Đã sắp đến kỳ thu hoạch song hàng ngàn héc ta mía của nông dân vùng phía đông Gia Lai như đang… mới trồng. Nhiều ruộng mía xơ xác, cằn cỗi, chỉ có một đoạn thân, còn lại chỉ có lá và lá. Bình thường như các niên vụ trước, thời điểm này mía đã cao 2,5 - 3 m nhưng hiện nhiều ruộng mía chỉ đạt chiều cao trên dưới 1 m và đường kính thân quá nhỏ, ít đốt.
Cánh đồng mía xác xơ biến thành thức ăn cho gia súc, hoặc bị cày bỏ nhằm trồng các loại cây khác là những gì diễn ra ở H.Kbang. Sau đợt nắng hạn gay gắt kéo dài, hàng ngàn héc ta mía không thể phát triển. Mặc cho việc thúc phân ngay sau khi xuất hiện những cơn mưa muộn, cây mía cũng chẳng cao lên được thêm là bao. Một vụ mía thất bát là nhãn tiền, nông dân thiệt hại nhiều tỉ đồng. Ông Nguyễn Hoài Lộc (ở xã Kông Lơng Khơng) chua chát: “4 ha mía lưu gốc của gia đình tôi do bị nắng hạn kéo dài xem như mất trắng. Tiền công, phân bón đầu tư cả trăm triệu vào đây giờ thành công cốc. Cả gia đình trông vào ruộng mía này, vậy mà bây giờ trắng tay”.
Không chỉ mía lưu gốc, nhiều diện tích mía tơ cũng bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán. Theo nhiều nông dân, niên vụ mía 2019 - 2020 quả là vụ mía đắng đối với họ. Hạn hán xảy ra gay gắt trong thời điểm mía cần nước nhất để sinh trưởng, phát triển. Do vậy, dù sau thời điểm này có mưa nhưng mía không thể gượng nổi, kéo theo thực trạng mất mùa đồng loạt. Theo thống kê, H.Kbang là địa phương có diện tích mía thiệt hại nặng nhất với hơn 6.000 ha, tập trung ở các xã Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku và xã Đông.
Tại các địa phương khác như TX.An Khê và các huyện Đăk Pơ, Kon Chro, tình hình cũng không khá hơn khi hàng ngàn héc ta mía của nông dân chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán. Những địa phương vùng đông Gia Lai này là vùng chuyên canh mía, nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê với trên dưới 20.000 ha. Song, do hạn nặng nên năng suất ước giảm khoảng 50%. Trong đó, có khoảng 10.000 ha mía bị thiệt hại, bị chết hoặc giảm năng suất trầm trọng do mía không ra đốt.
Như các niên vụ trước, mỗi héc ta mía cho năng suất trung bình từ 70 - 100 tấn. Nhưng hiện hàng ngàn héc ta mía chỉ cho năng suất từ 10 - 30 tấn. Có nơi mất trắng. Nhà máy đường An Khê với công suất 18.000 tấn mía cây/ngày, cần khoảng 2 triệu tấn mía cây cho vụ ép. Nhưng với tình hình như nói trên, dự kiến vùng nguyên liệu phía đông chỉ có trên dưới 800.000 tấn mía cây. Hiện nhà máy phải lùi lại ngày vào vụ ép đến tháng 12 thay vì tháng 11 như những năm trước.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, cho biết: “Chúng tôi đã hướng dẫn cho các địa phương rà soát, đánh giá lại diện tích mía trên địa bàn tỉnh. Đối với những diện tích mía mà chân đất không phù hợp, năng suất thấp hơn khoảng 60 tấn/ha và những diện tích dễ bị tác động bởi khô hạn thì chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng sắn, trồng cây ăn trái và một số cây trồng ngắn ngày khác đem lại thu nhập cao hơn”.
Bình luận (0)