Vé máy bay rẻ kịch khung vẫn 'ế'

23/03/2020 07:32 GMT+7

Một loạt chi phí sân bay được miễn, giảm cùng nhiều chương trình kích cầu đang đẩy vé máy bay giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Thế nhưng dịch bệnh khiến vận tải hàng không vẫn ế ẩm, lao đao.

Vé rẻ chưa từng có

Từ sau tết tới nay, giá vé máy bay nội địa của tất cả các hãng luôn duy trì ở mức thấp nhất trong lịch sử. Khảo sát trên trang bán vé Abay, chặng “hot” nhất là Hà Nội - TP.HCM - Hà Nội không có hãng nào báo giá net (chưa bao gồm thuế, phí) cao hơn 300.000 đồng/chiều.
Đơn cử, tìm mua vé bay từ Hà Nội vào TP.HCM ngày 25.3, 16 chuyến bay của Vietnam Airlines đều hiển thị đồng giá 222.000 đồng/vé (cộng thêm thuế, phí là 762.000 đồng). Vietjet và Bamboo Airways rẻ hơn, giá 199.000 đồng/vé, trong khi Jetstar Pacific niêm yết giá net chỉ 89.000 đồng cho chuyến bay khởi hành lúc 8 giờ sáng, chuyến giờ đẹp bay buổi trưa giá cũng 190.000 đồng.
Tuy khoản thuế, phí của các hãng khác nhau do mức phụ thu dịch vụ hệ thống khác nhau nhưng tính tổng lại, 1 vé máy bay khứ hồi giữa Hà Nội và TP.HCM hiện nay chỉ dao động trong khoảng 1,2 - 1,6 triệu đồng tùy hãng, chỉ bằng 1/2 thậm chí 1/3 giá vé vào giai đoạn cao điểm trước đây.
Tương tự, các chặng TP.HCM - Đà Nẵng, Hà Nội - Đà Nẵng giá vé cũng nằm trong khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/vé khứ hồi, tuy nhiên số lượng chuyến bay rất ít. Như ngày 26.3, cả 3 hãng Vietjet, Vietnam Airlines và Bamboo Airways chỉ có 14 chuyến bay từ TP.HCM tới Đà Nẵng. Trong đó, Vietjet chiếm tới 9 chuyến bay, đồng giá 99.000 đồng/vé (687.000 đồng cả thuế, phí); Vietnam Airlines có 4 chuyến, giá từ 199.000 - 299.000 đồng/vé. Còn lại 1 chuyến bay của Bamboo Airways giá cao nhất 380.000 đồng/vé (960.000 đồng cả thuế, phí).

Dân mạng chần chừ "giải cứu" vé máy bay dù giá giảm sâu

Không thể rẻ hơn được nữa

Mới đây, để chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp mùa Covid-19, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã quyết định giảm giá các dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không (gồm cả hãng hàng không quốc tế) đang sử dụng các dịch vụ tại các cảng hàng không của ACV.
Theo đó, có 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá là: dịch vụ dẫn tàu bay giảm 50%; dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất: giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng: đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ miễn 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của nhà nước là 30%. Việc miễn giảm được thực hiện từ tháng 3 đến hết tháng 8 năm nay.
Ngay sau khi ACV thông báo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hàng không, nhiều người kỳ vọng giá vé máy bay có thể giảm sâu hơn nữa. Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện một hãng hàng không cho biết vé máy bay đã giảm tới mức thấp nhất có thể, không thể giảm hơn được nữa.
Theo vị này, để duy trì được dải giá vé rẻ rộng và sâu như hiện nay, tất cả các hãng hàng không đều đang phải chịu lỗ. Có hãng mỗi ngày lỗ tới vài trăm tỉ đồng. Trong khi đó, trong các yếu tố cấu thành nên giá vé máy bay, chiếm tỷ lệ lớn nhất là giá nhiên liệu (khoảng 30 - 35%), sau đó tới chi phí thuê, mua tàu bay (khoảng 20 - 25%) và chi phí lương (20 - 25%). Chi phí dịch vụ đóng cho ACV chỉ chiếm khoảng 3%, không đáng kể.
“Tất nhiên trong giai đoạn khó khăn này, các hãng được hỗ trợ tí nào hay tí đó nhưng không thể giúp vé máy bay giảm sâu hơn được nữa. Trong hoàn cảnh bình thường, nếu ACV giảm giá dịch vụ, hãng hàng không có thể đẩy nhẹ giá vé để giảm lãi. Tuy nhiên trong bối cảnh này, khoản hỗ trợ sẽ chỉ có tác động giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, đỡ lỗ nhiều hơn mà thôi”, vị này giải thích.
Thực tế, dù giá giảm cực mạnh nhưng những diễn biến khó lường của Covid-19 vẫn khiến máy bay “ế” khách. Theo thống kê mới nhất từ Cục Hàng không Việt Nam, tổng số chuyến bay của 4 hãng hàng không giai đoạn từ 19.2 - 18.3 là 20.798 chuyến, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 37,9% so với tháng trước. Theo tìm hiểu, riêng Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã cắt giảm hơn 1/3 số chuyến bay so với mọi năm, nhưng chặng “hot” nhất là Hà Nội - TP.HCM - Hà Nội tỷ lệ lấp đầy vẫn chỉ đạt khoảng 65 - 75%, giảm hơn 15% so với bình thường.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết đối tượng khách di chuyển bằng máy bay hiện nay chủ yếu là những người buộc phải đi lại do tính chất công việc và một bộ phận nhỏ khách tranh thủ thời gian giảm giá để đi du lịch tự túc. “Mọi người hầu hết chọn mua giá rẻ nhưng vẫn có một số đối tượng doanh nhân tìm tới dải giá vé cao hơn để hưởng những ưu đãi mở trong trường hợp chưa chắc chắn về lịch trình. Dự kiến các hãng sẽ tiếp tục chịu lỗ bán vé giá rẻ như hiện nay cho tới khi hết dịch và thời gian đầu sau dịch để kích cầu, khôi phục thị trường”, vị này cho hay.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM), sản lượng điều hành bay trong tháng 3.2020 dự kiến sụt giảm nghiêm trọng, chỉ bằng khoảng 50% so với thực hiện của tháng 3.2019.
Tính riêng trong tháng 2.2020, tổng sản lượng điều hành bay giảm hơn 14.599 chuyến, tương đương giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng điều hành bay đi, đến (các chuyến bay quốc tế) giảm gần 3.415 chuyến, tương đương giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.