Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Đã phát hiện cố ý làm trái khi cổ phần hoá

Chí Hiếu
Chí Hiếu
16/10/2019 11:21 GMT+7

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, khi cổ phần hoá, thoái vốn là phải thượng tôn pháp luật , song bước đầu đã phát hiện những sai phạm, cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo Chính phủ.

Sáng 16.10, Chính phủ tổ chức hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cùng chủ trì. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất là tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn.
Phát biểu khai mạc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, từ năm 2016 đến tháng 6.2019, cả nước đã cổ phần hóa được 162 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại là 205.433,2 tỉ đồng, bằng 108% tổng giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá của cả giai đoạn 2011 - 2015. Đặc biệt, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 218.255 tỉ đồng, gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hoá và thoái vốn giai đoạn 5 năm trước đây.
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp, tổng công ty “chậm đổi mới, ngại đổi mới” theo phê duyệt. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn nhiều vướng mắc cả về thể chế và tình hình thực hiện.
Đặc biệt, Phó thủ tướng cho rằng, trong quá trình này đã phát hiện những bất cập. “Hiện nay, bước đầu đã phát hiện những sai phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thoái vốn nhà nước, làm trái với ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo Chính phủ, vì vậy không thể chủ quan. Bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm liên quan đến những vụ việc này”, Phó thủ tướng nói.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Tài chính do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, quá trình tổ chức thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn rất chậm, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, có tình trạng doanh nghiệp nhà nước không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại. Một số đơn vị thuộc diện thoái vốn đang bị cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra vì vi phạm các quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước theo quy định hiện hành.
Đối với những doanh nghiệp nhà nước đã triển khai cơ cấu lại chưa đạt kết quả như kỳ vọng do các doanh nghiệp sau cổ phần hóa chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực khai khoáng, năng lượng, cơ khí có điều kiện sản xuất kinh doanh, thị trường khó khăn; trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp, năng lực chuyên môn của người lãnh đạo còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.