Lại rồng rắn kéo nhau đi mua thực phẩm

15/07/2021 06:56 GMT+7

Người dân lại ùn ùn kéo tới siêu thị, các điểm bán hàng 'vét' hàng hóa, sau tin đồn về việc TP.HCM đóng cửa từ ngày 15.7.

Sáng qua 14.7, tin đồn về việc TP.HCM đóng cửa từ ngày 15.7 khiến người dân lại ùn ùn kéo tới siêu thị, các điểm bán hàng “vét” hàng hóa bất chấp lãnh đạo thành phố đã lên tiếng bác bỏ tin đồn này, và đại diện Sở Công thương cũng nhanh chóng khẳng định hàng hóa không thiếu.

Siêu thị Emart báo tạm dừng nhận khách, người dân quyết đội nắng chờ 3 tiếng vào mua hàng

Mang theo ghế ngồi xếp hàng cho đỡ mỏi

Trước khi siêu thị GO! (BigC) Nguyễn Thị Thập (Q.7, TP.HCM) mở cửa từ 8 giờ sáng 14.7, đã có rất nhiều người dân xếp hàng. Dòng người sau đó càng gia tăng, đến hơn 9 giờ, ở tầng trệt lối vào siêu thị và trên tầng 1 đã kéo dài rất nhiều hàng, lên tới hơn 100 người.
Người dân TP.HCM xếp hàng mua thực phẩm hôm qua 14.7
 

ẢNH: M.PHƯƠNG

Chị Hạnh, một người đang xếp hàng tại đây, cho biết đã chờ hơn 40 phút nhưng phía trước vẫn còn rất đông và dòng người càng lúc càng kéo dài. Thậm chí khoảng 10 giờ, nhân viên bảo vệ bắt đầu phát phiếu, lại gây ra tình trạng hỗn loạn khi mọi người từ phía sau chen lấn, không giữ được khoảng cách theo quy định. Thấy thế, chị Hạnh bỏ ra về dù “hết hôm nay nhà sẽ không còn chút thịt, cá hay rau gì cả”.
Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại các cửa hàng thực phẩm, siêu thị khác tại Q.7. Chỉ riêng trên đường Lâm Văn Bền (Q.7), ngay từ sáng đến tận giữa trưa, hàng người vẫn xếp dài rồng rắn trước 2 cửa hàng Bách Hóa Xanh, cửa hàng Vinmart, Co.op Food, SatraFoods, Circle K. Hay trước siêu thị Lotte Mart Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, vừa mở cửa lại vào cuối tuần qua), khách xếp hàng chờ cả hai cổng từ mặt tiền chính đến bên phía bãi giữ xe kéo dài suốt từ sáng đến tận cuối ngày...
Đến 12 giờ trưa nhưng 2 hàng khách (giữ khoảng cách 1 m) trước siêu thị Co.opmart Nhiêu Lộc kéo dài “rồng rắn” lên gần 1 km. Nhân viên Co.opmart liên tục phát loa kêu gọi mọi người quay lại siêu thị sau, chứ chờ như vậy đến chiều cũng chưa vào bên trong, nhưng không ăn thua. Hầu hết khách hàng vẫn kiên trì chờ đợi, cứ mỗi lần dịch chuyển lên là xách theo... chiếc ghế ngồi cho đỡ mỏi. Một phụ nữ chuẩn bị đến lượt cho biết đã xếp hàng gần 3 tiếng đồng hồ mới được vào siêu thị. Vì xếp hàng quá lâu, người nào từ trong đi ra cũng tay xách nách mang, xe đẩy đầy ắp, chủ yếu là thực phẩm, mì gói, dầu ăn... Sau 4 giờ xếp hàng và mua đồ, một phụ nữ trung niên vừa đẩy xe đồ ăn vừa tìm chai sữa bắp rồi than: “Vẫn biết phải chờ lâu mà không ngờ lâu quá, đói muốn xỉu”.
Suốt ngày hôm qua, nhiều người vẫn tất bật chạy xe ngoài đường vừa đi vừa tìm các tiệm tạp hóa có mở cửa hay không, nhưng hầu như các cửa hàng đều đóng, một số nơi mở cửa cũng chỉ he hé bán cho 1 - 2 người, thấy khách đông thì sập cửa lại.

Siêu thị nói gì về chuyện người dân xếp hàng dài chờ đợi trong dịch Covid-19?

Chủ một tiệm tạp hóa trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM) vừa lau mồ hôi nhễ nhại trên trán, vừa trả lời giọng cáu gắt: “Hết mì gói, dầu ăn, giờ còn gì bán nấy, mua thì mua không mua thì thôi. Sáng nay mới bị phạt mấy triệu nên giờ muốn đóng cửa luôn”. Bên trong cửa hàng, hàng hóa lộn xộn và ai hỏi gì chủ tiệm cũng nói hết nên nhiều người lại chạy xe đi.
Một số người chạy vòng vòng các chợ Hòa Hưng (Q.10), chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3), chợ Trần Hữu Trang (Q.Phú Nhuận)... cầu may mua được bó rau. Khát rau tới mức, một cửa hàng gần chợ Trần Hữu Trang hằng ngày bán rau chỉ để hé cửa, lòi ra bó hành lá xanh mướt đã kéo nhiều người dừng. Cửa kéo xuống gần hết, khách hỏi nhưng chỉ được một giọng nói bên trong vọng ra trả lời: “Rau này có người đặt qua mạng rồi. Không bán!”...

Đi chợ giúp dân

Nhu cầu tăng cao khiến giá nhiều loại rau xanh, trứng tại các điểm bán lẻ liên tục được đẩy lên cao. Hiện nay đa số các loại rau xanh như rau muống, cải xanh, cải thảo, bí, dưa leo... đều đã tăng giá từ 50 - 100% so với trước khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Một cửa hàng chuyên sửa xe máy trên đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) bày ít rau củ bán với giá chót vót như dưa leo 50.000 đồng/kg trong khi một số điểm bán hàng online chỉ bán 30.000 đồng/kg, ớt đỏ 15.000 đồng/100 gr (mọi khi chỉ từ 4.000 - 7.000 đồng/100 gr), 20.000 đồng/100 gr ngò tây... Một số điểm bán hàng trên địa bàn Q.3 cũng hét giá trứng vịt lên 70.000 đồng/10 quả, tăng 20.000 đồng; nước uống tinh khiết Aquafina loại chai 5 lít giá 27.000 đồng/thùng, tăng 5.000 đồng/chai; mì Gấu Đỏ 100.000 đồng/thùng, tăng 10.000 - 20.000 đồng/thùng...
Giá rau xanh tại TP.HCM tăng mạnh nhưng liên tục hết hàng ẢNH: THANH XUÂN

Giá rau xanh tại TP.HCM tăng mạnh nhưng liên tục hết hàng

ẢNH: THANH XUÂN

Ghi nhận tại 2 siêu thị Aeon Mall tại TP.HCM cũng cho thấy trong ngày 14.7, lượng khách hàng tăng đột biến từ 150 - 200% so với ngày trước đó. Một số thực phẩm như các mặt hàng thịt và trứng đã diễn ra tình trạng hết hàng cục bộ tại siêu thị. Đến buổi chiều được bổ sung nhưng cũng nhanh chóng hết hàng do lượng khách quá đông, 2 siêu thị này đã phải tăng cường thêm nhân sự tham gia hoạt động bán hàng, đồng thời bố trí thêm các thiết bị phát wifi để hỗ trợ khách hàng khai báo y tế nhanh chóng và dễ dàng hơn. Ngoài ra, siêu thị cũng phát loa thông báo về việc vẫn mở cửa phục vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi kịch bản phòng chống dịch ở mọi cấp độ để họ an tâm, cũng như yêu cầu khách hàng thực hiện nguyên tắc phòng dịch 5K để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết lượng thịt tươi, trứng, rau củ quả đã nhập về cho gần 300 siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food tăng hơn 30% so với mấy ngày trước. Cộng với lượng dự trữ lớn về gạo, mì, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, thịt mát, hàng bình ổn giá... đảm bảo cung ứng ra thị trường ổn định hơn 3 - 6 tháng tới. Về phương án phân phối hàng hóa, bên cạnh việc bán hàng tại các siêu thị, Saigon Co.op còn tăng cường bán hàng trên các ứng dụng online và đang kết hợp các đoàn thể địa phương phát hành phiếu “đi chợ giúp người dân”.
Báo cáo từ Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Bộ phận công tác tại phía nam cũng cho biết từ ngày 12.7, nhiều siêu thị quá tải phải phát phiếu hẹn cho người dân đến mua hàng.
Trong sáng hôm qua 14.7, người dân đã đến rất đông để nhận phiếu hẹn mua hàng hoặc để xếp hàng chờ vào siêu thị đối với nơi không phát phiếu hẹn. Đã có hiện tượng mua hàng số lượng nhiều hàng thực phẩm, nhiều nhất là trứng , từ siêu thị đưa ra ngoài bán lại.
Đối với các khu vực phong tỏa, sẽ có phương án kết hợp tổ dân phố lập danh sách đi chợ giúp dân hoặc cung cấp combo 5 - 10 mặt hàng thiết yếu đến từng gia đình. Ví dụ là sự phối hợp của UBND và Quận đoàn Q.6 có đội tình nguyện viên phối hợp cùng nhân viên Co.opmart Phú Lâm “đi chợ” mua hàng mỗi ngày 2 ca cho người dân của các phường, để người dân không phải trực tiếp đến mua sắm tại siêu thị.

Sáng 15.7: Thêm 805 ca Covid-19, TP.HCM chiếm tới 603 ca

Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, phụ trách hệ thống Bách Hóa Xanh, cho biết ước tính hệ thống này đã bán ra khoảng 800 tấn hàng tươi sống, chỉ tăng nhẹ so với ngày trước đó vì không dự báo được lượng khách mua tăng mạnh. Dự kiến đến cuối tuần này mỗi ngày Bách Hóa Xanh sẽ tăng lên khoảng 1.000 tấn hàng tươi sống để cung cấp ra thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.