Nhộn nhịp bán rau, thịt cá trên mạng khi TP.HCM thực hiện giãn cách

10/07/2021 12:53 GMT+7

Nhiều cá nhân, công ty bị tạm ngưng hoạt động khi TP.HCM áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 đã chuyển sang bán rau xanh, thịt cá... online.

Nhân viên du lịch, thời trang bán thêm rau

Chỉ một ngày trước khi TP.HCM chính thức giãn cách theo Chỉ thị 16, trên trang cá nhân của Doan Khuyen - cô chủ của dịch vụ làm sạch trang thiết bị nhà cửa Salem Clean - thông báo tạm thời buôn rau để tạo công ăn chuyện làm cho các bạn nhân viên. Ai có nhu cầu liên hệ qua Zalo để đặt hàng. Nhận rau rồi chuyển khoản ship và tiền rau sau để hạn chế dùng tiền mặt... Đến tối 9.7, cô lại chia sẻ: “Ngày đầu buôn rau, nó rối kinh hồn. Mong cả nhà lượng thứ và góp ý cho em nếu có sai sót nha. Em phải xin "giấy thông hành" để đi ship rau chứ không thôi nhân viên em bị phạt. Rối đến 6 giờ mới đi giao được. Mà đâu chỉ em rối. Chỗ để sỉ họ cũng rối....”.
Trao đổi với người viết, Khuyên cho biết do giãn cách nên nghề của mình không hoạt động được nữa. Trong khi đó, nhu cầu của khách quen, bạn bè rất nhiều vì dự trữ mì gói, gạo... còn được chứ rau xanh không trữ lâu được. Bản thân nhân viên cũng cần có việc. Như vậy là Khuyên liên kết với một nông trại rau có công ty ở TP.HCM cũng chuyên bỏ mối cho các siêu thị với đủ các loại rau như cải, xà lách, đậu cô ve, khổ qua... Chỉ mới bán ngày thứ hai nên mình cô soạn hàng, có 1 nhân viên đi ship hàng với phí ship đồng giá 30.000 đồng/đơn cho cả nội và ngoại thành. “Phí ship này em đã bù rồi. Giá ship đang cao, mà các bạn chịu đi ship, em thấy cũng xứng đáng. Khi đi ship cũng phải trang bị đầy đủ, không dám ỷ y. Nếu đơn hàng nhiều lên thì sẽ kêu thêm mấy bạn nữa...”, Doan Khuyen nói thêm.

Mua hàng bách hóa ngày giãn cách: Thịt cá dồi dào, chỉ nhận tối đa 10 người

Không chỉ mình đơn vị này chuyển sang kinh doanh tạm thời các mặt hàng tươi sống mà từ cuối tháng 6 đến nay, công ty du lịch V. cũng chuyển sang bán trái cây, chủ yếu là mít, chuối. Công việc này chỉ được bắt đầu sau khi TP.HCM quy định ngừng các chợ tạm, buôn bán vỉa hè. Các đơn hàng chủ yếu được trao đổi qua Facebook, Zalo. Thậm chí có lúc khách đi ngang vào hỏi mua trực tiếp cũng bị từ chối vì người bán nói tuân thủ quy định không tập trung quá 3 người...
Thực tế hiện nay khi nhu cầu về thực phẩm tươi sống tăng cao trong khi các chợ truyền thống bị đóng cửa, nhiều siêu thị cũng phải ngừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19, các đơn vị, cá nhân chuyển sang bán online thịt cá, hải sản, trái cây và cả rau xanh khá nhiều. Thu Nhi - nhân viên một cửa hàng thuốc tây nhưng từ khi dịch Covid-19 diễn ra - cũng bị giảm hẳn về thu nhập nên có bán thêm quần áo. Tuy nhiên việc buôn bán không quá thuận lợi nên cũng chỉ đầu tuần này khi thấy nhiều người bắt đầu mua rau củ quả trong khi bên ngoài tăng giá liên tục, hàng khan hiếm nên cô cũng chuyển sang bán rau. Rau được gom mua ở Đà Lạt về và được bán lẻ như bí đỏ 30.000 đồng/kg, bí xanh 20.000 đồng/kg, cà chua 25.000 đồng/kg, su su 20.000 đồng/kg, cà rốt 25.000 đồng/kg... và cũng được nhiều bạn bè, người quen đặt hàng.

Báo giá rau xanh của dịch vụ Salem Clean

Ảnh chụp màn hình

Mong có việc làm, thêm thu nhập

Trong mùa dịch và công việc chính bị tạm dừng nên nhiều người đều muốn tạo việc làm, có thêm thu nhập là lý do chung của nhiều cá nhân, đơn vị khi nhanh chóng chuyển sang bán hàng thực phẩm tươi sống theo nhu cầu tăng cao của người dân. Chị Song Phương, chủ cửa hàng Đặc Sản Việt, cho hay trước đây chị chủ yếu bán các sản phẩm khô hoặc có liên kết với nông trại mùa nào bán trái cây đó hoặc rất ít thực phẩm khác. Tuy nhiên từ đầu tuần đến nay nhiều khách quen đều muốn mua rau, hải sản nên chị phải đặt thêm hàng từ Phan Thiết, Phan Rang vào để bán.
“Bán hàng tươi sống cực quá. Nay phí vận chuyển từ các tỉnh vào TP.HCM càng tăng cao vì nhiều thủ tục, trạm chốt. Ví dụ trước đây chỉ trả tiền cho lái xe 1 ngày thì nay đi lại mất thời gian phải trả tăng lên thành 2 ngày, rồi chi phí xét nghiệm. Tiền ship trong nội thành TP.HCM cũng tăng cao... Nói chung đuối lắm nhưng khách quen cần thì mình cũng bán, cũng có thêm thu nhập mùa này là tốt nên phải cố gắng”, chị Song Phương cho hay.
Tương tự, chị Diễm Châu thường bán hàng qua mạng và nay cũng tăng thêm bán thực phẩm chia sẻ, muốn đảm bảo chất lượng rau thịt cá tươi ngon cho khách hàng quen thuộc nên dù chi phí mùa dịch khiến giá thực phẩm gia tăng thì chị vẫn giữ nguyên giá bán, thậm chí lại còn hạ giá từ 10.000 - 30.000 đồng/kg cho nhiều món thiết yếu trong giai đoạn TP.HCM thực hiện giãn cách này như chả cá chiên từ 190.000 đồng còn 180.000 đồng/kg; cá nục nhỏ từ 170.000 đồng giảm còn 130.000 đồng/kg; thịt heo ba rọi từ 190.000 đồng xuống 170.000 đồng/kg...
Chị nói: Giữa mùa này, còn có cách để kiếm ít tiền xoay sở mỗi ngày, chí ít là không bị đói, là còn may mắn, nên dù thế nào cũng không gọi là cực. Chi phí các loại đều tăng như phí vận chuyển 1 thùng hàng từ Ninh Thuận vào TP.HCM lúc bình thường khoảng 50.000 đồng, đầu tháng 7 tăng lên gần 100.000 đồng thì nay tăng lên đến 150.000 đồng... Vì vậy mức lời cũng sụt giảm lại còn ít nhưng vẫn giữ nguồn chất lượng nên “nhờ vậy mà nhiều khách quen giới thiệu thêm khách mới nên cũng tạm ổn”...

Shipper đi làm ngày giãn cách: Loay hoay chờ khai báo y tế để qua chốt

Lực lượng bán hàng qua mạng này đã góp phần đảm bảo thực phẩm cho người dân TP.HCM trong giai đoạn giãn cách. Nhưng giữa muôn vàn người bán online với đủ loại thực phẩm thì nhiều khách hàng vẫn khá thận trọng khi giao dịch. Theo chị Thao (Q.Tân Phú, TP.HCM), cũng chỉ dám mua hàng tươi sống, rau xanh và trái cây của người quen đã biết rõ, Cái nào người quen không có nhưng nếu thật cần thiết thì sẽ vào siêu thị mua bổ sung mới yên tâm về nguồn gốc, chất lượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.