Nỗ lực khơi thông luồng xanh hàng hóa

23/07/2021 06:55 GMT+7

Nhiều giấy tờ, thủ tục thông hành đang dần được tháo gỡ để tạo điều kiện tốt nhất cho các mặt hàng thực phẩm thiết yếu di chuyển tới các tỉnh, thành phía nam trong thời gian giãn cách xã hội .

Chở “hàng mau hỏng” không cần giấy nhận diện

Sau khi Tổng cục Đường bộ đề nghị các địa phương không kiểm tra giấy nhận diện phương tiện đối với xe chở hàng thiết yếu, chiều qua (22.7), Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản mới hướng dẫn tổ chức cho phương tiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Hướng dẫn mới áp dụng đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa là các loại hàng mau hỏng (hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh), các loại hàng thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh có lộ trình đi vào, đi ra từ TP.HCM và quá cảnh qua địa bàn thành phố.
Cụ thể, trường hợp chỉ lưu thông trong phạm vi giữa 19 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phương tiện không cần đăng ký cấp Giấy nhận diện phương tiện (có mã QR). Sở GTVT TP.HCM chỉ cấp giấy nhận diện cho các phương tiện từ các tỉnh, thành khác có lộ trình đi vào, đi ra và quá cảnh qua vùng thực hiện Chỉ thị số 16 khi các phương tiện có lộ trình điểm đi, điểm đến hoặc quá cảnh qua địa bàn TP.HCM (thông qua địa chỉ: luongxanh.drvn.gov.vn).
Đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh cần lưu thông trên địa bàn thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách, trường hợp các đơn vị đã được Sở cấp giấy nhận diện (thời hạn đến hết ngày 23.7) sẽ tiếp tục sử dụng giấy nhận diện và không cần thủ tục gia hạn. Sở GTVT sẽ tự động gia hạn trên phần mềm thông qua mã QR đã cấp trước đây cho đến hết ngày 1.8 (các đơn vị thực hiện tra cứu các thông tin phương tiện trên giấy nhận diện qua các ứng dụng quét mã QR như Zalo, Viber...).

Bản tin Covid-19 ngày 22.7- Cả nước 6.194 ca mới, TP.HCM có thể áp dụng 16+ ở vùng nguy cơ

Trước đó, Sở GTVT TP.HCM cũng đã cấp tốc triển khai riêng “luồng xanh đường thủy”, sử dụng tàu cao tốc di chuyển bằng đường thủy để vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến địa bàn TP.HCM và ngược lại. Trên mỗi chuyến tàu còn được cắt cử nhân viên cảng vụ đường thủy nội địa đi cùng để hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu theo đúng luồng xanh ưu tiên.

Hiện nay, vấn đề lớn nhất giữa các tỉnh không phải sợ lây thêm dịch của nhau mà làm sao để việc lưu thông hàng hóa được thông thoáng nhất, đảm bảo an ninh lương thực cho người dân

TS Lương Hoài Nam

Qua khảo sát một số địa phương cho thấy các tỉnh, thành cũng đang dần nới lỏng quy định đối với xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Đơn cử, từ ngày 18.7, Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cấp giấy nhận diện phương tiện thông qua hệ thống của Tổng cục Đường bộ. Giấy nhận diện phương tiện sẽ ưu tiên các xe đi qua chốt kiểm soát dịch, đặc biệt là xe chở lương thực, thực phẩm. Đối với xe chở lương thực, thực phẩm trong tỉnh thì không cần giấy nhận diện phương tiện. Bên cạnh đó, mặc dù địa phương vẫn ưu tiên cho xe chở lương thực, thực phẩm nhưng hiện nhiều doanh nghiệp vẫn đăng ký giấy nhận diện phương tiện để lưu thông nhanh hơn. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long cũng cho biết đã áp dụng văn bản hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ, chỉ đạo các chốt kiểm soát phòng chống dịch không thực hiện việc kiểm tra giấy nhận diện phương tiện (có mã QR) trên xe đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa là các loại hàng mau hỏng khi lưu thông giữa các địa phương trong khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16.

Tài xế chạy thẳng Tiền Giang - Lâm Đồng không dám dừng ăn cơm

Bỏ trạm kiểm soát giữa các tỉnh?

Thực tế, từ khi TP.HCM chính thức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và sau đó là toàn bộ 19 tỉnh, thành phía nam, vấn đề quan trọng nhất trong giai đoạn giãn cách các tỉnh chính là luồng xanh trong lưu thông hàng hóa. Ngay trước ngày áp dụng giãn cách, Tổng cục Đường bộ VN đã có văn bản khẩn chỉ đạo các địa phương phải tạo luồng xanh trong vận chuyển hàng hóa. Những phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng quá cảnh đi TP.HCM... mà đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch thì đều được tạo điều kiện ưu tiên lưu thông.
Tuy vậy, việc mỗi địa phương thực hiện Chỉ thị 16 theo phương cách khác nhau, mỗi chốt lưu thông quy định, đòi hỏi những loại giấy thông hành khác nhau khiến việc lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh còn rất nhiều vướng mắc. Có nhiều chuyến xe cứu trợ chở thực phẩm từ các tỉnh tới TP.HCM đã phải quay đầu không lý do, nhiều mặt hàng thiết yếu như sữa, gạo cũng bị “đóng băng” vì không qua được các chốt kiểm dịch.
Trực tiếp góp ý nhiều chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch, TS Lương Hoài Nam đề xuất bỏ các trạm kiểm soát Covid giữa 19 tỉnh, thành phía nam. Trong bối cảnh dịch bệnh chỉ hoành hành tại TP.HCM, cần thiết có các trạm kiểm dịch liên tỉnh để ngăn chặn lây lan sang các địa phương khác. Tuy nhiên hiện nay, cả 19 tỉnh, thành đã “về chung một nhà” gọi là “đội Chỉ thị 16”, việc lập trạm kiểm soát giữa các địa phương không chỉ gây thêm cản trở lưu thông hàng hóa mà còn nguy cơ phát sinh tiêu cực tại các chốt kiểm dịch.
“Hiện nay, vấn đề lớn nhất giữa các tỉnh không phải sợ lây thêm dịch của nhau mà làm sao để việc lưu thông hàng hóa được thông thoáng nhất, đảm bảo an ninh lương thực cho người dân. Nên bỏ các chốt kiểm soát liên tỉnh, chỉ cần các đội kiểm soát lưu động tuần tra, kiểm soát ngẫu nhiên, ai hay phương tiện nào vi phạm Chỉ thị 16 thì phạt”, ông Nam nêu ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.