Dẫn số liệu được chia sẻ từ Sở LĐ-TB-XH, HUBA cho biết, tổng số tiền đã chi theo gói hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 09 của HĐND TP đến ngày 18.7 là 387.821.390.000 đồng cho 5 đối tượng.
Trong đó, riêng hộ kinh doanh cá thể đã giải quyết hỗ trợ cho 4.434 hộ trên tổng số 29.571 hộ kinh doanh toàn thành phố, đạt 15%. Nhóm tiểu thương, buôn bán tại chợ đã hỗ trợ 4.363 hộ trên tổng số 25.604 điểm sạp, đạt 17%.
Nhóm thứ 3 là những người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhóm này theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM chỉ mới hỗ trợ được 47 trường hợp trên tổng 18.981 người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đợt này, đạt 0,25%.
Nhóm kế theo là những người tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc, nghỉ không lương, nhận hỗ trợ là 10.132 trong số 55.948 người, chỉ đạt 18,1%.
Tuy nhiên, nhóm người lao động tự do bị mất việc làm đã giải quyết hỗ trợ được 235.932 người trên tổng số 237.454 người, đạt tỷ lệ rất cao, đến 99,36%.
Theo HUBA, nhóm lao động bị chấm dứt hợp đồng và hoãn hợp đồng nghỉ việc tại doanh nghiệp rất lớn, nhưng số tiếp cận nhận gói hỗ trợ thấp nhất, thế nên cần sớm có giải pháp để phối hợp giữa doanh nghiệp và Sở LĐ-TB-XH để giải quyết cho đối tượng người lao động bị ngừng nghỉ việc. HUBA kiến nghị nên giao cho doanh nghiệp thực hiện và quyết toán lại sau sẽ hiệu quả hơn. Việc chậm nhận trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động ngay trong mùa dịch này khiến họ càng khó khăn gấp bội.
Ngoài ra, khảo sát 100 doanh nghiệp về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm 2021. HUBA cho hay, các doanh nghiệp đều đưa một số thông tin khá tích cực: Đó là số đơn hàng xuất khẩu tăng, chuỗi cung ứng trong nước được củng cố. Tuy nhiên đợt dịch thứ 4 đang tạo “cú sốc” lớn cho doanh nghiệp. Khảo sát cho thấy, 42% doanh nghiệp cho là đang thiếu vốn kinh doanh, 54% khó khăn về tiếp cận thị trường, 62% khó khăn do phải thực hiện các biện pháp chống dịch, đến 86% cho biết đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch bệnh Covid-19 do phải cách ly, giãn cách xã hội, 23% khó khăn về thủ tục hành chính, 18% khó khăn về lao động, 13% khó về nguồn nguyên liệu. Về mặt tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, 45% doanh nghiệp thỏa mãn điều kiện để hưởng chính sách, 19% yêu cầu hỗ trợ thủ tục hành chính, 20% thiếu thông tin, quy trình thủ tục hướng dẫn…
Trong thông tin của mình, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho hay, đến nay, chưa có thông tin về việc doanh nghiệp được vay để trả lương cho người lao động bị ngừng nghỉ việc theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Nghị quyết 09 ban hành ngày 25.6.2021 của HĐND TP.HCM về một số chế độ, chính sách đặc thủ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM:
Chính sách hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại TP.HCM) chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1.5 - 31.12.2021; có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (trừ các trường hợp người lao động không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn liên quan) thì được hỗ trợ 1 lần 1,8 triệu đồng/người. Riêng đối với người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha, hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng.
|
Bình luận (0)