TP.HCM 'bỏ quên' người đi bộ?

11/12/2019 12:02 GMT+7

Liên tục vận động người dân đi bộ, sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhưng thực tế, từ hạ tầng giao thông đến hệ thống đèn tín hiệu tại TP.HCM đều đang "cản bước" người đi bộ.

Ùn tắc tăng theo chiều thẳng đứng, ngành giao thông TP.HCM đang tìm mọi cách để vận động người dân sử dụng xe buýt, hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, số lượng người sử dụng xe buýt không những không tăng mà còn đang giảm dần. 
Nhiều ý kiến cho rằng người dân TP ngày càng "lười" đi bộ dù đôi khi nhà chỉ cách trạm xe buýt vài trăm mét. Thực tế, người dân TP.HCM muốn đi bộ cũng khó vì hẻm thì có nơi không có vỉa hè, đường có vỉa hè thì bị lấn chiếm, ra đường thì luôn bị các phương tiện khác "chèn ép", chưa kể thời tiết nắng mưa thất thường...
Đặc biệt, hệ thống đèn giao thông hiện hữu tại TP.HCM gây nhiều bất lợi cho người đi bộ. Việc cho phép phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ, hai làn xe đối nhau được phép rẽ trái khi cùng đèn xanh khiến dù trong khung thời gian được phép nhưng người đi bộ vẫn bị xung đột với các phương tiện khác tham gia giao thông. Điều này vừa gây mất an toàn cho người đi bộ, vừa tăng khả năng ùn tắc giao thông tại các giao điểm.

Đèn xanh cho người đi bộ nhưng phương tiện ở đường song song vẫn được phép di chuyển

Người đi bộ gần như không có thời gian sang đường an toàn tại các điểm giao cắt

Vừa được chúng tôi dẫn qua giao lộ Cách Mạng Tháng 8 - Sương Nguyệt Anh (Q.1, TP.HCM), một du khách đến từ Hàn Quốc thở phào: “Hình như vạch kẻ đường và đèn tín hiệu ở đây chỉ vẽ để trang trí. Đèn xanh rồi mà xe cộ vẫn liên tục lưu thông, tôi chờ mãi vẫn không thể nào đi sang được đường bên kia”

Ở những giao lộ có đèn tín hiệu đã khó, những đoạn không có đèn giao thông, người đi bộ muốn qua đường lại càng nguy hiểm. Cho dù đi đúng ở phần đường có vạch sơn dành cho mình, nhưng phần lớn người chạy xe cơ giới đều không có ý thức nhường đường cho người đi bộ.

Luật Giao thông đường bộ quy định tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn

Nhưng thực tế không như vậy...

Anh Nguyễn Thanh Hiếu (một Việt kiều đã ở Đức 5 năm, hiện sinh sống tại TP.HCM) nhận xét ở TP.HCM, ra đường bằng phương tiện gì cũng sợ, mà sợ nhất là đi bộ. Không ai nhường đường cho người đi bộ. Trong khi đó, ở Đức hay các nước phát triển, chỉ cần gây khiếp sợ cho người đi bộ như làm họ hoảng hốt, vội vã lùi về vỉa hè là người đi xe cơ giới có thể bị phạt thông qua hình ảnh do hệ thống camera ghi lại. 
"Nhìn người nước ngoài sang Việt Nam đi bộ qua đường thấy mà... thương. Ở nước ngoài đèn đỏ 1 cái là tất cả các phương tiện không nhích thêm chút nào. Người đi bộ thấy đèn chuyển xanh là tự động qua đường. Trong khi qua tới Việt Nam, thò được một chân ra lại có xe lao tới cái vèo, phải thụt chân về. Có những du khách đứng tại ngã tư qua gần chục lượt đèn đỏ vẫn chưa qua được đường, phải chờ xem có người bản địa nào không để đi ké. Bảo sao giao thông lại là nỗi ám ảnh lớn nhất của du khách khi tới TP.HCM" - anh Hiếu thở dài.

Hốt hoảng khi qua đường dù đèn tín hiệu đã chuyển màu xanh

Nhiều người dân phản ánh, tại giao lộ Phạm Văn Đồng - QL13 (dưới cầu vượt), một nút giao thông lớn mà không hề có vạch cho người đi bộ, muốn sang bên kia đường, người dân không biết phải đi thế nào.
Không chỉ bố trí hạ tầng, hệ thống đèn tín hiệu bất hợp lý, tại TP.HCM, hình ảnh người đi bộ "nhường" vỉa hè cho xe máy có thể dễ dàng bắt gặp tại bất kỳ tuyến đường nào.

Xe máy chiếm dụng vỉa hè làm chỗ đậu

Xe máy leo lên lề, chèn đường của người đi bộ là hình ảnh thường xuyên bắt gặp tại bất cứ tuyến đường nào, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm

Ở TP.HCM, chỗ đâu cho người đi bộ?

H.Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.