Ngân hàng cảnh báo hàng loạt thủ đoạn lừa đảo

Thanh Xuân
Thanh Xuân
11/03/2020 14:36 GMT+7

Từ giả mạo thương hiệu đến ứng dụng công nghệ cao, kẻ gian đã dựng lên nhiều kịch bản để lừa đảo chiếm đoạt thông tin tài khoản, tiền bạc của khách hàng.

Theo Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), kẻ lừa đảo đã thực hiện trộm thông tin tài khoản, chiếm đoạt tài sản khách hàng thời gian qua như giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của ngân hàng, tin nhắn của cơ quan công an, tòa án… gửi cho khách hàng. Các đối tượng lừa đảo công nghệ cao có khả năng cài đặt số điện thoại ảo, khiến cho điện thoại khách hàng hiện ra số điện thoại của ngành công an hoặc tòa án. Khách hàng tra lại số đúng với thực tế, nên tin đây là cuộc gọi thực sự từ cơ quan chức năng và cung cấp mật khẩu, OTP cho kẻ lừa đảo. Hoặc kẻ lừa đảo thậm chí còn lập số điện thoại gần giống với số đường dây nóng của ngân hàng. Khi khách hàng gọi tới, chúng cho chuyển hướng cuộc gọi đến tổng đài chính thức của ngân hàng, theo dõi cuộc gọi và lấy dữ liệu thông tin khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
  Thủ đoạn thứ 2 mà theo BacABank cảnh báo đến khách hàng đó là mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo cho khách hàng có khoản tiền chuyển vào tài khoản nhưng bị lỗi giao dịch, hoặc tài khoản của khách hàng đã bị xâm nhập... Để nhận tiền, đảm bảo an toàn cho tài khoản, khách hàng cần cung cấp user, mật khẩu đăng nhập và mã xác thực giao dịch (OTP; Smart OTP).
Một thủ đoạn dù đã rất cũ nhưng đến nay vẫn nhiều người bị lừa đó là mạo danh người thân, người quen (do hack được Facebook, Zalo, Viber, Messenger…) nhờ mua thẻ điện thoại, thanh toán chuyển khoản tới tài khoản do kẻ gian chỉ định hoặc thông báo trúng thưởng nhận được quà tặng, bưu kiện có giá trị. Để nhận quà khách hàng cần chuyển khoản một số tiền (thường rất nhỏ so với giá trị quà tặng) đến tài khoản do kẻ gian chỉ định. Hoặc mạo danh công an yêu cầu khách hàng chuyển tiền gấp vào tài khoản phục vụ công tác điều tra
Để hạn chế tối đa các rủi ro thất thoát tài sản, BacABank khuyến cáo khách hàng không cung cấp mã xác thực OTP cho bất cứ ai, ngay cả nhân viên ngân hàng, không truy cập vào đường link được nhận qua tin nhắn, không cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở thẻ, tài khoản ngân hàng, không cho mượn hoặc cho thuê tài khoản thanh toán, không cho mượn cho thuê ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử…
Trên mạng xuất hiện một số website đặt tên miền có yếu tố Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) như bidv-vay24h, bidv347, hoidap-bidv… BIDV khẳng định các website này không phải của nhà băng và đưa ra khuyến cáo để tránh truy cập vào các website không chính thống, khách hàng nên tự nhập thông tin địa chỉ website BIDV https://www.bidv.com.vn trên trình duyệt, không nên bấm (click) vào các liên kết hoặc thông tin quảng cáo không rõ nguồn gốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.