Sinh kế vỉa hè Sài Gòn quay quắt trong dịch Covid-19

24/03/2020 14:41 GMT+7

Những gánh hàng rong; những chiếc xe chở rau quả, bánh mì , nước uống... len lỏi khắp ngõ ngách Sài Gòn đang quay quắt với dịch Covid-19 .

Vỉa hè ở TP.HCM, Hà Nội... là nơi sinh kế của nhiều người và cũng là nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam trong mắt du khách quốc tế. Thế nhưng dịch Covid-19 đang khiến hàng ngàn, hàng vạn người gắn bó với những vỉa hè, lòng phố lao đao. 

Giữa trời nắng, một tài xế GrabBike ngồi xổm dưới bóng râm xem điện thoại. Hỏi anh sao không vào quán cà phê đối diện ngồi cho mát. Anh lắc đầu bảo, anh thường ngồi quán cà phê vỉa hè của bà Tư nhưng nay bà Tư không dọn hàng nên anh ngồi tạm đây. "Cà phê đá của bà Tư chỉ 9.000 đồng/ly, ngồi có khách gọi, gởi lại lát về uống tiếp. Vô đó (chỉ tay vào quán cà phê trong chung cư H1, Hoàng Diệu, quận 4) ít nhất cũng phải 15.000 đồng mà đâu gởi lại được. Dạo này dịch bệnh, khách vắng, từ sáng giờ tôi mới chạy được một cuốc 22.000 đồng. Ngồi đây lát có khách chạy luôn". Gương mặt khắc khổ của anh xạm lại dưới cái nắng như đổ lửa của Sài Gòn những ngày cuối tháng 3

Bán cơm trưa chủ yếu cho nhân viên Siêu thị điện máy Chợ Lớn (chung cư H2, đường Hoàng Diệu, quận 4) nhưng dịch bệnh, nhân viên nghỉ quá nửa do siêu thị ế khách, một số sợ lây lan nên mang theo bữa trưa, quán cơm trên vỉa hè Vĩnh Khánh vào "giờ vàng" vẫn vắng hoe. "Dọn hàng thì ế quá, thu không đủ bù chi. Nhưng cả nhà trông hết vào cái hàng cơm này, không dọn thì biết lấy gì đổ vào nồi" - chị chủ quệt mồ hôi, giọng chán nản

Phố ẩm thực Vĩnh Khánh nổi tiếng với nhiều hàng quán, các món ăn đa dạng, phong phú, giá cả phải chăng nên thu hút một lượng lớn khách đủ mọi thành phần đổ về đây, đặc biệt vào dịp cuối tuần. Thế nhưng dịch bệnh đã cuốn phăng không khí náo nhiệt bao năm nay. Quán hàng vẫn mở nhưng khách vắng hẳn. Nhiều chủ quán cầm cự không nổi, treo biển sang nhượng. 

Quán này mở cuối năm 2019, đón đầu đường Vĩnh Khánh được phê duyệt là phố ẩm thực. Thế nhưng từ lúc mở ra đến nay, quán luôn vắng. Nổi tiếng với ẩm thực vỉa hè, những quán "sang" hơn chút thế này trở nên lạc lõng với không khí của phố ẩm thực Vĩnh Khánh. Cộng thêm dịch Covid-19 càn quét, quán chính thức treo biển sang nhượng

Đường đi bộ Nguyễn Huệ, tụ điểm gặp nhau của người dân thành phố, khách du lịch và cũng là nơi sinh kế của nhiều người. Thế nhưng ế ẩm là tình trạng chung từ trong khách sạn ra tới vỉa hè. Không có khách, chị bán hàng ngồi bó gối trên chiếc trụ bê tông, cách giỏ hàng tới vài mét. Chẳng bù trước đây phố đông, người nhiều... bán hàng luôn chân, luôn tay vẫn không kịp. Buổi tối tình hình cũng không khá hơn. Đến 20 giờ, nhiều gánh hàng rong ở đây vẫn chưa mở hàng. Cũng như tất cả những người sinh kế trên vỉa hè, bán ế nhưng họ không thể nghỉ vì đây là nguồn thu duy nhất của cả gia đình

Có "thâm niên" 17 năm gắn liền với xe cà phê ở vỉa hè quận 3, chị Thanh nói chưa bao giờ ế như thời gian này. "Sáng nay nhóm khách quen bên công ty địa ốc và thẩm mỹ viện B.N sang chào về quê hết rồi. Công ty cho thôi việc, tiền đâu thuê nhà mà nán lại, dịch bệnh thì không biết đến bao giờ mới hết.  Bán thêm vài bữa hết tuần này có khi tôi cũng tạm ngưng một thời gian chứ ế lắm" - chị Thanh thở dài nói. Chia tay chồng, một mình nuôi 2 người con, xe cà phê không chỉ giúp chị Thanh có thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày mà cũng là nơi mang lại cho chị  niềm vui, nỗi buồn từ chính những khách hàng của mình. Đó là lý do chị cứ "nán" lại chưa nghỉ dù cũng lo lây bệnh. "Con trai lớn tôi đi làm rồi, có thể phụ giúp mẹ một phần chi phí sinh hoạt hằng ngày nên tạm nghỉ một thời gian cũng không sao. Nhưng bán gần 20 năm quen rồi, ở nhà không làm gì buồn lắm" - chị Thanh chia sẻ và cười tươi khi tôi giơ máy chụp dù suốt thời gian ngồi nói chuyện với tôi, quán chị không có thêm khách nào

"Cứ dọn thôi, người Sài Gòn quen rồi, không ở nhà được đâu" - người đàn ông này nói dù giọng không tự tin lắm. Bán nước đối diện công viên bên hông kênh Tàu Hũ (Bến Nghé, quận 1) nơi còn khá nhiều người buổi chiều ra tập thể dục, dạo mát nhưng hơn 18 giờ tối, ông vẫn không có tiền thối vì "chưa mở hàng"

15 giờ 30, mẹt bánh Huế này vẫn chưa bán được đồng nào. Ngồi tránh nắng sau lưng trụ điện trên đường Pasteur (quận 1), đối diện với Saigon Square vốn nổi tiếng với các món ăn vặt vỉa hè, 2 người bán hàng thay phiên nhau hết ngồi lại nằm bệt xuống tấm bìa carton trải kế bên. Thỉnh thoảng, người đàn ông bán đối diện lại chạy sang tán gẫu vài câu, khuôn mặt ai cũng nhầu nhĩ, mệt mỏi

"Họ về quê rồi. Từ hồi dịch tới giờ ế quá, trật tự đô thị cũng làm căng nên họ về hết" - chị bán gỏi cuốn ở kế Saigon Square (quận 1) trả lời khi tôi hỏi thăm những người bán hàng rong ở khu vực này. "Người Bắc, lấy chồng Bến Tre, vào Sài Gòn "lập nghiệp" đã hơn 20 năm bằng nghề bán hàng rong, thuê nhà ở quận 4" - chị giới thiệu gọn lỏn và kiên quyết không cho biết tên. Hỏi chị không sợ trật tự đô thị, không sợ dịch hay sao mà vẫn bán hàng, chị nói ráo hoảnh : "Sợ chứ, nhưng không bán thì lấy gì trả tiền nhà?"

Hôm nay o Thủy (người Quảng Bình) đã chạy miệt mài khắp Sài Gòn từ sáng nhưng tới 4 giờ chiều lượng trái cây trong sọt phía sau vẫn còn phân nửa. Nắng, mệt, o Thủy gạt chống dựng xe chơ vơ bên lề đường, đứng thở. "Trước, ngày bán hơn tạ còn giờ chỉ vài chục ký thôi, ế lắm"- o than. Mới trở lại Sài Gòn hơn chục ngày nay, o Thủy bảo "không biết nó (dịch) nặng thế này chứ không o đã ở quê rồi". Thuê nhà ở Thủ Đức "cho nó rẻ" nhưng mấy người ở cùng, người thì đã về quê vì ế quá, người từ sau tết chưa vào nên o Thủy phải gánh tiền nhà nặng hơn. "O không sợ dịch hả, hay về quê một thời gian đi rồi vô chứ o chạy thế này dễ lây bệnh thì chết". "Cứ cẩn thận là được" - o Thủy kéo khẩu trang trả lời rồi lại đạp máy chiếc xe đã cũ kĩ, phóng đi

Ảnh: M.K

Những gánh hàng hoa đã đi vào thơ ca và ký ức của bao người Hà Nội xưa; những đôi vai tần tảo gánh trái cây, bánh tráng trộn, bún bò, nem cuốn... mang theo khát vọng thoát nghèo của các bà mẹ, ông bố từ nhiều tỉnh, thành len lỏi khắp Sài Gòn; những tiếng rao đêm đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân đô thị... Có đôi khi chúng ta bực dọc vì vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng nhưng vắng họ, thành phố thiếu sinh khí và buồn hẳn. 
Vỉa hè phải trả lại cho người đi bộ nhưng dịch Covid- 19 cũng cho thấy, sự đóng góp không nhỏ của những gánh hàng rong vào nét văn hóa đặc trưng của TPHCM, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Không ít thành phố ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp... vẫn dành một phần vỉa hè cho cà phê, kem, bánh....Quan trọng là quy hoạch và quản lý phần vỉa hè dành cho kinh doanh nhỏ như thế nào để đáp ứng nhu cầu trong xã hội cũng như giữ nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam mà thôi. 
Biết bao người Sài Gòn lúc này thấy nhớ lắm những gánh hàng rong, chiếc xe đẩy, tiếng rao đêm...quen thuộc giờ vắng bóng...? 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.