'Thủ phủ' du lịch... đi ngủ sớm

09/09/2019 06:17 GMT+7

Trong khi Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu kinh tế đêm thì tại nhiều điểm đến được coi là thủ phủ du lịch hiện nay lại rơi vào tình trạng đi ngủ sớm.

“Ép” khách đi ngủ sớm

Alexandra Meyer (người Đức) cho biết mình là một trong những khách du lịch châu Âu may mắn được xem lễ hội Lân sư rồng quốc tế Đà Nẵng 2019 vừa được tổ chức vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 này tại công viên Sun World Danang Wonders. Alex (tên gọi thân mật của Alexandra Meyer) hào hứng kể đó là trò chơi mạo hiểm, thú vị nhưng vẫn đậm sắc màu văn hóa lễ hội châu Á và tỏ ra hơi ngạc nhiên vì lần đầu tiên thấy lễ hội lân rồng được tổ chức tại VN chứ không phải quốc gia được coi là cái nôi của của lễ hội truyền thống này như Trung Quốc, Singapore hay Malaysia.
12 năm, 8 lần tới Đà Nẵng, Alex nhận xét: “TP của những cây cầu” tạo ấn tượng bởi vừa hiện đại trẻ trung, vừa có nét truyền thống nhẹ nhàng. Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất là “mọi người đi ngủ quá sớm”. “Dịch vụ ở đây vẫn còn nặng tính hành chính và đôi khi tôi cảm thấy khó chịu khi ra khỏi phòng khách sạn tầm 10 giờ tối là không biết đi đâu ngoài… dạo bộ. Có một số quán bar nhưng hình như không dành cho khách du lịch, nó hợp với người giàu hoặc khách địa phương hơn”, Alex bình luận. Ngay khu phố Tây ở An Thượng, Alex cũng “chê” chỉ có vài quán bia mở muộn do nó nằm trong khu dân cư nên cũng vắng vẻ sớm.
Bà Hồ T.Minh, từng làm giám đốc một công ty du lịch hạng trung tại Đà Nẵng, thừa nhận các điểm vui chơi giải trí của Đà Nẵng rời rạc và không được quy tụ một cách chuyên nghiệp. Kể câu chuyện dẫn khách châu Âu đi trải nghiệm chợ đêm Đà Nẵng, bà Minh nhận xét, chợ đêm ở Sơn Trà hơi xa trung tâm, mà đến 6 giờ chiều mới bắt đầu hoạt động, loay hoay đến 11 giờ đêm là vắng hoe, hàng quán đóng cửa hết. Chưa kể hàng hóa nghèo nàn và chủ yếu là hàng Trung Quốc, hàng nhái rẻ tiền.
“Nếu so sánh các thành phố lớn trong khu vực thì Đà Nẵng nổi trội bởi vẫn giữ được các mô hình giải trí đậm chất văn hóa như các lễ hội bắn pháo hoa, đua thuyền và lân rồng mới đây. Nhưng cách tổ chức vui chơi về đêm của thành phố này có vẻ còn lúng túng. Cách quản lý dịch vụ còn mang nặng tính chất hành chính, bắt nhà hàng, quán bar, điểm vui chơi đóng cửa sớm, đồng nghĩa với việc “ép” khách về ngủ sớm”, bà Minh nhận định.

Nguồn lợi khổng lồ bị bỏ phí

Không riêng Đà Nẵng, các điểm đến thu hút khách du lịch hiện nay cũng tương tự. Chị T.Sen, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội, kể chị và nhóm bạn đại học năm nào cũng cố gắng làm một tour ngắn ngày để xả stress. Những điểm đến có biển như Phú Quốc, Côn Đảo, Nha Trang... là lựa chọn hàng đầu. "Năm rồi đi Côn Đảo. Tắm biển, ăn nhậu chán chê, cả nhóm đi hát. Nhưng đúng 12 giờ là nhân viên vào đuổi về vì đến giờ đóng cửa. Muốn tiêu tiền cũng không được. Năm nay bọn này định bay qua Thái hay Singapore cho thoải mái", chị Sen kể. Đó cũng là nỗi ấm ức của rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đi chơi đêm tại các thành phố du lịch ở VN.
Bắt đầu từ ngày 1.9 này theo quy định mới, vũ trường được kéo dài thời gian hoạt động đến 2 giờ sáng thay vì 0 giờ như hiện hành. Quán karaoke thì vẫn dừng hoạt động từ 0 giờ. Trong khi VN còn rụt rè, hạn chế thì mới đây, chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm bằng việc khuyến khích các hoạt động dịch vụ, kinh doanh sẽ được trợ cấp từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Đây là chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng thấp do ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Là người có gần 30 năm hoạt động trong ngành du lịch, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel, hầu hết các địa phương chỉ tập trung phát triển các sản phẩm
du lịch trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nhưng những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ. Thực tế ở nhiều nước cho thấy, các dịch vụ ban đêm đang là cỗ máy đẻ ra tiền cho ngành du lịch. Đơn cử, kinh tế đêm mang lại cho Úc hàng trăm tỉ USD mỗi năm, đóng góp 6% GDP cho Vương quốc Anh. Tại Nhật, cỗ máy mang tên kinh tế đêm mang lại một con số khổng lồ, tới 400 tỉ USD vào năm sau, 2020.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vietcircle, nhận định: Đà Nẵng hiện còn quỹ đất lớn, nên quy hoạch một khu vực riêng gồm có nhiều dịch về đêm đáp ứng nhu cầu của du khách về ăn uống, vui chơi, giải trí và tổ chức dịch vụ đưa đón từ các khách sạn đến đó.
Chỉ cần chính quyền chủ trương quy hoạch tự các nhà đầu tư sẽ đến. Nhiệm vụ chính của Đà Nẵng không còn là thu hút mà làm sao để khách ngủ lại lâu hơn, có điểm chi tiêu nhiều hơn vào ban đêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.