Người dân cần xem xét về pháp lý sản phẩm bất động sản khi giao dịch
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2021 tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động, đặc biệt là giá đất nền tăng nóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho thị trường bất động sản.
Thứ trưởng Sinh nhấn mạnh, trong thời gian qua, giao dịch bất động sản nhiều, cũng nổi lên các vấn đề: sản phẩm không đủ điều kiện pháp lý, nhiều giao dịch được thực hiện ở đất rừng, đất nông nghiệp… chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Đây là những giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bộ Xây dựng cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng nhà ở khi kinh doanh phải đảm bảo đồng bộ hạ tầng, đảm bảo tính pháp lý và kinh doanh đúng pháp luật.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng khuyến cáo người dân bình tĩnh, cẩn thận trước những thông tin được đồn thổi. “Người dân khi thực hiện các giao dịch bất động sản cần xem xét cẩn thận các hồ sơ pháp lý và chỉ giao dịch với các dự án pháp lý rõ ràng”, ông Sinh nhấn mạnh.
Sẽ có nhiều chính sách mới tác động đến bất động sản
Chia sẻ rõ hơn tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết bất động sản xây dựng là ngành cấp 1, có thể nói là tương đương với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp ở nước ta hiện nay. Đóng góp của xây dựng bất động sản trong GDP các năm gần đây khoảng 11%. Trong đó, bất động sản đóng góp khoảng 4,5% GDP và xây dựng khoảng gần 6%.
Như vậy, hoạt động bất động sản luôn luôn có một vai trò rất quan trọng. Doanh thu của bất động sản chiếm khoảng hơn 2% và lợi nhuận chiếm khoảng 7% của toàn bộ khu vực doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy tới 35 % ngành nghề lĩnh vực của nền kinh tế.
|
Cũng theo ông Khởi, giai đoạn 2021 - 2025 chắc chắn những chính sách, quyết sách mới sẽ có và những chính sách này sẽ tác động đến thị trường bất động sản, vấn đề là thời gian, thời điểm và mức độ tác động như thế nào.
“Từ nay đến cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ có một loạt những chính sách mới ban hành. Chúng tôi đang nghiên cứu sửa đổi trình Chính phủ vào quý 3 - 4/2021 để Chính phủ ban hành những quy định cụ thể hơn, nhằm hạn chế hoặc kiểm soát các hoạt động giao dịch của thị trường, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến đất nền, kinh doanh bất động sản. Tới đây, các doanh nghiệp hãy đóng góp ý kiến để chúng tôi có cơ sở báo cáo Chính phủ”, ông Khởi nói.
Đánh giá thị trường trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục gặp khó khăn như: do dịch bệnh, dù bất động sản không phải là ngành chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch nhưng sự kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đầu tư từ các thị trường khác tác động vào.
Thứ 2, các cơ chế về đất đai vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời, dù các hoạt động đầu tư liên quan đến xây dựng đã được tháo gỡ, nên các vấn đề về giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng rất khó khăn.
Thư 3, chính quyền ở nhiều địa phương là những chính quyền mới, đang có những triển khai thực hiện các chính sách mới tại địa phương, nên chưa có chính sách mạnh tác động đến thị trường.
Thứ 4, sự thay đổi của nền kinh tế trong nước và thế giới đã tác động đến thị trường bất động sản và có thể sẽ kéo dài ít nhất là đến hết 2022 mới có tác động lớn, góp phần cho thị trường phát triển thuận lợi.
Nhiều động lực mới mang lại lạc quan cho thị trường bất động sảnPhát biểu tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết thị trường bất động sản năm 2021 đang và sẽ tiếp tục nhận được nhiều xung lực phát triển mới từ một loạt nhân tố.
Cụ thể, sự điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh bất động sản, về cơ cấu cung - cầu và tăng cường áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm bất động sản.
Đặc biệt, việc kéo dài thời gian nộp thuế và giảm bớt gánh nặng các nghĩa vụ tài chính liên quan đến dịch Covid-19 đang được thực hiện cho cả năm 2020 - 2021 cũng giúp ngân hàng và doanh nghiệp có thêm nguồn lực giá rẻ cho hỗ trợ tài chính trong kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, năm 2021 đang là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. Lãi suất hạ luôn là xung lực tốt cho thị trường bất động sản do giúp giảm được chi phí vốn và điều kiện trả nợ, do đó các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà hay đầu tư.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, cả trên phạm vi quốc gia và địa phương đều đang chứng kiến nhiều động lực và quyết tâm triển khai các dạng đề án, dự án xây dựng hạ tầng cơ bản và phát triển bất động sản đa dạng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng và mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam và khả năng phục hồi kinh tế sẽ là những xung lực mạnh cho thị trường bất động sản phục hồi. Cùng với xuất khẩu tăng do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đã ký kết, hoạt động du lịch sẽ ấm dần và nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng dần được phép vào Việt Nam, bên cạnh đó là các chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô, chính sách tài chính được điều chỉnh linh hoạt… cũng sẽ góp phần thúc đẩy và tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản.
“Những động thái trên đây đã, đang và sẽ có sức chi phối, định vị dòng vốn chảy vào các phân khúc thị trường nêu trên và kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung, thổi làn gió mới vào thị trường bất động sản. Không những vậy, những vướng mắc liên quan đến pháp luật đất đai đã được phân tích và làm rõ tới 10 điểm trong luật Đầu tư mới. Đặc biệt, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đã liên tục có những chỉ đạo quyết liệt để hỗ trợ hơn nữa các nhà đầu tư, các nhà phát triển bất động sản”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết.
|
Bình luận (0)