Quy định này xuất phát từ việc Ấn Độ thay đổi chính sách từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu” đối với mặt hàng hương nhang. Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách này khá đột ngột và thông báo có hiệu lực ngay nên khiến không ít doanh nghiệp Việt Nam chuyên xuất khẩu nhóm hàng này sang Ấn Độ lúng túng. Đến nay Bộ Công thương Ấn cũng chưa đưa ra hướng dẫn chi tiết về thủ tục xin giấy phép này cũng như thời gian cấp phép.
Ấn Độ hiện là thị trường xuất khẩu hương nhang chính của Việt Nam (không có thị trường nào thay thế). Việt Nam có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất ngành hàng này, trung bình mỗi tháng xuất khẩu khoảng 300 container hương nhang sang Ấn Độ. Trong năm 2018-2019, kim ngạch xuất khẩu hương nhanh sang Ấn đạt 76,8 triệu USD. Việc ra thông báo nói trên khiến các doanh nghiệp phải ngưng xuất hàng sang Ấn, trong khi tháng 9 hằng năm là tháng cao điểm cho hoạt động xuất khẩu hương nhang do có nhiều ngày lễ lớn của Ấn bắt đầu từ tháng 10.
Để giúp doanh nghiệp xuất khẩu sớm có thông tin về quy định mới, Bộ Công thương cho biết đã ký công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Ấn thể hiện quan ngại và phản đối biện pháp nói trên của Ấn. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị Ấn Độ trước mắt không yêu cầu giấy phép nhập khẩu với các lô hàng hương nhang từ Việt Nam đã ký hợp đồng trước ngày 31.8 năm nay. Thứ hai, xem xét, tạm thời ngừng áp dụng biện pháp cấp phép nhập khẩu trong thời gian nhu cầu thị trường ở mức cao điểm từ tháng 9 đến tháng 10. Về lâu dài, Bộ Công thương yêu cầu phía Ấn Độ hủy biện pháp quản lý nhập khẩu nói trên.
Thống kê của Ấn Độ, năm 2018-2019, Ấn Độ nhập 83,58 triệu USD hương nhang từ Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam chiếm 90% thị phần. Nguyên nhân do giá hương nhang nhập từ Việt Nam khá rẻ do Việt Nam có lợi thế về ưu đãi thuế quan của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ với thuế nhập khẩu 5% với mặt hàng nay. Trung bình giá xuất hương nhang từ Việt Nam sang Ấn từ 600 - 650 USD/tấn.
Bình luận (0)