Rác nguy hại đe dọa vựa lúa

Đình Tuyển
Đình Tuyển
18/11/2019 06:27 GMT+7

Mỗi năm có hàng trăm ngàn tấn rác thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp như vỏ chai, bao bì thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học không được xử lý đổ xuống "vựa lúa, vựa trái cây" của cả nước.

Mỗi vụ lúa, 6 lần phun, xịt

Tháng 11 cũng là thời điểm nông dân ĐBSCL bước vào vụ lúa đông xuân. Đây là mùa sản xuất lúa lớn nhất trong năm và cũng là vụ mùa người dân sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Trên bờ kênh, cạnh ruộng lúa 4.000 m2 của ông Thạch Hoàng (50 tuổi, ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) là một đống chai lọ, gói nhựa đựng thuốc trừ sâu, thuốc BVTV đã qua sử dụng. “Mọi người ra vứt chúng ở đây, tới cuối mùa sẽ đốt bỏ”, ông Hoàng nói và cho biết ngoài một số vỏ chai có thể bán phế liệu thì lâu nay đốt chính là cách ông tiêu hủy loại rác độc hại trên, dù không rõ có hại cho sức khỏe hay không.
Một hố rác thải độc hại ngoài trời để người dân bỏ vào đó những rác thải phát sinh từ sản xuất nông nghiệp Ảnh: Đình Tuyển

Một hố rác thải độc hại ngoài trời để người dân bỏ vào đó những rác thải phát sinh từ sản xuất nông nghiệp

Ảnh: Đình Tuyển

Từ ấp Mỹ Hòa, theo QL53 đi hướng từ H.Trà Ôn (Vĩnh Long) về tỉnh Trà Vinh, hai bên đường là hàng ngàn héc ta lúa đông xuân đang giai đoạn khoảng 1 tháng tuổi. Ông Nguyễn Văn Dũng (64 tuổi, ấp Cây Điệp, xã Thiện Mỹ, H.Trà Ôn) đang phun thuốc trị bệnh trên cánh đồng lúa rộng 1,6 ha, cho biết hơn 44 năm nay, phun thuốc chính là công đoạn “ngán” nhất.

Chúng tôi cũng chỉ biết khuyến cáo người dân không xả rác độc hại ra môi trường mà chưa có quy định nào về xử phạt việc thải rác này ngoài cánh đồng

Ông Nguyễn Hoàng Chương, Chủ tịch UBND xã Đông Thành, TX.Bình Minh, Vĩnh Long
Trước đây trồng 1 vụ lúa, ít phải phun xịt thuốc. Bây giờ, một năm làm 3 vụ lúa, phải sử dụng phân bón và thuốc BVTV rất nhiều.
Theo ông Dũng, các vụ lúa sản xuất quanh năm nên thời gian đất nghỉ ngơi sau mỗi vụ lúa chỉ từ 10 - 15 ngày, sau đó nông dân lại bước vào vụ sản xuất mới.
Nếu không dùng phân, thuốc thì sâu bệnh phá hoại, lúa không thể phát triển tốt. Tính ra mỗi vụ lúa, ít nhất ông phải phun xịt 6 lần các loại thuốc diệt ốc bươu vàng, thuốc diệt mầm cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc trừ các loại bệnh trên lúa.
Sau mỗi lần phun xịt, ông gom vỏ chai thuốc đem về nhà để vào một góc. Một số loại có thể tái chế sẽ được bán cho những người mua phế liệu. Những thứ còn lại đem chôn. “Không phải ai cũng gom như tôi. Có nhiều nơi, người ta quăng đại các loại rác độc hại này xuống sông, rạch hay trên chính cánh đồng”, lão nông 64 tuổi trầm ngâm nói.

Sông rạch ô nhiễm khó kiểm soát

Nói về việc xử lý rác thải độc hại từ sản xuất nông nghiệp ở cấp địa phương, ông Nguyễn Hoàng Chương, Chủ tịch UBND xã Đông Thành, TX.Bình Minh, Vĩnh Long, cho biết xã có khoảng 1.400 ha đất trồng lúa và trái cây nhưng chỉ có 15 thùng chứa rác nguy hại từ các cánh đồng.
Đây là những thùng rác được tài trợ của các tổ chức xã hội để người dân bỏ rác trong quá trình sản xuất lúa. Sau mỗi 3 - 6 tháng, cơ quan chức năng sẽ tới gom và đưa đi tiêu hủy.
“Nhưng trên thực tế không phải ai cũng có ý thức bỏ rác vào thùng đã bố trí, nhất là trong đồng sâu, người dân bỏ rác đi đâu không thể biết được. Chúng tôi cũng chỉ biết khuyến cáo người dân không xả rác độc hại ra môi trường mà chưa có quy định nào về xử phạt việc thải rác này ngoài cánh đồng”, ông Chương nói.
Nông dân Hợp tác xã cây ăn trái Trường Khương A bỏ rác độc hại vào hố rác của chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”

Nông dân Hợp tác xã cây ăn trái Trường Khương A bỏ rác độc hại vào hố rác của chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường

Trước đó, từ năm 2013, Cục BVTV, Bộ NN-PTNT khởi xướng chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” thực hiện tại các tỉnh, thành phía nam. Qua đó hình thành 167 mô hình nông dân trồng các cây trồng chủ lực xuất khẩu như lúa, thanh long, bưởi da xanh, xoài, vú sữa, nhãn... bỏ rác độc hại đúng nơi quy định. Theo thống kê, trong 7 năm qua, chương trình đã vận động nông dân thu gom tiêu hủy được hơn 60 tấn bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng ngoài đồng ruộng. Con số trên còn rất hạn chế khi thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, hằng năm mỗi tỉnh, thành phố ở VN thải ra khoảng 50 - 100 tấn rác thải nguy hại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bình quân mỗi héc ta lúa/vụ, nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1 - 1,5 kg bao bì, chai lọ đựng thuốc; còn trồng hoa màu, cây công nghiệp thì việc sử dụng thuốc BVTV gấp 2 - 3 lần trồng lúa.
Điều đáng ngại hơn ở ĐBSCL là lượng rác nguy hại từ sản xuất nông nghiệp đang “đầu độc” môi trường, nhất là môi trường nước mặt ở các kênh rạch từ nội đồng ra đến sông lớn. TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết mỗi năm ĐBSCL sản xuất khoảng 25 triệu tấn lúa, nhưng đất đai, sông ngòi phải gánh 2 - 3 triệu tấn phân bón hóa học, khoảng 0,5 - 1 triệu tấn nông dược, bao gồm thuốc BVTV, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc tăng trưởng...
“Đáng ngại là dư lượng từ lượng phân bón và nông dược khổng lồ này ước lên tới 1,8% được thải ra môi trường. Đây là nguyên nhân chính khiến cho nguồn nước sông rạch bị ô nhiễm. Cùng với đó, hệ thống đê bao khép kín khắp nơi sẽ khiến cho hệ sinh thái như bị đóng lại, sông rạch cũng mất luôn khả năng tự làm sạch”, TS Ni nói và cho rằng, khi người dân không thể sử dụng nước mặt dẫn đến hệ lụy là họ chuyển sang sử dụng nước ngầm quá mức, kéo theo sụt lún ở đồng bằng nhanh hơn.
Các thùng gom rác nguy hại ở xa trong cánh đồng, vườn cây nên mỗi lần thu gom đưa đi xử lý, ô tô vận chuyển chuyên dụng không thể tiếp cận được hết những hố rác. Vì thế người dân phải vận chuyển rác nguy hại này bằng xe mô tô, nhiều khi phải chấp nhận ô nhiễm phát tán. Bản thân người dân cũng rất ngại vận chuyển như vậy nhưng không còn cách nào khác.
Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT TP.Cần Thơ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.