Sống tạm bợ giữa con rạch ngập rác
Cầu Kênh Tẻ bắc qua Kênh Tẻ, nối quận 4 với quận 7 là 1 trong những công trình trọng điểm trên trục đường Bắc - Nam (từ Ngã 4 An Sương đến Cảng Hiệp Phước) nối đường Khánh Hội - Nguyễn Hữu Thọ. Bên kia cầu phía quận 7, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước - khi dự án Khu đô thị Nam Sài Gòn chính thức được khởi công xây dựng, vùng đất mênh mông đầm lầy khu Nam đã dần "thay da đổi thịt", trở thành 5 cụm đô thị bậc nhất TP.HCM.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ nối dài từ chân cầu Kênh Tẻ tới đường Nguyễn Văn Linh liên tục mọc lên rất nhiều chung cư, dự án nhà ở cao cấp, khiến không ít người hễ giới thiệu "nhà quận 7" là được liệt ngay vào danh sách "đại gia Sài Thành".
Thế nhưng ít ai ngờ, ngay dưới dạ cầu Kênh Tẻ đoạn chân cầu nối xuống đường Nguyễn Hữu Thọ, có đến vài trăm hộ gia đình sống tạm bợ, len lỏi giữa con rạch đầy rác ô nhiễm, không khác gì một khu ổ chuột ngay giữa trung tâm thành phố.
|
|
|
|
|
|
|
|
Tắc dự án "treo" gần 20 năm
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, nguyên nhân xuất hiện những khu ổ chuột dưới cầu Kênh Tẻ là do tắc dự án kết nối giao thông đường song hành dưới dạ cầu thuộc phường Tân Hưng, quận 7.
|
Cụ thể, đây là một phần thuộc dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ nối quận 4 với quận 7, được quy hoạch thực hiện cách đây gần 20 năm. Năm 2003, sau khi đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ dài 14 km tính từ cầu Kênh Tẻ đến Khu công nghiệp Hiệp Phước đã hoàn thành mở rộng, dự án kết nối đường song hành dưới dạ cầu này do vướng mặt bằng nên chủ đầu tư đã quyết định dừng công trình này, "đóng sổ" dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ mà không có đường gom song hành.
Cũng vì lý do này, người dân sống trên đường Trần Xuân Soạn muốn di chuyển ra đường Nguyễn Hữu Thọ và ngược lại, thay vì được kết nối giao thông trực tiếp lại phải đánh vòng gần 1,5 km qua đường số 15, đường Lê Văn Lương, vừa mất thời gian, vừa tạo thêm áp lực giao thông lên đường Lê Văn Lương hiện hữu, vốn đã thường xuyên ùn tắc.
|
Nhận thấy bất cập này, UBND Q.7 đã xúc tiến nốt công tác giải phóng mặt bằng để sẵn sàng phục vụ dự án đường gom song hành dạ cầu Kênh Tẻ. Tuy nhiên, mặt bằng sạch đã thu hồi từ năm 2004 đến nay nhưng dự án vẫn "án binh bất động", dẫn đến tình trạng người dân tiếp tục sống lay lắt, tạm bợ.
Từ đó đến nay, UBND Q.7 đã nhiều lần có văn bản đề nghị Sở GTVT giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, sau này là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông TP.HCM nghiên cứu, đầu tư đường gom cầu Kênh Tẻ, nhưng vẫn chưa được xúc tiến triển khai.
|
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cho biết đơn vị này đã trình UBND TP kết quả thẩm định nội bộ, trình Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trương đầu tư dự án bằng ngân sách thành phố và hiện đang chờ ý kiến góp ý của các sở liên quan.
"Về mặt kỹ thuật và chủ trương, dự án không gặp vướng mắc gì. Vốn đầu tư cũng không quá lớn, khoảng gần 60 tỉ đồng. Chỉ cần UBND TP quan tâm xúc tiến, Ban có thể tiến hành khởi công ngay, hoàn thiện dự án trong thời gian 2 năm. Dự án cũng bao gồm cả việc cải tạo đường thoát nước, nạo vét kênh rạch, chỉnh trang đô thị khu vực dân cư xung quanh, chấm dứt tình trạng người dân sống trong rác thải, ô nhiễm như hiện nay" - vị này thông tin.
Bình luận (0)