Cập nhật đến ngày 21.7, toàn TP.HCM chỉ còn 32 chợ truyền thống hoạt động, 205 chợ đang tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch (trong đó có 202 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối).
Đến nay, 10 quận huyện tại TP.HCM không còn duy trì chợ dân sinh nào, tất cả đều đóng vì có ca F0 liên quan tới chợ.
Tổ chức mô hình chợ an toàn
Trong khi đó, các chợ đã từng tạm đóng để phòng chống dịch, nay được mở trở lại sau khi thực hiện các công tác khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết... cũng khá khiêm tốn. Trong tuần này, dự kiến chỉ có 12 chợ sẽ mở.
Trước tình hình đó, hôm qua 21.7, một lần nữa Sở Công thương TP.HCM có công văn khẩn gửi các quận huyện và các đơn vị quản lý chợ hướng dẫn tổ chức hoạt động các chợ đảm bảo an toàn để cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn TP. Trong đó, với các chợ có mật độ mua sắm đông, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, Sở đề nghị các đơn vị quản lý chợ phải căn cứ tình hình thực tế để điều tiết phù hợp, tổ chức cho tiểu thương kinh doanh luân phiên, phát phiếu vào chợ… Đặc biệt, tại một số nơi có đặc thù như dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều lý do khách quan khó khôi phục lại hoạt động chợ truyền thống, Sở Công thương đề nghị địa phương căn cứ tình hình, nhu cầu, các quận huyện có thể thiết lập các điểm bán có quy mô nhỏ.
Sở Công thương hướng dẫn: Trước mắt tập trung mặt hàng tươi sống, rau củ quả tại khu vực chợ hoặc điểm bán phù hợp trong các khu dân cư và đảm bảo phòng chống dịch tốt. Trường hợp cần thiết có thể tổ chức các điểm bán trên cơ sở tuân thủ quy định phòng chống dịch, bảo đảm vệ sinh môi trường như khu vực có nhiều bóng mát, không ảnh hưởng giao thông, phân luồng 1 chiều; phân chia khu vực, phân định gian hàng bằng sơn kẻ; mỗi điểm bán chỉ khoảng 3 - 6 tiểu thương và ưu tiên kinh doanh rau củ quả; phát thẻ ra vào nhằm kiểm soát số lượng, phân bổ người mua theo khung giờ…
Ngoài ra, để tránh có ca F0 vào chợ, Sở Công thương yêu cầu các chợ truyền thống tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, phong tỏa lối phụ, phân luồng chợ 1 chiều, điều tiết lượng người mua hàng tại cùng một thời điểm...
Theo Tổ công tác đặc biệt Bộ Công thương, nguồn hàng bổ sung về TP.HCM từ các báo cáo của các nhà bán lẻ lớn tại TP đã tăng gấp 3 - 5 lần trong ngày 20.7. Trong đó, một số mặt hàng có biến động tăng giá tiếp 3 - 5% do chi phí vận chuyển. Lượng thịt về chuỗi siêu thị Saigon Co.op là 150 tấn/ngày, thịt về hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ khoảng 100 - 120 tấn thịt/ngày.
“Qua thực tế tại các chợ đang được tổ chức hoạt động trở lại khá an toàn và kín kẽ. Hiện Sở hướng dẫn các chợ có thể tổ chức theo mô hình chợ an toàn. Nghiên cứu bố trí vách ngăn/màn ngăn trong suốt giữa các hộ tiểu thương, gian bán hàng, giữa người mua và người bán. Song song đó, tiểu thương nên niêm yết rõ ràng để khách thuận tiện mua sắm nhanh nhất có thể. Ngoài ra, có thể áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ bằng phát thẻ, mỗi hộ được phát 10 - 15 thẻ trong 1 tháng chẳng hạn. Thực tế, Sở mong muốn các chợ được tổ chức an toàn để đừng bị đóng nữa, rất khó khăn cho bà con mua sắm thực phẩm hằng ngày, nhất là người lao động, dân nghèo. Đóng chợ, dân lại đổ hết vào trong cửa hàng tiện lợi, nguy cơ dịch cũng không thấp. Thế nên, việc tổ chức hoạt động chợ, khử khuẩn nền nhà, lối đi của chợ hằng ngày, hằng tuần và giãn cách, vách ngăn… là giải pháp chợ an toàn có thể áp dụng được”, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP, nhấn mạnh.
TP.HCM thiếu 1.500 tấn rau mỗi ngày
Trong khi đó, báo cáo của Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT ngày 21.7 cho thấy, TP.HCM đang thiếu khoảng 400.000 quả trứng và 1.500 tấn rau mỗi ngày, song việc thiếu rau và trứng tại TP.HCM “đang được bù đắp dần”. Vấn đề Tổ công tác đặc biệt lưu ý là nhu cầu 10.000 con heo tiêu thụ mỗi ngày nhưng nguồn thịt đưa về TP.HCM hiện quá trắc trở, khó khăn. Đó là nguồn cung thịt tươi hạn chế, các trạm trung chuyển thực phẩm đến nơi tiêu thụ và lưu thông vật tư công nghiệp gặp khó. Ngoài ra, theo Bộ NN-PTNT, hiện các lò giết mổ đang thiếu nhân lực trầm trọng, công nhân giãn cách xã hội nên gặp khó khăn trong di chuyển, lái xe chở thịt cũng phải đi qua nhiều trạm kiểm dịch trên đường, và ngay điểm cuối cùng là 2 chợ đầu mối lớn chuyên cung ứng 6.000 - 7.000 con heo ra thị trường phía nam mỗi ngày hiện cũng đang tạm đóng cửa.
Tại TP.HCM, hiện cả 3 chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức vốn “gánh” 60 - 70% lượng hàng hóa cho thị trường TP.HCM và đi về các tỉnh đều bị đóng do có ca nhiễm Covid-19 liên quan đến chợ. Việc đóng cửa các chợ đầu mối đã khiến tình trạng khan hàng, tăng giá bán các mặt hàng rau củ quả tại TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài.
|
Trước khó khăn trên, cũng trong ngày 21.7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thành Nam đã gửi đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, bổ sung chợ đầu mối vào diện cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16. Bên cạnh đó, đề xuất một số chợ đầu mối đủ điều kiện hoạt động trở lại để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh phía nam về TP.HCM và ngược lại.
Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét bổ sung vào danh mục hàng hóa thiết yếu các loại như: giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản. Lý do được Bộ nêu là hiện nay việc vận chuyển, sản xuất, cung ứng các loại hàng hóa nêu trên đang gặp nhiều khó khăn. “Việc bổ sung danh mục này nhằm ổn định sản xuất và đảm bảo nguồn cung nông sản, thực phẩm trong thời gian trước mắt và ổn định lâu dài”, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Bình luận (0)