“Thành phố phía Đông” cần cơ chế đặc thù

Đình Sơn
Đình Sơn
03/04/2020 06:27 GMT+7

Đề án thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức mà TP.HCM đang xây dựng gây xôn xao dư luận vì chưa có tiền lệ.

Sáp nhập 3 quận theo mô hình chính quyền đô thị

Theo định hướng của TP.HCM, TP phía Đông dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu Công nghệ cao (Q.9), ĐH Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2). Ngoài ra, khu Đông còn có các khu công nghiệp và khu chế xuất gồm Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu.

Nếu thành lập, thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM sẽ như thế nào?

Còn đề án tư vấn từ Công ty Sasaki Associates, Inc., (Mỹ) đã được UBND TP.HCM trao giải nhất về ý tưởng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo phía Đông lại đề xuất trọng điểm của khu đô thị này sẽ bao gồm 6 trung tâm quan trọng gồm trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm; Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc (hình thành khu sản xuất đồ thể thao, các trung tâm sáng tạo, chăm sóc sức khỏe và kiến tạo một không gian rộng lớn xung quanh sân vận động); Trung tâm công nghệ cao Sài Gòn; Trung tâm công nghệ giáo dục; Khu công nghệ sinh thái Tam Đa (nơi tập trung nhất về mảng công nghệ sinh thái, mang đến nhiều cơ hội sáng tạo và thực hành); Khu đô thị tương lai Trường Thọ (cải tạo từ khu cảng hiện hữu với hệ thống không gian mở có nhiều chức năng đa dạng. Tại đây cũng sử dụng vành đai giao thông khép kín để kết nối các khu vực khác nhau, dễ tiếp cận, ưu tiên người đi bộ). Với 6 trung tâm đó, TP phía Đông sẽ trở thành nền kinh tế tri thức, công nghệ cao.
Theo đề xuất của Công ty Sasaki Associates, Inc., 3 quận trên cần được tổ chức thống nhất thành một cơ quan hành chính duy nhất, theo mô hình chính quyền đô thị để điều phối phát triển. Từ đề xuất này, TP đang xin cơ chế đặc khu kinh tế để thu hút đầu tư và nhân tài cho TP phía Đông.

Sẽ tốn nhiều tiền và thời gian

Đa số chuyên gia đều cho rằng đề xuất của TP.HCM là hết sức bình thường, dựa trên cơ sở nghiên cứu và xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nhưng thẩm quyền quyết định thuộc về Quốc hội. Vì vậy, khi TP.HCM có nhu cầu thì có thể làm đề án và đề xuất, còn duyệt hay không, duyệt như thế nào sẽ thuộc thẩm quyền của Quốc hội. "Khó khăn lớn nhất của việc thành lập TP phía Đông hiện nay chính là rào cản về luật pháp và thể chế bởi luật pháp chưa có quy định về vấn đề này. Do đó, để phát triển TP phía Đông, TP.HCM cần có một cơ chế đặc thù để linh hoạt vận hành và tận dụng hiệu quả nguồn lực. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ TP phải thành lập một cơ quan quản lý đề án này như các ban quản lý hiện nay là Ban quản lý khu Tây Bắc, khu Nam Sài Gòn... để giúp lãnh đạo TP xúc tiến các thủ tục, kêu gọi đầu tư...”, một chuyên gia quy hoạch nhận định.
Ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, người có nhiều năm làm công tác quy hoạch cho TP, cũng thừa nhận việc thành lập TP phía Đông là chưa có tiền lệ về chính trị và hành chính. Nhưng về mặt đô thị thì đây là một ý tưởng hay, nếu làm đúng như đơn vị tư vấn có thể sẽ thành hiện thực. Tuy nhiên, cũng như khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP sẽ tốn nhiều tiền và thời gian. Ông Nam cũng nói thêm rằng 3 quận hiện nay dự tính sáp nhập lại gồm quận 2, 9, Thủ Đức tiền thân là huyện Thủ Đức cũ. Trước đây, khi phát triển, UBND TP đã tách Q.Thủ Đức ra để dễ quản lý và phát triển mỗi quận theo một số chức năng, định hướng riêng. Hiện nay TP nhìn thấy địa thế thuận lợi của phía Đông là vùng có thể xây dựng đô thị mới tốt nhất vì có nhiều cơ sở để hình thành, nhất là hệ thống hạ tầng nên lại "khắc nhập". Nhưng muốn làm được điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ý tưởng thiết kế phải tốt, đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo TP và đặc biệt là phải thu hút được các nhà đầu tư tham gia.
KTS-TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng quy hoạch phát triển khu Đông TP.HCM thành một TP hiện đại với các chức năng mới như đô thị sáng tạo xung quanh khu công nghệ cao, đô thị khoa học xung quanh ĐH Quốc gia, khu vực tài chính xung quanh Thủ Thiêm, khu văn hóa mới, thể thao mới… đã có từ lâu, nên bây giờ muốn phát triển hơn nữa thì phải có kế hoạch cụ thể hóa ra và phải có sự điều chỉnh lại cho phù hợp. Theo ông Cương, khu vực phía Đông của TP.HCM có tiềm năng rất lớn, có điều kiện cần để lập TP. Nhưng muốn đủ phải xây dựng được chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển cho cả khu vực này trước, giải quyết trước bài toán về quy hoạch, giao thông sau đó sẽ thành lập bộ máy để lo từ vấn đề quy hoạch tới các nguồn tài chính, tổ chức đầu tư, thực hiện...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.