Nghịch lý nơi ngập rác chôn lấp, nơi thiếu rác đốt

02/11/2020 06:28 GMT+7

Rác thải chất cao như núi, ô nhiễm, người dân chặn đường... trong khi các nhà máy “điện rác” thì ì ạch, chậm tiến độ; một số ngành “thèm” rác như xi măng lại phải bỏ tiền đi mua.

Ì ạch điện rác

Hà Nội - thành phố xanh vừa ngập trong rác thải. Vấn đề này đã kéo dài hơn chục năm, khi mà người dân tại bãi rác Nam Sơn (H.Sóc Sơn, Hà Nội) đã 15 lần chặn xe rác. Ngày 24.10 vừa qua là lần thứ 2 trong năm nay người dân tiếp tục lặp lại hành động này. Cần Thơ cũng đã từng xảy ra tình trạng tương tự khi bãi rác Q.Ô Môn bốc mùi hôi thối, làm đảo lộn cuộc sống, đe dọa sức khỏe của người dân.
Nguyên nhân có nhiều nhưng điểm mấu chốt là sự bị động, chậm chạp của chính quyền trong việc đẩy nhanh các dự án xử lý rác. Đơn cử tại Hà Nội, mới chỉ có 1 nhà máy đốt rác phát điện đang hoạt động tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (H.Sóc Sơn, Hà Nội), nhưng chỉ xử lý được 75 tấn rác/ngày (chiếm chưa đầy 2% tổng lượng rác thủ đô thải ra mỗi ngày).
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2017 đến nay, Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án nhà máy xử lý chất thải rắn hiện đại song tốc độ quá chậm và chưa có thêm nhà máy nào được đưa vào hoạt động. Thống kê của Bộ Công thương cho biết, Việt Nam bình quân mỗi ngày thải 35.000 tấn rác sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn. Riêng Hà Nội và TP.HCM từ 7.000 - 8.000 tấn rác mỗi ngày. Hơn 80% lượng rác thải xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp (80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây hại cho môi trường. Chỉ có 13% rác được đốt cháy để thu hồi năng lượng). Trong khi rác ngày càng chất cao như núi, các nhà máy điện rác thì vẫn cứ ì ạch chờ cơ chế...
Đáng nói, trong khi rác ngập phố phường thì một số ngành phân bón, xi măng, thép... cần rác để làm nguồn nguyên, nhiên liệu thay thế lại ‘‘bói’’ không ra, thậm chí phải bỏ tiền mua. Tại Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem), Nhà máy xi măng Bút Sơn đã thí điểm mua rác thải công nghiệp để làm nhiên liệu. Tỷ lệ đốt rác công nghiệp thay thế nguồn nguyên liệu không tái tạo đạt 25%. Nhà máy xi măng Hà Tiên 1 cũng đốt vải vụn, đế giày là rác thải công nghiệp để thay thế than với 30% tổng nhiệt đang dùng...
Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, muốn phát triển bền vững, cần đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, nâng cao tái chế để đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành khác. Tuy nhiên, tại Việt Nam phần lớn rác thải thu gom được vẫn đang xử lý theo kiểu truyền thống chôn lấp, đếm tấn lấy tiền xử lý từ ngân sách. Trong khi nhiều nước trên thế giới xử lý rác thải trong lò đốt của nhà máy sản xuất xi măng, luyện thép; rác thải làm đầu vào trong nhà máy sản xuất phân bón… TS Tùng đề nghị và nhấn mạnh việc cần phân loại rác tại nguồn trước hết sẽ giúp giảm lượng rác thải mỗi ngày. Sau đó, sẽ thấy thứ gì thích hợp phát điện, xử lý trong lò đốt của nhà máy sản xuất xi măng, làm phân bón...
Nghịch lý nơi ngập rác chôn lấp, nơi thiếu rác đốt1

Nhà máy xi măng Bút Sơn đưa vải vụn là rác thải công nghiệp vào đốt, phục vụ sản xuất xi măng

ẢNH: PHONG QUÂN

Biến rác thành nguyên, nhiên liệu

Để xử lý triệt để rác thải, các chuyên gia kiến nghị cần phải ban hành ngay cơ chế, chính sách để có thể biến rác thành nguồn nguyên, nhiên liệu thay thế cho các ngành xi măng, phân bón, sắt thép...

Ngành xi măng phải thay đổi công nghệ, tận dụng rác thải làm nguyên, nhiên liệu để phát triển bền vững. Nhưng các doanh nghiệp cần có một cơ chế đầy đủ, rõ ràng và bình đẳng về xử lý, thu gom rác thải

Ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Tổng công ty xi măng Việt Nam

Đơn cử với ngành xi măng, hiện mới chỉ có Văn bản số 8751/VPCP-CN ngày 27.9.2019 quy định về việc xử lý rác thải, bùn thải và tro xỉ thay thế nguyên, nhiên liệu trong sản xuất xi măng. Theo đó, Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem) triển khai Chương trình thử nghiệm xử lý rác thải, bùn thải do 3 đơn vị thành viên thực hiện: Vicem Hoàng Thạch, Vicem Bút Sơn và Vicem Hà Tiên 1.
Ông Đỗ Tiến Trình, Tổng giám đốc xi măng Bút Sơn, chia sẻ cái khó hiện nay lại đang nằm ở cơ chế. Ở nhiều nước, DN xi măng đi thu gom, xử lý rác được trả tiền còn Việt Nam thì phải đi mua, thậm chí nhiều nơi muốn mua cũng không được. Ngoài Công ty liên doanh xi măng Holcim - Việt Nam là DN đầu tiên được trả tiền khi đi gom rác thải làm nhiên liệu, các DN xi măng trong nước đang phải trả 1 - 2 triệu đồng cho 1 tấn rác đi mua. Chủ tịch Vicem Bùi Hồng Minh cho biết: “Ngành xi măng phải thay đổi công nghệ, tận dụng rác thải làm nguyên, nhiên liệu để phát triển bền vững. Nhưng các DN cần có một cơ chế đầy đủ, rõ ràng và bình đẳng về xử lý, thu gom rác thải”.
Đối với điện rác, nguyên nhân chậm tiến độ, đa số các DN cho biết ngoài chi phí đầu tư lớn thì thủ tục vẫn là rào cản chính. Đơn cử như việc đánh giá thủ tục đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất phức tạp, có khi kéo dài hàng năm, cần sự chấp thuận của nhiều bộ, ngành, trong đó có đánh giá tác động môi trường, quy hoạch phát triển nguồn điện... Năm 2014, Chính phủ ban hành Quyết định số 31/2014/QĐ-Ttg ngày 5.5.2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam. Tuy nhiên, điểm hạn chế của chính sách này là chỉ áp dụng đối với các dự án đốt chất thải rắn trực tiếp và dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Do vậy, những công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như khí hóa phát điện, lên men tạo khí biogas phát điện... đang được triển khai ở nhiều nhà máy điện rác sẽ không được hưởng ưu đãi này.
Về vấn đề này, Bộ TN-MT cũng thừa nhận dù đã có những cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc tái chế, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện nhưng thực tế vẫn còn gặp khó khăn đáng kể. Quyết định số 31 có các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện. Tương tự, hiện có nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí biogas phát điện... nhưng giá mua điện chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ. Đến nay, cũng chưa có hướng dẫn về giá xử lý chất thải rắn áp dụng cho công nghệ điện rác. Vì thế, nhiều dự án gặp khó khăn và nghịch lý rác vẫn đang làm đau đầu cả người dân và chính quyền.
PGS-TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, đề nghị: Chính phủ cần sớm ban hành khung pháp lý hỗ trợ việc thu gom, xử lý rác thải đến việc dùng công nghệ biến thành nguồn nguyên liệu thay thế cho ngành xi măng, sắt thép.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.