài, tại sao lại “bóp” ngay khi nó vừa mới bùng phát chỉ vì đầu tư đường truyền của ta không kịp? Khi khuyến khích thì kêu gọi nhà đầu tư làm đi, làm đi. Khi thấy khó thu mua lại bảo không mua nữa rồi giảm giá mua đi. Như vậy không công bằng trong nền kinh tế thị trường”, ông Cánh nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.