May Sông Hồng, Thành Công mất hàng trăm tỉ đồng vì nhà bán lẻ Mỹ phá sản

Mai Phương
Mai Phương
11/05/2021 15:49 GMT+7

Làn sóng phá sản trong lĩnh vực bán lẻ ở Mỹ diễn ra ồ ạt trong thời gian qua đã kéo theo những khoản nợ khó đòi của một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021 của Công ty CP May Sông Hồng (MSH) cho thấy công ty đạt doanh thu thuần 944,8 tỉ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 115,5 tỉ đồng, tăng 47% và lợi nhuận sau thuế đạt 92,1 tỉ đồng, tăng 44% so với quý 1/2020.
Theo lãnh đạo MSH, doanh thu và lợi nhuận quý 1/2021 tăng so với cùng kỳ là do công ty tiết kiệm chi phí sản xuất làm giảm giá vốn. Nhưng đáng chú ý, tổng khoản phải thu ngắn hạn cuối quý 1/2021 là 654 tỉ đồng, tăng 19,5% so với hồi đầu năm nhưng công ty phải trích lập dự phòng khó đòi hơn 224 tỉ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2020. Trong đó, khoản phải thu của đối tác New York & Company hơn 218 tỉ đồng nhưng ước tính giá trị có thể thu hồi chỉ 32 tỉ đồng. Vì vậy MSH đã trích lập dự phòng gần 186 tỉ đồng cho khoản phải thu này.
Trước đó, từ giữa tháng 7.2020, Tập đoàn RTW Retailwinds (sở hữu chuỗi cửa hàng New York & Company) bất ngờ nộp đơn phá sản tại Mỹ, khiến Công ty CP May Sông Hồng chới với khi vẫn đang còn khoản nợ phải thu hơn 218 tỉ đồng từ New York & Company. Khi đó, Công ty May Sông Hồng cũng chỉ biết thông tin trên qua báo chí và trang tin điện tử của Tòa án Mỹ. Công ty cho biết cũng tích cực phối hợp với đối tác để thu hồi số nợ nói trên. Nhưng đến nay khả năng thu hồi nợ là hoàn toàn vô vọng.
Một trường hợp khác là Công ty CP dệt may - đầu tư thương mại Thành Công (TCM) từ năm 2018 cũng bị kẹt một khoản nợ hơn 100 tỉ đồng sau khi hãng bán lẻ Sears Holdings của Mỹ phá sản (khoản nợ từ 2 công ty con của Công ty Sears là Roebuck & Co và Công ty Kmart Corporation). Ngay khi có thông tin đối tác nộp đơn xin phá sản, phía Thành Công cũng công bố đã nỗ lực tham gia quá trình tòa án giải quyết thủ tục phá sản để thu hồi số tiền chưa thanh toán. Công ty này cũng thuê luật sư bên Mỹ tham gia quá trình xử lý, nhưng tính đến hiện tại, TCM chưa thu được đồng nào trong khoản nợ nêu trên. Tính đến hết quý 1/2021, TCM đã trích lập dự phòng cho khoản nợ khó đòi lên gần 99,4 tỉ đồng. Dù vậy, công ty cũng tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước khi doanh thu đạt 945,7 tỉ đồng, tăng 19,7% và lợi nhuận sau thuế đạt gần 62,3 tỉ đồng, tăng 83%.
Theo chia sẻ của một số đơn vị trong ngành may, con số nợ thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam sau khi nhiều tập đoàn bán lẻ trên thế giới phá sản có thể còn cao hơn nhiều vì một số doanh nghiệp không chia sẻ chuyện không vui này…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.