Mở lại chợ theo hình thức 'cuốn chiếu'?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
11/09/2021 06:35 GMT+7

Cho phép các tiệm ăn “bán mang về” nhưng chợ truyền thống chưa “nhúc nhích” khiến nhiều chủ quán bún, phở không mấy mặn mà do khó mua được nguyên vật liệu để chế biến.

Hơn 220 chợ truyền thống đang đóng cửa

Sau 2 ngày UBND TP.HCM cho phép các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống có giấy phép được hoạt động trở lại, trao đổi với Thanh Niên, đa số các chủ quán ăn đều cho biết chưa thể “khởi động” việc bán hàng do nguồn nguyên liệu mua không có.
Quán bún bò Ngự Hà (Q.Tân Phú) thường ngày lấy “mối” thịt bò và bông chuối tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), nay chợ vẫn im ỉm đóng, nên “chưa tính được” như lời chủ quán nói. Chủ quán hủ tíu Nam Vang (Q.Tân Bình) thường mua nguyên liệu các loại rau mùi, hành lá từ chợ Bà Quẹo (Q.Tân Bình), nguồn thịt và xương heo từ chợ Hóc Môn giao đến quán, nay cả Bà Quẹo lẫn chợ đầu mối Hóc Môn đều chưa được mở bán, chủ sạp bán thịt cho quán cũng đang nghỉ điều trị Covid-19. Chủ quán nói dè dặt: “Chưa tính được, chưa bán được!”.

Người dân tại quận 7, Củ Chi sắp được đi chợ một tuần/lần

Tương tự, một số tiệm bánh mì, bò kho cho rằng nhu cầu mua rau ít, dự định mua trong các cửa hàng tiện lợi, siêu thị để bán tạm. Thế nhưng, siêu thị chưa mở bán trực tiếp, chỉ bán hàng qua online nên muốn mua cũng không biết khi nào được giao hàng để chủ động công việc.
Ngày 10.9, đại diện siêu thị LotteMart thông tin, hệ thống LotteMart mới mở bán theo đơn hàng online sau khi thành phố có chủ trương cho shipper công nghệ hoạt động, trước đó bán rất ít và chỉ xử lý các đơn hàng nhỏ lẻ còn tồn đọng. Đơn vị này vẫn chờ khi thành phố ngưng giãn cách tăng cường, người dân có thể đi ra ngoài mua sắm được mới mở cửa phục vụ trở lại. Hiện tại, mở siêu thị không hiệu quả vì không biết bán cho ai, trong khi phải thêm chi phí nhân viên bán hàng, hạ tầng điện, máy lạnh...
Đại diện Tập đoàn Central Group (sở hữu chuỗi siêu thị BigC, GO!, Tops Market) cũng cho biết hệ thống vẫn tập trung bán hàng online, giao hàng cho khách từ nhân viên siêu thị và shipper công nghệ. Đơn hàng online được giao từ sau 2 - 3 ngày. “Hệ thống siêu thị chỉ mở cửa bán lại khi có người đi mua hàng được. Nguồn hàng hóa từ các nơi không thiếu, xe chở hàng đều được phân luồng xanh, chỉ cần có người mua thì siêu thị sẽ mở lại và nguồn hàng tươi sống đều được đưa về ngay lập tức. Theo kế hoạch của thành phố, người dân tại H.Củ Chi và Q.7 sẽ được đi mua hàng một lần trong tuần, chúng tôi đang chờ xem hướng dẫn để nếu có thể, mở lại siêu thị GO! tại Q.7 để phục vụ nhu cầu người dân”, đại diện hệ thống siêu thị này nói.
Riêng 3 chợ đầu mối tại TP.HCM là Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức, vào ngày thường “gánh” 60 - 70% thị phần các mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia cầm gia súc tại TP.HCM. Nay 2 điểm tập kết hàng nông thủy sản về 2 chợ đầu mối Thủ Đức và Bình Điền đã được mở, điểm tập kết tại chợ Hóc Môn vẫn chưa hoạt động.
Theo Sở Công thương, hiện tại, toàn thành phố còn hơn chục chợ nhỏ đang hoạt động, chủ yếu ở H.Cần Giờ và vài nơi tại huyện ngoại thành. Trong nội thành hầu như không còn chợ truyền thống nào hoạt động nữa, chủ yếu vài tiểu thương bán trái cây nhỏ lẻ tại vài điểm. Hơn 220 chợ truyền thống chưa hoạt động trở lại, các hộ kinh doanh rất khó tiếp cận nguồn nguyên liệu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và giá tốt để kinh doanh được.

Hàng quán bán mang về: Rục rịch dọn dẹp nhưng chưa sẵn sàng mở lại!

Tập trung mở các chợ rộng, thoáng

Ngày 10.9, trao đổi với Thanh Niên, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND H.Hóc Môn, cũng tỏ ra sốt ruột bởi chợ đầu mối Hóc Môn đóng cửa sớm nhất nhưng đến nay vẫn chưa mở lại. Địa phương cũng muốn sớm có điểm tập kết hàng hóa cho thương nhân để giảm tải khan hàng. Thế nhưng, an toàn phòng chống dịch vẫn là trên hết, mọi quyết định hết sức cẩn trọng. Từ tháng trước, các bộ ngành cũng đã khảo sát thực tế tại chợ, huyện cũng đã lên phương án, cho thương nhân đăng ký tập kết hàng hóa hết… nhưng rồi dịch lan rộng, lại thôi. Kế hoạch từ nay đến ngày 15.9, phải mở điểm tập kết - trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Hóc Môn. Thế nhưng, có thực tế là những thương nhân đăng ký trước đây, nay người khác, một số đã bị nhiễm bệnh hoặc ngưng không tham gia đưa hàng về nữa. Theo bà Châu, sở dĩ địa phương hết sức cẩn thận vì ngay chợ truyền thống Hóc Môn (chợ nhỏ trong xã), tháng 7 được hoạt động lại, 2 ngày sau phải đóng vì có 2 ca F0 vào chợ. Với chợ truyền thống tại địa phương, huyện chưa có kế hoạch cho mở hoạt động trong lúc này.
Hiện các địa phương đang đẩy nhanh việc đánh giá an toàn các điểm bán để mở trở lại, tập trung chính là hàng thiết yếu, không phải mở lại chợ bình thường như trước. Đến 15.9 phải mở thêm một số chợ truyền thống cũng theo hình thức “cuốn chiếu”, tập trung các điểm chợ có diện tích rộng, thoáng, bố trí giãn cách thuận tiện...

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM

Về vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương, nói việc mở lại chợ truyền thống Sở có quan điểm rất rõ ràng từ lâu nay và cũng ban hành nhiều văn bản từ hướng dẫn đến đôn đốc việc mở lại chợ. Thế nhưng, dịch bệnh lan tràn nên đa số các địa phương không tổ chức được hoặc lo ngại dịch bệnh nên vẫn chưa mở lại.
“Các quận huyện cần chủ động tiến hành nhanh việc mở lại chợ truyền thống theo hình thức “cuốn chiếu”, tức là an toàn đến đâu, mở đến đó, theo tinh thần chỉ đạo của thành phố. Lộ trình theo một số báo cáo của các quận huyện đưa về là từ nay đến 15.9, điểm tập kết - trung chuyển cuối cùng tại chợ đầu mối Hóc Môn sẽ được thiết lập. Bên cạnh đó, để chủ trương cho phép các nhà hàng quán ăn mở bán mang về được suôn sẻ và có hiệu quả hơn, việc mở lại chợ truyền thống là cần thiết. Hiện các địa phương đang đẩy nhanh việc đánh giá an toàn các điểm bán để mở trở lại, tập trung chính là hàng thiết yếu, không phải mở lại chợ bình thường như trước. Đến 15.9 phải mở thêm một số chợ truyền thống cũng theo hình thức “cuốn chiếu”, tập trung các điểm chợ có diện tích rộng, thoáng, bố trí giãn cách thuận tiện...”, ông Phương nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.