Nhập khẩu từ Úc vào Việt Nam tăng sau khi có CPTPP

06/10/2019 13:41 GMT+7

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Úc sau 8 tháng năm nay đạt trên 3 tỉ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Úc, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt hơn 5,3 tỉ USD 8 tháng qua, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Úc, không kể dầu thô đạt hơn 2,2 tỉ USD, giảm 7% so với cùng kỳ.
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Úc đạt hơn 3 tỉ USD, tăng 29%. Như vậy, hết 8 tháng đầu năm, Việt Nam đang nhập siêu từ Úc. Trong số các nhóm hàng nhập khẩu tăng cao có gỗ và sản phẩm gỗ dẫn đầu đạt 7,63 triệu USD, tăng đến 123%. Kế đến là than với hơn 1,1 tỉ USD, tăng 121%; quặng và khoáng sản khác đạt 400 triệu USD, tăng 95%; sắt thép các loại 29,4 triệu USD, tăng 66%; phế liệu sắt thép 121 triệu USD, tăng 20%.
Đồng thời, hàng loạt sản phẩm tiêu dùng từ Úc vào Việt Nam cũng tăng mạnh như nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 75% so với cùng kỳ, đạt 34 triệu USD. Thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 19 triệu USD, tăng 88%. Mặt hàng rau quả đạt 73,8 triệu USD, tăng 5%, dược phẩm 38,7 triệu USD, tăng 9%...
Thời gian qua, Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lý tưởng của Úc, đặc biệt với các loại trái cây theo mùa. Điển hình là cam, nho, cherry của nước này liên tục đổ về Việt Nam với số lượng lớn.
Úc là một trong những nước cùng Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019. Nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc đã được giảm thuế về 0%. Đó là lý do nhiều mặt hàng từ Úc vào Việt Nam gia tăng mạnh. Ngược lại, hàng hóa Việt Nam dường như chưa tận dụng được cơ hội ở thị trường này do vấp phải nhiều quy định khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, ghi nhãn mác… Ví dụ từ đầu tháng 9.2019, nhãn Việt đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào Úc. Nhưng các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trước khi xuất khẩu như quả nhãn phải có nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu theo hệ thống quy trình vận hành cần thiết để duy trì và xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật; quả nhãn phải trải qua các biện pháp quản lý rủi ro bắt buộc…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.