Trị bệnh 'lệch pha' của du lịch

05/09/2019 16:44 GMT+7

Nguyên nhân và giải pháp cho "bệnh" na ná sản phẩm du lịch ĐBSCL đã được chỉ ra tại Hội nghị lãnh đạo TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL diễn ra sáng nay (5.9).

Điều chỉnh lại tuyến sản phẩm

Sản phẩm du lịch na ná nhau tiếp tục là chủ đề thu hút sự tham gia phân tích, phản biện của lãnh đạo các tỉnh, thành cũng như các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trong phiên hôm nay.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel nhận định theo quy hoạch, hiện nay sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL phân chia theo hướng đông và tây, lấy sông Hậu làm chính. Điều này dẫn đến tình trạng chia cắt tài nguyên, không có sự kết nối các tỉnh. Hầu hết các địa phương đều chỉ tận dụng thế mạnh sông nước, xây dựng sản phẩm na ná nhau và chỉ khúc nổi cao nhất đoạn sông Hậu được hưởng lợi, phía tây lép vế so với phía đông. Cuối cùng, hình thành nên bệnh "nhái" sản phẩm giữa các địa phương. Thế mạnh mỗi địa phương không được phát huy trong chuỗi sản phẩm chung.
Đặt TP.HCM là thị trường nguồn, trong mối quan hệ liên kết ông Kỳ cho rằng cần điều chỉnh lại tuyến sản phẩm theo hướng bắc - nam và 1 trục chính.
Cụ thể, trục hướng chính tâm đi từ TP.HCM xuống Mỹ Tho, Long An, Tiền Giang, xuống Cần Thơ, xuống thẳng đến Rạch Giá. Đây là tuyến đã hoàn thiện nhất về giao thông gồm đường bộ và hàng không (cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cần Thơ), có lợi thế sản phẩm du lịch miệt vườn, cây ăn trái. Hai tuyến hành lang gồm cánh bắc là từ TP.HCM đi đến Long An, rẽ xuống Cao Lãnh, Đồng Tháp, đi xuống Long Xuyên, An Giang, Châu Đốc và kết thúc điểm cuối tại Hà Tiên. Trục này có những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng tại từng tỉnh, thế mạnh là giáp biên giới Campuchia, có thể phát triển du lịch biên mậu.
Cánh phía nam, vùng duyên hải từ TP.HCM đi xuống Mỹ Tho rẽ sang Bến Tre đi Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng tới Cà Mau, có những sản phẩm toàn bộ trục bắc và trung tâm không có đó là biển. Hướng phía nam này chỉ cần thúc đẩy hoàn thiện cầu Đại Ngãi là có thể tiếp cận giao thông tốt.
"Phân chia theo hướng dọc như vậy từ điểm đầu đến điểm cuối, trên cùng một trục đường thì mỗi tỉnh đều có thể phát huy thế mạnh riêng, không trùng lắp cũng không cạnh tranh. Bên cạnh 3 trục dọc, có thể kết nối giữa các trục ngang đông - tây bằng hệ thống sông ngòi chằng chịt, phát triển giao thông thủy, tạo nên mạng lưới kết nối nội vùng bằng hình xương cá. Đây mới thật sự là liên kết và trung tâm TP.HCM có thể tiếp cận sản phẩm các tỉnh một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.

Giang Vũ

Lập Hội đồng vùng để phát triển du lịch

Chia sẻ bên lề Hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết : Liên kết TP.HCM với 13 tỉnh, thành ĐBSCL sẽ thúc đẩy kinh tế xã hội, đặc biệt là du lịch vì điểm chung đều là thành phố sông nước, phù hợp điều kiện phát triển du lịch. Sản phẩm du lịch của 13 tỉnh còn lại phong phú đa dạng, hấp dẫn nhưng thiếu khách. TP có khách nhưng lại không đủ sản phẩm khiến cả 3 tiêu chí phát triển du lịch như lượng khách tới, mức độ chi tiêu, thời gian lưu trú còn rất thấp so với các nước có nền du lịch phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Nếu có thể liên kết với nhau, hình thành từng tour cụ thể đưa khách từ TP.HCM tới các tỉnh tham quan, trải nghiệm rồi quay trở lại TP.HCM sẽ giúp kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu du khách và kích thích du lịch ĐBSCL phát triển.
"Do đó, phải thành lập 1 Hội đồng vùng để thống nhất các công việc đặt ra từng năm. Mỗi bên, theo điều kiện khả năng của mình sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng, doanh nghiệp để xây dựng sản phẩm, đề ra đường hướng, đi tới hành động cụ thể. Tuy nhiên, không nên cầu toàn, nghĩ rằng cứ có Hội đồng, có liên kết là tất cả các địa phương sẽ cùng nhau phát triển đồng bộ. Điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hạ tầng du lịch ở các địa phương khác nhau nên chắc chắn sự phát triển cũng sẽ khác nhau trong giai đoạn đầu" - ông Trần Vĩnh Tuyến lưu ý.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh sáng kiến của TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong tổ chức diễn đàn kết nối du lịch. Để làm du lịch phát triển cần sự đồng bộ của các ngành, các cấp từ quảng bá, xúc tiến trong nước và quốc tế, đến thủ tục xuất nhập cảnh, hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực... Ngoài ra, cũng cần kết hợp chặt chẽ phát huy di sản văn hóa, con người... để có sản phẩm du lịch riêng.
"Nên nghiên cứu xây dựng thương hiệu chung, quảng bá và thu hút du khách tới vùng trước rồi mới đến từng địa phương. Đây là liên kết, kết nối cần thiết như trước đây ngành du lịch đã xây dựng thương hiệu điểm đến Việt Nam. Cần thiết xây dựng Hội đồng điều phối du lịch vùng ĐBSCL và TP.HCM. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ sát cánh cùng Hội đồng giải quyết những khó khăn và thúc đẩy phát triển du lịch. Những vấn đề kiến nghị thuộc thẩm quyền của nhà nước, liên quan trực tiếp các ngành du lịch và lĩnh vực khác sẽ được Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch, Chính phủ ghi nhận, giải quyết" - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.