Hỗ trợ sản xuất nội địa để kích cầu

Nguyên Nga
Nguyên Nga
11/03/2020 07:30 GMT+7

Sản xuất, dịch vụ, du lịch ... đều bị ảnh hưởng trầm trọng khiến nhiều người có tâm lý thắt lưng buộc bụng, khiến tác động lên tổng cầu trong nền kinh tế.

Thị trường “đông cứng”

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã kéo chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 giảm 0,17% so với tháng 1. Đáng lưu ý, sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 6,2% trong khi cùng kỳ năm 2018 tăng 13,7% và năm 2019 tăng 9,2%.
Số doanh nghiệp (DN) tạm ngưng hoạt động có thời hạn tăng gần 20%, lên đến 16.200 đơn vị. Trong tháng 3 này, rất nhiều cơ sở sản xuất nhỏ đã buộc phải đóng xưởng do không còn nguồn nguyên phụ liệu để duy trì. Hàng ngàn lao động đã và đang đối diện với nguy cơ mất việc.
Bà Hòa Châu, chủ cơ sở may thời trang H.C tại Q.7 (TP.HCM), cho biết đã đóng cửa xưởng may có 60 công nhân từ cuối tháng 2 do không có phụ liệu để tiếp tục duy trì và trả lương công nhân. Xưởng may mặc H.C nằm trong số 16.200 DN tạm ngưng sản xuất kinh doanh nói trên.
Tương tự, xưởng sản xuất giày dép T.S tại P.Tân Thới Hiệp, Q.12 (TP.HCM) chuyên sản xuất giày, bỏ mối cho các chợ Bình Tây, An Đông, Tân Bình… với 18 công nhân, cũng cho biết đã đóng cửa, trả mặt bằng thuê 7 triệu đồng/tháng cho chủ nhà, do vật liệu sản xuất thiếu, tăng giá trong khi hàng làm ra tồn kho không ai lấy.
Còn xưởng may D.T ở Q.8 (TP.HCM) cho biết cầm cự hết tuần này là “đứt” nguồn phụ liệu. Tìm phụ liệu thay thế thì xấu hơn nhưng giá cao gấp rưỡi. “Chẳng hạn lô dây kéo này trước đây mua từ Trung Quốc về đẹp hơn, có giá 330 triệu đồng, nay trả 500 triệu đồng cùng số lượng nhưng hàng chỉ loại 2, thậm chí loại 3. Tuy nhiên, cái khó của xưởng là không dám cho công nhân nghỉ làm vì sợ khi có hàng làm thì không thể gọi họ quay lại được”, bà Thái Vân, phụ trách kinh doanh xưởng may D.T, nói và cho biết xưởng đang có gần 100 công nhân, hiện số làm bán thời gian mới nghỉ làm khoảng 30 người, số còn lại DN vẫn đang “nuôi” trả lương, bảo hiểm xã hội đầy đủ.
Không chỉ với nhà sản xuất, tâm lý của người tiêu dùng hiện khá “uể oải”. Quan sát tại các siêu thị, khách chủ yếu mua hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm là chính; các quầy áo quần, giày dép, đồ gia dụng… rất ít người quan tâm. Tại TP.HCM, hàng loạt quán hàng, sàn giao dịch bất động sản đã đóng cửa, treo biển sang mặt bằng.

Tăng đầu tư công, hỗ trợ sản xuất trong nước

Trong bối cảnh này, vấn đề làm thế nào để tăng tổng cầu trong nền kinh tế đang được đặt ra. Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nói ngay: “Chi đầu tư công vào, chi mạnh vào, giải ngân làm các dự án lớn hạ tầng, các công trình lớn trong lúc này giúp nâng tổng cầu lên, không có con đường nào khác”.
Không chọn tăng xuất khẩu ròng, không chọn đầu tư vào DN vì theo ông Thiên, cả thế giới đang chống dịch, lấy ai mua để tăng bán hàng? Ông Thiên nhấn mạnh, lúc này cũng là thời khắc lịch sử để tăng tốc đầu tư công, làm đẹp hạ tầng để các nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn rõ nét hơn về một Việt Nam đang phát triển với chính sách thu hút đầu tư cởi mở, mạnh mẽ.
Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng đồng ý nên chi đầu tư công lúc này vì sản xuất trong nước đang chững lại do thiếu nguyên vật liệu. Trong khi đó, muốn thu hút mời gọi đầu tư nước ngoài dịch chuyển vào Việt Nam thì phải tăng làm đẹp hạ tầng đường sá.
Tuy nhiên, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh khuyên kích cầu cần nhắm vào đối tượng DN. Theo ông, miễn, giảm hay giãn thuế là cần thiết, đặc biệt giảm hẳn thuế cho nguyên liệu đầu vào nhập khẩu phục vụ chống dịch.
“Thực tế xuất khẩu đang có chuyển hướng mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sang các thị trường mới khác như Mỹ, Ấn Độ, châu Âu, dù chưa rõ nét nhưng đáng ghi nhận và có cơ sở để tin tưởng. Trong điều kiện dịch bệnh, xuất khẩu cũng đã tăng, đó là tín hiệu tốt và là cơ sở để chúng ta đặt niềm tin hỗ trợ xuất khẩu ròng nhằm tăng tổng cầu trong tương lai”, ông Thịnh nói.
Chi tiết hơn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng “cầu” của nền kinh tế hiện nay chính là đầu vào của một số ngành sản xuất. Cụ thể là điện tử, dệt may, da giày. Toàn bộ các ngành này đều chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhưng nguyên phụ liệu đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Đầu tư hạ tầng cũng là cách thu hút nhà đầu tư nước ngoài Ảnh: Ngọc Dương

Đầu tư hạ tầng cũng là cách thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Ảnh: Ngọc Dương

Nhắc đến 2 gói kích cầu của Chính phủ đưa ra với tổng trị giá 280.000 tỉ đồng, bà Phạm Chi Lan nhận định: “Muốn nâng tổng cầu, hãy hỗ trợ mạnh cho đầu tư vào công nghiệp phụ trợ các ngành sản xuất nói trên. Các ngành này lâu nay xuất khẩu nhiều nhưng giá trị gia tăng mang lại thấp do toàn bộ nguyên phụ liệu đều nhập. Phải hỗ trợ DN giảm lệ thuộc đầu vào chỉ từ một thị trường lớn là Trung Quốc, nói xa hơn là từ nhập khẩu để lắp ráp. Thứ hai, ngành nông nghiệp hiện vẫn quá phụ thuộc vào nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi các loại… Nếu gói kích cầu của Chính phủ gõ cửa các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp chế biến, sản xuất… sẽ giúp phát triển sản xuất trong nước, ổn định việc làm cho người lao động và quan trọng hơn là xuất khẩu thu giá trị gia tăng cao hơn. Nâng tổng cầu phải song song nâng vị thế nhà sản xuất Việt Nam lên tầm mới thì chính sách kích cầu mới sẽ không bị lúng túng, vỡ trận như gói kích cầu bất động sản năm 2018”.
Gói hỗ trợ không phải là “mang tiền đến cho DN” mà thực ra là từ tiền thuế của DN đóng, nay hỗ trợ lại để chung tay cùng Chính phủ phát triển. Lưu ý đối tượng hộ kinh doanh gia đình, DN nhỏ, họ là nhóm “ăn theo” ngành công nghiệp không khói là du lịch rất lớn. Du lịch giậm chân tại chỗ, kéo theo các DN nhỏ phá sản. Vì vậy, cần có những chính sách thiết thực để hỗ trợ họ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.