Ngân hàng vạ lây từ tranh chấp trả nợ thay

12/05/2021 06:19 GMT+7

Theo ghi nhận tại Sacombank, bà Nguyễn Thị Trình đã bắt đầu vay vốn tại ngân hàng từ năm 2016 và quá trình xác minh, thẩm định hồ sơ, giải ngân đều được thực hiện theo đúng quy định.

Trả nợ thay cho khoản vay tại ngân hàng

Tháng 9.2019, khi có nhu cầu tất toán khoản vay thì bà Trình thỏa thuận vay từ bên bà Võ Thị Mỹ Hạnh. Việc vay tiền này là do bà Trình và bên bà Hạnh tự thỏa thuận với nhau, ngân hàng hoàn toàn không biết. Bên bà Hạnh đi cùng bà Trình đến ngân hàng để đề nghị tất toán khoản vay của bà Trình, ngân hàng tiếp nhận và thực hiện.
Giải thích về việc đúng hay sai khi người khác nộp tiền để tất toán khoản vay, đại diện Sacombank cho biết: “Vấn đề là người vay có nhu cầu trả nợ hay không, còn chính người vay nộp tiền hay người khác nộp với sự đồng ý của người vay, trong trường hợp này là đi cùng nhau, thì đều hợp lệ”. Trên giấy nộp tiền, bên bà Hạnh đã thể hiện rõ nội dung nộp tiền trả nợ cho khoản vay của bà Trình.
Sự việc sẽ không trở nên phức tạp nếu bà Trình không phá vỡ thỏa thuận với bên bà Hạnh. Sau khi nhận thấy ngân hàng đã tiếp nhận xong số tiền 1,7 tỉ đồng bên bà Hạnh nộp vào, bà Trình lấy cớ quên CMND, về nhà lấy và không ký thỏa thuận nhận nợ với bên bà Hạnh, dẫn đến việc bên bà Hạnh phải kiện ra tòa để đòi lại tiền của mình.

Ngân hàng bị vạ lây…

Khi xảy ra tranh chấp giữa bên bà Hạnh và bà Trình, khoản vay vẫn tiếp tục quá hạn, mà Sacombank còn phải tham gia vụ kiện ở nhiều phiên xét xử với tư cách là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ngày 24.6.2020, Tòa án nhân dân TP.HCM ban hành Bản án số 597/2020/DS-PT có nội dung: “Buộc bà Nguyễn Thị Trình và Ngân hàng Sacombank có trách nhiệm liên đới giao trả cho bà Võ Thị Mỹ Hạnh, bà Võ Thị Kim Hường và ông Phạm Chu Tài số tiền 1.739.645.913 đồng ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Cụ thể: Buộc Ngân hàng Sacombank có trách nhiệm chuyển trả cho bà Võ Thị Mỹ Hạnh, bà Võ Thị Kim Hường và ông Phạm Chu Tài số tiền 1.739.645.913 đồng; buộc bà Nguyễn Thị Trình có trách nhiệm hỗ trợ các thủ tục liên quan đến việc chuyển trả lại cho bà Võ Thị Mỹ Hạnh, bà Võ Thị Kim Hường và ông Phạm Chu Tài số tiền nêu trên”. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thi hành án, bà Trình đều vắng mặt trong các lần cơ quan thi hành án triệu tập và chưa thực hiện trách nhiệm hỗ trợ các thủ tục liên quan để Sacombank hoàn tất chuyển trả tiền cho bên bà Hạnh.
Nhận thấy sự không hợp tác của bà Trình sẽ ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của ngân hàng, Sacombank đã tiến hành khởi kiện bà Nguyễn Thị Trình để thu hồi nợ vay. Theo Bản án phúc thẩm số 399/2021/DS-PT ngày 26.4.2021: “Buộc bà Nguyễn Thị Trình phải thanh toán một lần, ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín số tiền còn nợ, tạm tính đến ngày 14.1.2021 tổng cộng số tiền 2.150.796.109 đồng”. Đến nay, bà Trình vẫn chưa thực hiện bất kỳ trách nhiệm nào để thi hành bản án.
Việc kéo dài quá trình thi hành án đã dẫn đến những bức xúc đối với bên bà Hạnh: “Ngân hàng nói không có tiền để thi hành án tôi thấy là vô lý!”. Lý giải về thông tin này, đại diện Sacombank cho biết, Sacombank là tổ chức lớn, có trách nhiệm, luôn thực hiện đúng theo quy định pháp luật và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, ngân hàng đã cung cấp số tài khoản của Sacombank tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo đề nghị của Chi cục Thi hành án dân sự Q.12. Chi cục Thi hành án dân sự Q.12 đã gửi văn bản đề nghị NHNN chi nhánh TP.HCM khấu trừ tiền trong tài khoản của Sacombank để thi hành án nhưng NHNN chi nhánh TP.HCM đã phản hồi “Chi nhánh NHNN không có thẩm quyền cung cấp thông tin, phong tỏa và khấu trừ tiền từ tài khoản của tổ chức tín dụng mở tại NHNN trong hoạt động thi hành án dân sự”. Do đó, chi cục thi hành án tiếp tục có công văn đề nghị Sacombank cung cấp thông tin tài sản, tài khoản, điều kiện thi hành án khác để xử lý trả số tiền 1,7 tỉ đồng cho phía bà Hạnh. Tại buổi làm việc ngày 2.3.2021, đại diện Sacombank đã phúc đáp để làm rõ tại NHNN chi nhánh TP.HCM thì Sacombank “không có tài sản, tài khoản, điều kiện thi hành án khác để cung cấp cho Chi cục Thi hành án dân sự Q.12”.
Qua sự việc này có thể thấy rõ, việc ngân hàng không thu hồi được nợ quá hạn là xuất phát từ chính tranh chấp của các bên. Đối với cả 2 bản án, Sacombank đều đã thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật và yêu cầu của cơ quan thi hành án. Nhưng thực tế đến nay thì việc thi hành án đều chưa được thực hiện, dẫn đến thiệt hại cho ngân hàng và bên liên quan.
Đại diện Sacombank khuyến nghị: “Các hình thức vay mượn bên ngoài để đáo hạn ngân hàng đều có thể phát sinh rủi ro. Do đó, trong suốt quá trình giao dịch với ngân hàng, trường hợp có nhu cầu hoặc gặp khó khăn, vướng mắc thì khách hàng cần làm việc trực tiếp với ngân hàng để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời, tránh các rủi ro pháp lý và thiệt hại phát sinh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.