Vào EU, gạo Việt bán giá cao nhất trong lịch sử

Nguyên Nga
Nguyên Nga
05/09/2020 06:39 GMT+7

Sau một tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, gạo, thủy sản tăng đơn hàng vào EU.

Theo Bộ Công thương, sau một tháng (1 - 31.8.2020) Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU.
Đây là tín hiệu cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp (DN) cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu Việt Nam.

Gạo, thủy sản tăng đơn hàng vào EU

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan… Trong đó, số liệu cho thấy, riêng lượng đơn hàng xuất khẩu thủy sản sang EU tháng 8 tăng 10% so với tháng 7 và tập trung phần lớn mặt hàng tôm và mực. Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước thông tin, hơn 3.000 tấn tôm và các sản phẩm từ tôm của DN này xuất qua EU với trị giá 31 triệu USD. Theo đại diện công ty, về giá trị và kim ngạch xuất khẩu của DN so cùng kỳ năm ngoái sang EU đều tăng từ 6 - 8%. Các hợp đồng xuất khẩu thủy sản vào EU dự kiến tăng và tăng 20% vào cuối năm nay nhờ vào EVFTA.
Ngoài thủy sản, câu chuyện gạo Việt Nam xuất đi EU, lần đầu tiên được bán giá trên 1.000 USD/tấn sau EVFTA có hiệu lực đã tạo làn gió lạc quan cho ngành nông sản Việt. Thông tin từ Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, trong tháng 8, công ty đã xuất khẩu thành công lô hàng 3.000 tấn đầu tiên được ký kết với đối tác nhập khẩu từ Đức sau khi EVFTA có hiệu lực, với hai chủng loại gạo ST20 và Jasmine.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An, cho biết do được hưởng thuế suất bằng 0% nên giá xuất khẩu của hai mặt hàng này cao hơn nhiều so với trước. Cụ thể, gạo ST20 được bán với giá 1.080 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn; trong khi trước đó gạo ST20 chỉ có giá 800 USD/tấn còn Jasmine là 520 USD/tấn. Như vậy, có thể nói, nhờ EVFTA, giá gạo của DN Việt Nam vào EU trong tháng 8 đã tăng từ 80 - 200 USD/tấn. Ông Bình tỏ ý lo ngại khi cho rằng, văn hóa thương mại của một số thương nhân Việt còn rất kém, cứ mở cửa được thị trường nào lại đua nhau giảm giá để cạnh tranh nhằm chiếm lĩnh thị trường.
Theo ông Bình, giá gạo Công ty Trung An xuất hơn 1.000 USD/tấn không phải là giá cao và vẫn chưa đúng với giá trị thực. Bởi gạo thơm Thái giá trị thấp hơn gạo thơm Việt đang xuất sang EU nhưng bán được giá gấp đôi. Nếu đánh giá đúng chất lượng, gạo hữu cơ Việt Nam có thể bán giá trên 3.000 USD/tấn và người châu Âu sẵn sàng trả giá cao đúng giá trị thực của nó, nếu chúng ta không cạnh tranh bằng giá kiểu thương nhân trong nước tự… lấy đá ghè lên chân mình.
Trả lời Thanh Niên, một số nhà xuất khẩu sang thị trường EU đều cho rằng, còn quá sớm để nói đơn hàng tăng chỉ trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, một DN xuất khẩu cà phê sang EU thuộc Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho rằng thuế xuất khẩu cà phê sang EU từ 15% xuống 0% sẽ tạo lực đẩy lớn cho nhà xuất khẩu. Vị này phân tích hiện tại, chỉ có cà phê Buôn Ma Thuột có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ theo EVFTA, nên cơ hội cà phê Buôn Ma Thuột hưởng lợi, tăng xuất khẩu vào thị trường này tốt sau này. Tuy nhiên, đơn hàng trong tháng 8 chưa tăng mạnh, tầm hơn 5% so với cùng kỳ. “Tỷ lệ khiêm tốn này cũng đáng ghi nhận. Sắp tới, sau ngày 15.9, khi Việt Nam mở chuyến bay quốc tế, tôi sẽ sang Đức, Bỉ, Pháp để kết nối với một số đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu cà phê”, vị này cho biết.

Giá tăng nhờ giảm trung gian, thuế và chất lượng tốt

Chuyên gia marketing thị trường EU Vũ Quốc Chinh, thuộc Trường đại học Kinh tế TP.HCM, phân tích giá bán ra hàng Việt Nam xuất sang EU có tăng từ 3 lý do. Thứ nhất, người mua chia sẻ lợi nhuận với bên bán do được hưởng thuế suất nhập khẩu bằng 0%. Thứ hai, DN Việt bán hàng sang nay chính thức hơn, giảm phụ thuộc vào trung gian, nên giá nhích lên. Thứ ba, hàng hóa Việt Nam qua EVFTA được người tiêu dùng EU và đối tác đánh giá lại chất lượng một cách bài bản theo các tiêu chuẩn hai bên đặt ra, nghĩa là chất lượng nguồn gốc sản phẩm công khai rõ ràng minh bạch hơn, không có kiểu bán dấm bán dúi như trước và phụ thuộc quá nhiều vào đơn vị trung gian.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh, ông Chinh cho rằng nhóm hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến có cơ hội đẩy mạnh trong ngắn hạn ngay, còn về trung hạn là các nhóm hàng thời trang giày dép, may mặc và nội thất.
“Tuy EU cũng như toàn thế giới đang gặp khó khăn vì Covid-19, song người EU dù sao có “của ăn của để” hơn, họ vẫn duy trì mua sắm tiêu thụ hàng hóa ở mức nào đó. Một số công ty bạn bè của tôi kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh tại Đức và Pháp vẫn nhập hàng từ châu Á sang đều, đa số cho biết có giảm sâu trong 1 - 2 tháng đầu dịch, nay vẫn bán lai rai dù lượng hàng bán ra giảm nhưng không đến nỗi ngưng hẳn”.
Ngoài ra, có một chi tiết ông Chinh lưu ý ngay với các nhà xuất khẩu vào EU, có lượng đơn hàng tăng và giá bán tăng là không nên quá chủ quan về nguồn nguyên liệu cung ứng. Nhiều trường hợp DN Việt gặp phải khi bán hàng sang EU là ban đầu làm rất tốt, hàng giao đúng hẹn, đúng chất lượng. Song khi khách hàng đặt lượng lớn hơn, bị lúng túng trong việc mua nguyên liệu, mua nguyên liệu không đúng chất lượng, khi đối tác phát hiện, không chỉ bị mất chính khách hàng đó và mất luôn thị trường vì người EU không chỉ khó tính trong tiêu thụ mà cực kỳ nghiêm khắc và coi trọng chữ tín.

Phải có cái nhìn dài hạn

Bà Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt - chuyên xuất khẩu các loại bột rau sấy lạnh sang EU, vừa xuất lô hàng sang Bỉ trong tháng 8, cho biết khó khăn lớn nhất của DN làm bột rau qua EU là nguồn nguyên liệu ổn định.
Thường khách hàng từ EU mua số lượng ít ban đầu, nhưng sau thấy chất lượng tốt, bán ổn định, họ sẽ nhập với số lượng lớn hơn. Nhiều nhà sản xuất trong nước đôi khi xuất phát từ quy mô hộ gia đình, sản xuất kiểu thủ công, nguồn nguyên liệu không ổn định, rất khó giữ chân khách hàng. Nếu không có năng lực làm đơn hàng lớn, khách hàng sẽ bỏ cuộc và như vậy, nỗ lực mở thị trường lại về con số không.
“Muốn làm ăn lâu dài với EU, phải có cái nhìn dài hạn, không phải 1 - 2 năm là thành công mà lâu hơn, kiên trì và quan trọng là chất lượng đã được duyệt phải ổn định”, bà Hương lưu ý. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.