Ngày 4.1, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã di chuyển thực nghiệm trên toàn tuyến dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km từ nút giao cuối tuyến (H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) về đến nút giao đầu tuyến (điểm kết nối vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương) và dự lễ cắt băng thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
|
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là lần thứ 4 ông trực tiếp đến công trường Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để kiểm tra, thúc đẩy tiến độ và động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân đang trực tiếp thi công tại công trường.
“Tất cả những cá nhân, tổ chức có vai trò trong dự án này đều làm rất tốt công việc của mình cho đến thời điểm này. Trong đó, tôi biểu dương lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh Tiền Giang vì đã làm rất tốt vai trò cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thay cho Bộ GT-VT; lãnh đạo nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả do ông Hồ Minh Hoàng làm chủ tịch hội đồng quản trị… vì đã vượt qua khó khăn rất lớn sau khi có sự thay đổi về chính sách, pháp luật về đầu tư, hạn mặn, mưa lũ kéo dài và ảnh hưởng bởi Covid-19, vật liệu khan hiếm trong điều kiện thi công trên nền đất yếu, toàn tuyến có rất nhiều cầu. Các vị đã cùng nhau thực hiện đúng cam kết thông tuyến vào năm 2020 với tôi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
|
Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương sự đồng thuận của hơn 3.200 hộ dân vùng dự án. “Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang nói với tôi rằng không có hộ dân nào khiếu nại, khiếu kiện đến Trung ương và sẵn sàng nhận bồi thường, di dời đến nơi ở khác để dự án thi công kịp tiến độ cũng là đóng góp quan trọng cho chủ trương chung về phát triển toàn diện khu vực ĐBSCL trong thời gian tới. Hành động đó của người dân vùng dự án là đáng trân trọng. Vì vậy, tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cần hết sức quan tâm về công tác tái định cư và sinh kế cho những hộ dân này”, Thủ tướng lưu ý.
Theo Thủ tướng, khối lượng công việc còn lại của dự án là rất lớn, vì vậy yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền… cần tiếp tục quyết liệt thực hiện nhiệm vụ để dự án được đưa vào sử dụng trong năm 2021 như lộ trình đã định.
|
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công tháng 11.2009, sau gần 10 năm đình trệ, tiến độ chỉ đạt 10% khối lượng, đến tháng 3.2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được chuyển từ Bộ GT-VT sang UBND tỉnh Tiền Giang. Sau hơn một năm rưỡi tái khởi động (vào tháng 4.2019), với sự nỗ lực vượt khó của hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân ngày đêm bám sát và miệt mài thi công công trình bằng tinh thần “ba xuyên” là “xuyên đêm”; “xuyên lễ, tết”; “xuyên dịch Covid-19”, đến nay nhà đầu tư đã hoàn thành lời cam kết theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là phải thông tuyến dự án trước 31.12.2020.
Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài 51 km nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tổng vốn dự án được điều chỉnh lần cuối là 12.668 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 2.186 tỉ đồng. Dự án đã đạt 75% khối lượng, sẽ hoàn thành trong năm 2021.
Bình luận