Theo điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Cảng hàng không Côn Đảo đạt cấp 4C nên sân bay Côn Đảo phải được nối dài thêm 120m.
|
Theo đó, sân bay Côn Đảo có vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự (sân bay quân sự cấp II) có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.
Sân bay Côn Đảo đi vào hoạt động từ năm 2004 và được nâng cấp lên 3C, đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72 và tương đương.
Sân bay có đường băng cất hạ cánh dài 1.830m, rộng 30m, 3 sân đậu máy bay, nhà ga diện tích 3.792m2 bảo đảm phục vụ cùng một lúc 200 hành khách.
Đến năm 2006, nhiều hạng mục của sân bay Côn Đảo đã được nâng cấp để có thể đón được 300.000 hành khách/năm.
|
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, lượng khách đến Côn Đảo tăng trưởng trung bình 25-30%/năm, nhu cầu lớn nên thường xuyên bị “cháy” vé.
|
Vì vậy mà việc nâng cấp sân bay Côn Đảo là rất cần thiết.
Dự kiến, sân bay Côn Đảo khi được nâng cấp sẽ nằm trên diện tích đất hơn 140 hecta, với chi phí đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng.
Theo đầu tư mới thì đường cất hạ cánh của sân bay Côn Đảo phải lấn biển thêm 120m, nên Bộ GTVT đã chỉ đạo đơn vị tư vấn và Vietnam Airlines nghiên cứu tính toán lại phương án thiết kế đường cất hạ cánh phải đảm bảo yêu cầu ICAO và khai thác khả thi.
Đơn vị tư vấn và Vietnam Airlines đang hoàn thiện phương án nâng cấp để trình Cục Hành không Việt Nam xem xét trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt.
Tổng Công ty hàng không Việt Nam đã lập kế hoạch đầu tư cải tạo đường cất hạ cánh, mở rộng sân đỗ máy bay, xây dựng nhà ga đón 2 triệu hành khách/năm và các công trình hạ tầng giao thông đồng bộ giai đoạn 2020 - 2022.
Một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo là dự án trọng điểm của tỉnh nên lãnh đạo địa phương luôn quan tâm, đốc thúc đẩy nhanh tiến độ.
Bình luận (0)