Xuất siêu, vẫn thuộc về khối ngoại

Nguyên Nga
Nguyên Nga
03/06/2020 06:20 GMT+7

5 tháng đầu năm, ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid -19, Việt Nam vẫn xuất siêu gần 2 tỉ USD. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, nền kinh tế sẽ tiếp tục duy trì xuất siêu đến cuối năm nay.

Năng lực DN nội khá ổn sau dịch

TS Lê Huy Khôi, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), nhận định: “Khả năng duy trì xuất siêu của Việt Nam từ nay đến cuối năm là rất cao và giá trị xuất siêu có thể sẽ tăng cao hơn mức hiện tại”.
Cơ sở để đưa ra nhận định trên, theo TS Lê Huy Khôi, nhờ vào năng lực nội tại của doanh nghiệp (DN) Việt, tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do của DN và đặc biệt cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung tiếp tục leo thang.
Ông nói: “Khả năng cung ứng hàng hóa của DN Việt tương đối tốt, sự chuẩn bị về nguồn nguyên liệu, nhân lực để sản xuất hàng hóa khi có đơn hàng rất cao. Thứ hai, tác động tích cực và khả năng khai thác các cơ hội từ thực thi các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và tới đây là EVFTA của các DN khá tốt. Thứ ba là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là mâu thuẫn gia tăng giữa Mỹ với các quốc gia khác với Trung Quốc liên quan đại dịch Covid-19 sẽ là cơ hội rất tốt cho thu hút đầu tư và khả năng đẩy mạnh xuất khẩu (XK) hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm tương đồng với Trung Quốc của Việt Nam sang các thị trường. Những lý do này sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì xuất siêu tốt đến cuối năm nay, cho dù là một năm ảnh hưởng lớn vì dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu”.
PGS-TS Nguyễn Đức Độ, Học viện Tài chính, nêu quan điểm, xuất siêu phụ thuộc rất lớn vào thị trường thế giới. Nên khi các nước nới lỏng lệnh phong tỏa, nền kinh tế quay trở lại nhịp sống thường nhật, chi tiêu chắc chắn sẽ tăng. Theo đó, XK của các nước vốn có nền kinh tế phụ thuộc XK như Việt Nam sẽ tăng trở lại là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ông băn khoăn, số liệu cho thấy, xuất siêu nhưng chủ yếu là xuất hộ, đặc biệt xuất hộ cho DN ngoại là điều đáng lo ngại.
“XK, nhập khẩu của Việt Nam nay đạt trên 500 tỉ USD, việc thặng dư thương mại vài ba tỉ USD không đáng để hồ hởi. Thậm chí nếu có thâm hụt vài ba tỉ USD lúc này cũng là điều bình thường. Vấn đề là thặng dư thương mại một đồng nhưng là kết quả từ thực lực, từ khai thác chất xám, giá trị gia tăng từ chuỗi sản xuất mà có được sẽ tốt hơn nhiều thặng dư 2 đồng nhưng chỉ trong vai trò xuất hộ, bị DN nước ngoài nhập khẩu toàn bộ, gia công công đoạn cuối, mượn xuất xứ Việt Nam để XK sang nước thứ ba. Nếu như vậy thì không đáng phải mừng sớm. Trong rổ kim ngạch XK 5 tháng đầu năm, sự sụt giảm XK lớn đến từ DN ngoại, còn DN nội địa lại tăng. Đặc biệt khối DN nội có kim ngạch xuất nhập khẩu cân bằng khá tốt ngay trong tháng cao điểm các nước phong tỏa nền kinh tế. Điều này cho thấy, nội lực và sức chống đỡ của DN khá tốt”, PGS-TS Nguyễn Đức Độ nêu quan điểm.

Xuất khẩu chai tinh dầu thay vì bó sả thô

Số liệu của Tổng cục Thống kê tháng 5 cho thấy, trong khi kim ngạch XK của DN trong nước tăng 0,5% thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại giảm 22,3%. Tính lũy kế 5 tháng đầu năm, XK của khu vực kinh tế trong nước đạt 33,3 tỉ USD, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 66,06 tỉ USD (chiếm 66,5% tổng kim ngạch XK), giảm gần 7%. Như vậy, có thể nói, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch XK của khối DN đầu tư nước ngoài.
Cùng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Phát triển DN, cũng cho rằng: “Không nên quá đặt nặng chuyện xuất siêu trong giai đoạn này. Và tôi cũng không nghĩ có đột phá hoặc xuất siêu lớn trong năm nay. Từ nay đến cuối năm là khoảng thời gian ngắn, dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa hết. Có xuất siêu chăng chỉ chênh vài tỉ USD hoặc cân bằng thương mại 2 chiều là tốt rồi”.
Lý do giao thương vận tải giữa các nước vẫn chưa được cởi mở hoàn toàn. Hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu dựa vào đường biển, thời gian chuyển hàng mất từ 3 - 6 tháng. Trong khi đó, nếu trông chờ XK đột phá, DN tăng sản xuất, chắc chắn bị tồn kho lượng lớn vì khả năng phục hồi chi tiêu còn khá dè dặt.
Vị này nêu quan điểm, lúc này là thời điểm thích hợp để bình tĩnh nhìn nhận tình hình, tập trung cải tiến năng lực sản xuất, đặc biệt đào tạo nâng cao tay nghề cho nhân lực.
“Năm nào chúng ta cũng chạy theo các chỉ tiêu xuất siêu, nhập siêu... kiểu như con nhà nghèo chạy cơm bữa. Rất mệt với những con số chỉ tiêu năm nay phải cao hơn năm trước... Thế nên, theo quan điểm cá nhân tôi, năm nay ngành công thương đừng quá đặt nặng chỉ tiêu nữa. Hãy tập làm “con nhà giàu” một năm đi. DN tập trung vào đầu tư hiệu quả công nghệ, tư duy làm XK là bán được chai tinh dầu sả chứ không phải chỉ XK mỗi bó sả thô. Thứ hai là nâng cao đào tạo tay nghề cho công nhân để cạnh tranh được tay nghề lao động của các nước khác. Thứ ba, là DN phải hướng tới phát triển đột phá”.
Nhiều ngành không làm được nhưng với lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam đang có cơ hội để đột phá tốt. Số hóa trong quản lý, số hóa trong sản xuất và bán hàng. Dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế dựa vào số hóa mà phát triển tốt.
“Đây là cơ hội để nhiều DN nỗ lực đẩy mạnh mảng này lên, e rằng chúng ta đi sau nhưng có thể về trước nhiều nước trong nền kinh tế dựa vào số hóa. Chú trọng nền tảng để phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao lúc này quan trọng hơn nhìn vào rổ xuất siêu, nhập siêu”, vị này nhấn mạnh.

Tháng 5, xuất khẩu nhiên liệu và khoáng sản giảm hơn 60%

Báo cáo của Bộ Công thương công bố ngày 2.6, trong tháng 5, XK nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng 33,3% so với tháng 4, ước đạt 170 triệu USD.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch XK của nhóm hàng này giảm đến 60,6%. Tính lũy tiến 5 tháng đầu năm, kim ngạch XK nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm mạnh 31,3% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 1,3 tỉ USD.
Trong đó, kim ngạch XK xăng dầu các loại giảm 42,9%, quặng và khoáng sản giảm 25,5%, riêng dầu thô tăng 27,7% về lượng nhưng giảm 22,9% về kim ngạch do giá giảm sâu. Ngoài nhóm hàng nhiên liệu, XK nông thủy sản và hàng công nghiệp chế biến cũng nằm trong nhóm hàng XK chính đều giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm. XK hàng chế biến giảm 17% và nông thủy sản giảm 5,3%. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.