Hàng không xoay sở vượt qua đại dịch Covid-19

Anh Vũ
Anh Vũ
02/08/2020 14:59 GMT+7

Sáu tháng đầu năm, Vietjet (VJC) lỗ trong hoạt động hàng không 2.111 tỉ đồng, được ghi nhận là rất tích cực trong bối cảnh ngành hàng không thế giới chịu mức thiệt hại kỷ lục 84 tỉ USD.

Cổ phiếu hàng không lao dốc

Thời điểm đầu năm 2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có thể nói là quãng thời gian “ngọt ngào” của các hãng hàng không. Trong đó, Công ty CP Hàng không Vietjet (mã VJC) đạt mức giá đỉnh khá cao, khoảng gần 150.000 đồng/cổ phiếu.
Với 202 triệu cổ phiếu VJC sở hữu (trực tiếp 47,47 triệu và gián tiếp 154,7 triệu thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng dương Sunny), bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HDBank và Tổng giám đốc Vietjet có trong tay 30.300 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Thảo còn sở hữu 36,3 triệu cổ phiếu HDBank (mã HDB), với mức giá khoảng 29.000 đồng/cổ phiếu (đầu năm 2020), tương ứng hơn 1.052 tỉ đồng.
Như vậy, nếu tính cả cổ phiếu VJC và HDB vào thời điểm tháng 1.2020, bà Thảo là nữ tỉ phú giàu nhất Việt Nam và đứng thứ 2 trong tốp những người giàu nhất (sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VinGroup). Tổng tài sản của bà Thảo khi đó lên tới hơn 31.352 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau hai làn sóng Covid-19 (đợt 1 bắt đầu vào tháng 3 và đợt 2 cuối tháng 7.2020) tài sản của nữ tỉ phú này sụt giảm khá mạnh. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch 31.7, VJC còn 94.500 đồng/cổ phiếu (giảm gần 37%), HDB còn 23.950 đồng/cổ phiếu (giảm 17,4%). Mức sụt giảm tương ứng đối với khối tài sản của bà Thảo tại VJC là 11.211 tỉ đồng và HDB là 178,84 tỉ đồng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, tài sản của nữ tỉ phú giàu nhất Việt Nam đã sụt giảm gần 11.400 tỉ đồng (khoảng 500 triệu USD).

Vietjet nỗ lực khôi phục hoạt động kinh doanh

Nỗ lực xoay sở vượt dịch Covid-19

Mặc dù thiệt hại nặng do đại dịch Covid-19, tuy nhiên trong báo cáo tài chính quý 2 vừa công bố, Vietjet đã nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, trong quý 2.2020 hãng đã mở rộng 52 đường bay nội địa, khai thác 14.000 chuyến bay, chuyên chở hơn 2 triệu lượt khách.
Kết thúc quý 2.2020, doanh thu dịch vụ vận tải hàng không đạt 1.970 tỉ đồng, giảm 54%, và mức lỗ hàng không 1.122 tỉ đồng. Sáu tháng đầu năm, Vietjet lỗ trong hoạt động hàng không 2.111 tỉ đồng được ghi nhận là rất tích cực trong bối cảnh ngành hàng không thế giới chịu mức thiệt hại kỷ lục hơn 84 tỉ USD.
Nhằm gia tăng dòng tiền hỗ trợ hoạt động kinh doanh, Vietjet tích cực tìm kiếm các đối tác và đã thực hiện giải pháp chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư tài chính, giúp tăng doanh thu tài chính 1.174 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.063 tỉ đồng, tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Các kết quả này dựa trên nền tảng tài chính vững của công ty đã được tích luỹ trong giai đoạn trước đó.
Khi thị trường trong nước được cho phép, hãng đã khai thác trở lại toàn bộ đường bay nội địa với hơn 300 chuyến/ngày trong tháng 6, tăng gấp 3-5 lần trong thời gian đỉnh điểm dịch. Đồng thời mở mới 8 đường bay nội địa để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân và du khách, đưa tổng số lượng đường bay lên đến 52 tuyến, tổng số chuyến đạt 14 nghìn. Chỉ riêng trong tháng 6 vừa qua, tổng số lượt khách vận chuyển đạt 1,2 triệu lượt khách, khôi phục lại thị trường nội địa.
Với lợi thế tối ưu chi phí theo mô hình tăng trưởng của các hãng LCC trên thế giới, Vietjet đã và đang tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm chi phí, với bình quân chi phí giảm 55% do giảm khai thác hơn 30%-35% và giảm đơn giá chi phí 20% - 25%.
Đặc biệt trong tháng 5, Vietjet đã triển khai thành công chương trình mua trữ xăng dầu trong giai đoạn giá thấp, giúp giảm chi phí 25% so với thị trường. Bên cạnh đó, Vietjet tích cực đàm phán với các nhà cung cấp giảm giá dịch vụ cảng, sân bay, kỹ thuật và các dịch vụ khác từ 20% - 45% tùy nhà cung cấp.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy, tổng tài sản của Vietjet đạt 48.392 tỉ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 17.339 tỉ đồng (bao gồm cả cổ phiếu quỹ). Chỉ số thanh khoản hiện hành tiếp tục duy trì ở mức tốt 1,4 lần, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ 0,57 lần. Tỉ lệ nợ vay hiện thuộc nhóm thấp nhất trong ngành hàng không thế giới, nhờ vậy Vietjet tiếp tục thực hiện kế hoạch vay vốn dài hạn để tăng cường nội lực vượt qua khủng hoảng.
 

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là 1 trong 4 tỉ phú USD ở Việt Nam theo danh sách của Bloomberg công bố tháng 4.2020

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.