Phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ

Thanh Xuân
Thanh Xuân
14/08/2019 12:09 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ nghiên cứu cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng; nghiên cứu, xây dựng đề án cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước xây dựng quy định các giao dịch thanh toán xuyên biên giới thông qua cổng thanh toán, phối hợp với các bộ ngành sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khung pháp lý quản lý hoạt động thanh toán điện tử đối với việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới được các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp từ bên ngoài lãnh thổ vào Việt Nam.
Đối với Bộ Giao thông vận tải, rà soát, bãi bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải truyền thống, đồng thời bổ sung một số điều kiện cần thiết đối với loại hình dịch vụ kinh tế chia sẻ; hướng dẫn triển khai các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô…
Bộ Công thương nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng bền vững; chính sách phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích các hoạt động thương mại điện tử ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ; nghiên cứu các nội dung về dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới và đề xuất hướng quản lý phù hợp với yêu cầu thực tiễn cũng như cam kết hội nhập …
Đề án đặt mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.
  Đề án cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ; giải quyết vấn đề nảy sinh trong kinh tế chia sẻ như vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội; tạo thị trường cho mọi công dân tham gia vào các hoạt động kinh doanh chia sẻ (bao gồm cả không gian, hàng hóa và kỹ năng).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.