Quán không app công nghệ ngóng mở cửa

24/09/2021 06:33 GMT+7

Sau gần 10 ngày TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có thể hoạt động trở lại kèm theo các điều kiện quy định thì rất nhiều nhà hàng, quán ăn vẫn tiếp tục đóng cửa.

Hàng xóm sát bên, cũng phải lên app đặt mua(?)

Hôm qua 23.9, chị Ánh Nguyệt (Q.Tân Bình, TP.HCM) trên đường đi làm, ngang qua đường Âu Cơ thấy có tiệm trà sữa mở bán nên tạt vào hỏi mua 3 ly trà sữa, nhưng người bán từ chối. Tại tiệm lúc đó có khoảng 6 shipper đang chờ lấy hàng giao cho khách. Người bán giải thích: “Quán chưa được bán trực tiếp, chỉ bán cho khách đặt qua app công nghệ nên kể cả khách ghé vào cũng chịu, không bán vì sợ phạt”. Những hàng quán đã mở bán trở lại đều rơi vào tình trạng tương tự, buộc phải từ chối khách bởi theo quy định, các cơ sở ăn uống chỉ được phép bán trực tuyến qua shipper công nghệ.

Mở bán qua app cũng được, nhưng nhà hàng xóm sát bên lên đăng ký qua app mới mua được tô bún mọc từ nhà mình và phải trả thêm phí nữa thì không ai chịu.

 Chị Lê Thị Bình An (đường Lạc Long Quân, Q.Tân Bình, TP.HCM)

Cũng vì quy định này, hàng ngàn cá nhân, hộ gia đình vốn xưa nay chỉ bán trực tiếp, bán trong khu phố, các con hẻm nhỏ hay khu chung cư... tiếp tục đóng cửa. App công nghệ đối với họ quá lạ và không cần thiết vì đa số phục vụ khách hàng quen sống trong khu vực. Theo chị Lê Thị Bình An, bán đồ ăn sáng tại hẻm nhỏ trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình), cả gia đình chị có 3 người sống phụ thuộc vào nguồn thu từ quán bún bò, bún vịt và bún mọc (tùy ngày) ăn sáng cho cư dân trong khu phố từ 6 - 9 giờ sáng. Thế nhưng, hình thức bán mang về cho dân trong xóm không được hướng dẫn vì chưa cho mở bán nên chị đành chịu dù rất sốt ruột. Chị Bình An chia sẻ: “Tôi thấy nhu cầu bán đồ ăn sáng nhỏ lẻ, bó gọn trong xóm rất cần thiết, nhưng đến lúc này chưa cho phép mở bán. Nếu muốn mở bán qua app cũng được, nhưng nhà hàng xóm sát bên lên đăng ký qua app mới mua được tô bún mọc từ nhà mình và phải trả thêm phí nữa thì không ai chịu. Các quy định này còn thiếu thực tế quá”.
Tương tự, chủ quán bánh cuốn nóng Thụy ngay hẻm nhỏ trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình) cho biết trước đây, trung bình mỗi buổi sáng, chị bán được 100 - 120 phần cho dân trong xóm với giá bình dân. Khi thành phố bắt đầu có dịch, gia đình sẽ giao tận cửa cho người mua, không tổ chức bán tại chỗ. Sau 3 tháng nghỉ bán, nghe nói được mở bán mang về, chị mừng nhưng chưa kịp làm gì thì bên UBND phường báo nếu không đăng ký kinh doanh, không bán hàng qua app công nghệ mang về thì chưa được bán, nếu không sẽ bị phạt...

Đi xét nghiệm dịch vụ Covid-19, shipper ngỡ ngàng: ‘Mất tiền mà vẫn phải chờ lâu’

Bán qua app là lỗ

Không chỉ những cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ vốn không biết bán hàng trên các nền tảng công nghệ mà nhiều chuỗi nhà hàng cũng không thể đáp ứng điều kiện này. Anh Nguyễn Hoàng, chủ hệ thống buffet “123K Nướng ngon” với 4 chi nhánh tại H.Hóc Môn, Q.Bình Tân, Q.12 cùng quán hủ tiếu nam vang Ngon Quán (Q.10), cho hay đặc thù của các quán ăn tự chọn món là phải bán trực tiếp. Vì vậy, 4 cửa hàng buffet của anh với gần 60 lao động đã phải nghỉ nhiều tháng qua. Hiện anh rất “đuối” và không còn sức để hỗ trợ cho nhân viên như 2 tháng đầu tiên nên rất mong được hoạt động trở lại. Thế nhưng, khi tìm hiểu các quy định, anh lại tiếp tục đóng cửa. Cụ thể, quán hủ tiếu nam vang thì có thể bán qua app công nghệ và giao hàng tận nhà. Nhưng quán có 4 người, phải xét nghiệm 3 ngày/lần, tốn khoảng 1,2 triệu đồng, 1 tháng 10 lần tốn 12 triệu đồng. Cộng thêm chi phí khử khuẩn, tổ chức ăn ở tại chỗ, phí thuê mặt bằng mỗi tháng 27 triệu đồng... Nếu đăng ký bán qua app công nghệ thì đơn vị quản lý app sẽ thu phí từ 20 - 25% trên giá bán.
Theo quy định mới ban hành ngày 15.9 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đáp ứng các tiêu chí mới có thể mở cửa hoạt động. Cụ thể, cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Phải đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu và chứng từ liên quan; Người lao động, khách hàng, người giao nhận hàng, người liên hệ... phải thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Những người này cần được tiêm ngừa vắc xin Covid-19, thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính; Cơ sở kinh doanh phải có biện pháp kiểm soát phòng, chống Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế đối với người lao động, người ra vào, đảm bảo quy tắc 5K và tiêm ngừa vắc xin; Cơ sở phải bố trí khu vực giao nhận sản phẩm, có bàn trung chuyển và tách biệt khu vực khác, đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2 m, trang bị nước rửa tay, sát khuẩn, có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô dùng 1 lần; Cơ sở phải xây dựng kế hoạch và các phương án phòng, chống Covid-19, khu vực ăn uống đảm bảo mật độ tối thiểu 4 m2 cho một người, khoảng cách tối thiểu 2 m hoặc bố trí vách ngăn.
Nhưng trên thực tế, nhiều quận huyện tại TP.HCM vẫn đang áp dụng quy định trước đó từ ngày 8.9 chỉ cho các hàng quán mở bán cho shipper công nghệ mà chưa cho phép bán lẻ cho người dân mua mang về.
“Giá bán một tô hủ tiếu bình thường khoảng 40.000 đồng. Nay khách hàng muốn mua phải trả thêm phí từ 30.000 - 40.000 đồng, thành ra tô hủ tiếu lên 70.000 - 80.000 đồng nên mình nghĩ số người chịu mua ăn không nhiều. Mình mang tiếng bán đắt nhưng cũng thu được ít tiền vì phải chia sẻ phí cho bên app. Bán không nhiều thì sẽ không đủ trang trải các chi phí bỏ ra. Còn các nhà hàng buffet để mở cửa lại thì phải thực hiện nhiều quy định cũng tốn nhiều tiền lắm, nhất là chi phí xét nghiệm nhiều nên đành chịu”, anh Hoàng phân tích và đề xuất thành phố chỉ nên quy định tất cả nhân viên quán đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì có thể được làm việc, quán có thể mở cửa hoạt động; và khách hàng nào tiêm đủ 2 mũi vắc xin hay đã điều trị hết bệnh mới được vào quán ăn tại chỗ hay mua về... Hoặc việc xét nghiệm phải giãn ra, có thể 1 tháng thực hiện 1 lần. Còn nếu cứ giữ quy định như vậy thì anh đành tiếp tục nghỉ bán.
Tương tự, chị Trang, chủ quán chay Thiện Duyên (Q.Tân Phú), cũng chia sẻ trước đây chị vừa bán trực tiếp vừa bán qua 2 app công nghệ. Sau một thời gian bán hàng qua app, chị có thêm nhiều khách hàng tin tưởng và sau đó liên hệ trực tiếp để đặt nấu tiệc, nấu cho cả gia đình trong các dịp lễ, giỗ... Các đơn hàng sỉ này mới mang lại lợi nhuận, còn chỉ bán qua app thì sẽ bị lỗ. Ví dụ một phần cà ri chay khi bán qua app để thu hút được khách hàng thì chị phải giảm giá từ 40.000 đồng xuống còn khoảng 28.000 đồng, và sau khi trừ phí của app thì chị chỉ còn 24.000 đồng, không bằng số tiền thu về khi bán trực tiếp.
“Hiện nay quy định mở bán lại phải đảm bảo tiêm vắc xin 2 mũi thì cả 3 người trong nhà chỉ mới tiêm 1 mũi. Hơn nữa, nếu chỉ cho bán qua app thì sẽ không có lời vì cũng ít người mua, kể cả khách quen. Chưa kể giá thực phẩm còn cao, nhiều nguyên liệu không có đủ thì cũng không thể nấu ngon cho khách như trước. Đồng thời sợ vẫn bị lây nhiễm Covid-19 nếu đông người ra vô, nên mình chưa mở bán lại”, chị Trang chia sẻ thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.