Ngay sau đó, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng phát đi thông báo cho biết hãng sẵn sàng phối hợp cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm “hộ chiếu vắc xin” trong lộ trình từng bước khôi phục mạng bay quốc tế, góp phần tái phát triển kinh tế, du lịch.
Trong văn bản mới nhất vừa gửi Thủ tướng liên quan đến đề xuất mở cửa du lịch quốc tế, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) bày tỏ quan điểm ủng hộ một chính sách đảm bảo được an toàn cho đi lại và hạn chế được rủi ro gây lây nhiễm ra cộng đồng, đồng thời cho phép từng bước mở cửa cho việc đi lại mà không phải cách ly. Đơn vị này cũng đưa ra gợi ý về một lộ trình được đánh giá sẽ đảm bảo an toàn ở mức cao nhất, hạn chế tối đa rủi ro. Theo tiến trình này, đầu tiên Việt Nam cần có các chính sách yêu cầu “hộ chiếu tiêm chủng”; kiểm tra Covid-19 trước chuyến bay và kiểm tra khi đến. Chính phủ cũng nên có chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc, bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho tất cả khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Bảo hiểm Covid-19 nhằm đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của du khách, công ty du lịch và chính quyền địa phương trong trường hợp hủy hoặc hoãn chuyến du lịch, cũng như kiểm tra, điều trị, sơ tán y tế và hồi hương. Song song, Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam nghiên cứu, bán các sản phẩm bảo hiểm du lịch về dịch bệnh Covid-19 như các trường hợp dịch bệnh khác theo quy định của pháp luật.
“Trước đại dịch, du lịch đóng góp hơn 10% GDP và sử dụng một lực lượng lao động rất lớn, tạo ra doanh thu hơn 30 tỉ USD một năm. Ngoài việc tạo ra thị trường cho du lịch, khách sạn, việc đi lại quốc tế cũng là sự cần thiết cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, các dự án đầu tư FDI mới, hạ tầng và các dự án khác cần nguồn chuyên gia nước ngoài. Với nhiều chương trình tiêm vắc xin đại trà đang diễn ra ở nhiều nước, một số đối thủ cạnh tranh của chúng ta đã bắt đầu lập kế hoạch tái mở cửa biên giới theo cách an toàn nhằm hỗ trợ cho việc đi lại của các doanh nhân, chuyên gia và du khách nước ngoài. Để Việt Nam không bị tụt lại phía sau, chúng tôi đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan chú trọng xem xét làm thế nào để Việt Nam cũng sớm tái mở cửa được biên giới một cách an toàn và bền vững”, đại diện TAB nhấn mạnh.
Còn TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, lưu ý “hộ chiếu vắc xin” chỉ phát huy hiệu quả nếu đảm bảo được 3 yếu tố. Thứ nhất, khi dịch bệnh đã được kiểm soát ở mức độ gần như toàn cầu, giảm thiểu tối đa rủi ro. Thứ hai, hệ thống xét nghiệm của Việt Nam với các nước, cụ thể là các thị trường chính phải đồng bộ để đảm bảo du khách khi đã được xét nghiệm bên nước sở tại, vào Việt Nam có thể yên tâm. Thứ ba, một khi đã đón thị trường quốc tế, phải tìm hiểu lại nhu cầu thị trường bởi đặc điểm các thị trường sau dịch đã thay đổi rất nhiều.
“Thời gian đầu, có thể thí điểm mở cửa đón khách quốc tế đến các địa điểm cụ thể như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, hạn chế việc di chuyển qua nhiều địa phương để kiểm soát nguồn khách. Đây sẽ là những tour trọn gói, khép kín, thiên về du lịch nghỉ dưỡng nhiều hơn. Người dân ở những nơi mở cửa cần được tiêm vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng. Nếu chưa có điều kiện tiêm cho tất cả thì ưu tiên những người phục vụ trong ngành du lịch”, ông Lương gợi ý.
Về mặt kỹ thuật, TS Lương Hoài Nam (một trong những chuyên gia đầu tiên hưởng ứng triển khai “hộ chiếu vắc xin” tại Việt Nam) lưu ý “hộ chiếu vắc xin” phải là “hộ chiếu số”, không phải hộ chiếu giấy hoặc một dạng thẻ kiểu CMND, căn cước công dân, bằng lái xe… Nó cho phép người kiểm tra, thông qua công nghệ, có thể truy cập dễ dàng và ngay lập tức vào cơ sở dữ liệu của người được kiểm tra để có các thông tin xác thực về tình trạng tiêm vắc xin, kết quả các xét nghiệm Covid-19... “Nếu là dạng “hộ chiếu” như thế thì rất khó để làm giả”, ông Nam nhận định.
Bình luận (0)