Tiền đâu để đầu tư điện?

24/02/2021 06:19 GMT+7

Dự thảo Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện 8) mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến tính toán trong 10 năm tới, VN cần gần 130 tỉ USD để đầu tư.

130 tỉ USD đầu tư những gì ?

Theo đó, Bộ Công thương tính toán, điện thương phẩm của Việt Nam đến năm 2030 đạt 491 tỉ kWh, đến 2045 đạt 877 tỉ kWh. Đến năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%.
Ngoài ra, dự thảo Quy hoạch điện 8 cũng đề xuất tiếp tục xây dựng hệ thống truyền tải điện 500 kV để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây nguyên, nam Trung bộ, bắc Trung bộ về các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại TP.HCM và đồng bằng sông Hồng.
Tăng cường lưới điện truyền tải liên kết để hỗ trợ truyền tải công suất liên miền Bắc - Trung - Nam. Vấn đề truyền tải điện bằng đường dây một chiều cũng đã được đặt ra và nghiên cứu xem xét trong quy hoạch lần này.
Như vậy, với nhu cầu phát triển điện trên, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 128,3 tỉ USD. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện là 95,4 tỉ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỉ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74% trên 26%. Trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD (9,5 tỉ USD cho nguồn và 3,3 tỉ USD cho lưới).
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương), ước tính trong tổng số vốn dự kiến đầu tư làm điện trong 10 - 15 năm tới, vốn do nhà nước đầu tư chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại 80% phải đi vay từ các quỹ, tổ chức tín dụng trong nước và thế giới. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng thế giới, thậm chí ngay cả các ngân hàng của Việt Nam hiện nay cũng đưa ra rất nhiều rào cản kỹ thuật về bảo vệ môi trường khi cho vay các dự án điện.
Theo thống kê của Viện Phân tích tài chínhkinh tế năng lượng (IEEFFA), từ năm 2013 tới nay đã có 137 tổ chức ban hành các chính sách thắt chặt tài chính cho nhiệt điện than, gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty quản lý tài sản, chủ đầu tư. Phong trào này đang phát triển theo hướng mở rộng hơn. Một loạt các dự án điện than chậm tiến độ trong thời gian vừa qua do khó khăn trong tiếp cận tài chính đã là một thực tế và sẽ tiếp tục là thách thức trong tương lai nếu không có sự thay đổi trong quy hoạch.
Thứ hai, vốn nhà nước không thể đủ đầu tư một khoản “khổng lồ” như vậy, phải chắc chắn huy động vốn xã hội hóa từ các nhà đầu tư trong nước và vốn FDI từ các nhà đầu tư thế giới. Muốn các tổ chức này tham gia, cùng đóng góp vào tổng sơ đồ điện 8, yếu tố quan trọng nhất là phải có cơ chế, chính sách. Trong khi đó, quy hoạch có chú ý đến huy động vốn xã hội hóa tư nhân tham gia vào và đầu tư nước ngoài nhưng chưa đưa ra được dự đoán cụ thể là bao nhiêu, có khả thi không, chưa có sự cân đối giữa nhu cầu và tiềm năng huy động.

Cần cơ chế giá điện minh bạch, hấp dẫn

Theo dự thảo lần 3 của Quy hoạch điện 8 này, trong giai đoạn 2021 - 2030, chi phí biên bình quân cho phần nguồn sản xuất điện là 8,8 cent/kWh (tương đương khoảng hơn 2.000 đồng) và trong giai đoạn 2021 - 2045, chi phí là 9,6 cent/kWh (tương đương hơn 2.200 đồng).
Đồng thời, chi phí biên bình quân đến lưới phân phối là 11,4 cent/kWh (tương đương hơn 2.620 đồng) trong giai đoạn 2021 - 2030 và 12,3 cent/kWh (tương đương khoảng 2.830 đồng) trong giai đoạn 2021 - 2045.
Một chuyên gia tư vấn đầu tư năng lượng điện gió vào Việt Nam cho rằng việc huy động vốn ngoại phát triển các dự án điện tại Việt Nam trong giai đoạn tới là điều tất yếu. Tuy nhiên, yếu tố khiến nhà đầu tư e ngại là có thể rủi ro trong chuyển đổi ngoại tệ, chuyển tiền ra nước ngoài...
Các chính sách và cơ chế chính là nguồn tài nguyên. Nếu xây dựng được cơ chế, chính sách thông thoáng, hợp lý, minh bạch thì tự các dòng đầu tư sẽ đổ về, không cần phải huy động. Trên thế giới cũng vậy, nhà nước không trực tiếp làm. Nhà nước chỉ đứng ra làm chính sách. Nếu không xác định được phương án tài chính cụ thể, đề án đưa ra cũng bất khả thi vì không có vốn làm.
TS Ngô Đức Lâm
“Việc huy động vốn ngoại chỉ có hiệu quả khi Việt Nam thiết lập được cơ chế gọi vốn cho các dự án điện độc lập. Các tập đoàn đầu tư lớn đến từ Mỹ, châu Âu mà chúng tôi tiếp cận luôn nhìn thấy cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng ở Việt Nam, song điều đầu tiên họ đặt vấn đề là những lo ngại về rủi ro pháp lý, dự án bị hoãn, chậm đưa vào vận hành. Đặc biệt, rủi ro lớn nhất là khi Tập đoàn điện lực vì lý do nào đó đã hạn chế mua điện trong khi nguồn điện nhà đầu tư sản xuất ra thừa. Câu chuyện về điện mặt trời áp mái trong những ngày đầu năm nay là ví dụ điển hình. Áp lực đường truyền quá tải, Chính phủ và Bộ quản lý đã buộc phải đưa ra biện pháp hạn chế phát triển điện mặt trời hoặc hạn chế thu mua…”, vị này nêu quan điểm và nhấn mạnh, muốn thu hút vốn ngoại để phát triển điện, Việt Nam phải tuân thủ luật chơi quốc tế.
Cụ thể hơn, TS Ngô Đức Lâm nói đầu tiên, Việt Nam phải xây dựng cho kịp hệ thống hành lang, pháp lý rõ ràng như thay đổi luật Điện lực, xây dựng luật Năng lượng tái tạo. Các nhà đầu tư sẽ không mặn mà bỏ số tiền lớn, đầu tư vài chục năm trong khi hệ thống pháp lý chưa có. Đơn cử, hiện rất nhiều cá nhân, tổ chức đổ tiền vào điện mặt trời nhưng những tiêu chuẩn kỹ thuật chưa có ở Việt Nam. Giả sử, đột ngột giờ nhà nước ra quy định, yêu cầu tiêu chuẩn tấm pin khác thì toàn bộ công trình đầu tư coi như “công cốc”.
Bên cạnh đó, sơ đồ điện 8 xây dựng cho tương lai 10 - 15 năm tới nên xác định thay đổi chính sách về giá theo cơ chế thị trường, không phải do nhà nước khống chế nữa. Giá thị trường phải có cạnh tranh minh bạch, công bằng. Các yếu tố cấu thành nên giá điện cần xác định tính đúng, tính đủ, công khai và bình đẳng. Tránh để tình trạng như hiện nay, giá điện than không cộng thêm giá môi trường, giá cacbon nên giá thành thấp, thắng các giá thành các loại điện khác như điện khí, năng lượng sạch. Thứ nữa, làm sơ đồ VIII phải kèm theo lộ trình cụ thể, đầy đủ của cơ chế thị trường, cơ chế giá theo từng lộ trình, khu vực cụ thể...
Cần hơn 192 tỉ USD giai đoạn 2031 - 2045
Giai đoạn 2031 - 2045 cần khoảng 192,3 tỉ USD. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện là 140,2 tỉ USD, cho lưới điện khoảng 52,1 tỉ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư cho nguồn và lưới là 73% trên 27%. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn này cần khoảng 12,8 tỉ USD (9,3 tỉ USD cho nguồn và 3,4 tỉ USD cho lưới).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.