Tái cơ cấu chậm do nể nang, lợi ích nhóm

25/10/2013 02:17 GMT+7

Sốt ruột vì tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế ì ạch, luẩn quẩn, cán bộ nể nang nhau, lợi ích nhóm... nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại tổ hôm qua 24.10 đề nghị phải lập một ủy ban chuyên trách với "bàn tay sắt" từ bên ngoài đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, bán vốn và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước.

Sốt ruột vì tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế ì ạch, luẩn quẩn, cán bộ nể nang nhau, lợi ích nhóm... nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại tổ hôm qua 24.10 đề nghị phải lập một ủy ban chuyên trách với "bàn tay sắt" từ bên ngoài đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, bán vốn và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước.

Tái cơ cấu chậm do nể nang, lợi ích nhóm
Vinashin là một trong những đơn vị phải tái cơ cấu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chỉ nắm thông tin trên... mạng

Phó chủ nhiệm Ủy ban (UB) Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc thẳng thắn nhìn nhận báo cáo của Chính phủ nói thế nào cũng đúng vì chỉ chung chung đạt kết quả bước đầu, nhưng ở địa phương thì còn quá chậm và lúng túng. Tâm lý các doanh nghiệp (DN) không muốn cổ phần hóa vẫn muốn giữ cổ phần chi phối. “Nếu chúng ta tự giao cho họ tái cơ cấu mà không có một sức ép từ trên xuống như các nước khác thì chậm và lúng túng là vì lợi ích riêng, cục bộ”, ông Phúc đánh giá.

 

Tái cơ cấu chậm do nể nang, lợi ích nhóm

Không thể để tự làm (tái cơ cấu - PV), phải có bàn tay từ bên ngoài sắp xếp lại. Nếu không... cứ ngồi hết nhiệm kỳ này, đến nhiệm kỳ sau... Việt Nam vẫn cứ như mười mấy năm qua với những điểm đáng yêu nhưng cũng rất đáng buồn

ĐB Trương Trọng Nghĩa

Nhận xét khá thẳng thắn, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền phê phán khi làm tái cơ cấu đầu tư công nói “ra rả” không đầu tư dàn trải, phải tập trung, có hiệu quả nhưng báo cáo Chính phủ lại nêu là “một số nơi nói không đi đôi với làm”. “Rất nhiều công trình vẫn dàn trải, đặc biệt các địa phương khi tôi đi giám sát các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, có những công trình dàn trải đến mức cười ra nước mắt”, ông Quyền phát biểu.

Nhiều đại biểu (ĐB) phản ánh tình trạng rời rạc, thiếu gắn kết giữa các đề án tái cơ cấu khi thiếu đi một đề án tổng thể. ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) than: “QH có biết đề án tái cơ cấu tổng thể đâu mà phát biểu thảo luận”. Ông Vân cho rằng, các đề án tái cơ cấu kinh tế hiện nay gồm đầu tư công, DN nhà nước và ngân hàng thương mại chỉ là thành phần không phải là đề án tổng thể và ĐB cũng chỉ nắm được các thông tin này trên... mạng. “Đề án tổng thể ở đâu thì chúng tôi chưa thấy, và theo tôi là chưa có, chúng ta đang bàn đến những cái mà tổng thể chưa có, tức nói cách khác chúng ta muốn làm một ngôi nhà kiến trúc Á Đông nhưng không biết rõ kết cấu ra sao và vẫn đang ngồi đẽo từng cái cột. Như thế là không căn bản, thể hiện tư duy chắp vá về chính sách”, vị ĐB này thẳng thắn góp ý.

Không để DN nhà nước tự tái cơ cấu

Đề cập đến nguyên nhân, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng do nhận thức một số vấn đề chủ trương, quan điểm còn khác nhau, ngập ngừng thiếu dứt khoát. Nhưng theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), nguyên nhân nguy hiểm hơn do lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ chính trong các DN nhà nước đang phải sắp xếp lại, cổ phần hóa. Nhiều nơi còn nể nang nhau. Vì vậy ĐB đề nghị cần lập một UB chuyên trách về tái cơ cấu. Năm 2014 sẽ chính thức đi vào hoạt động với thành phần gồm có thành viên của QH, các tổ chức, định chế định giá, giám sát độc lập. “Để Tập đoàn than  - khoáng sản tự đứng ra tái cơ cấu về khoáng sản, EVN tái cơ cấu điện lực làm sao họ tái cơ cấu được vì đụng đến lợi ích người lao động, tập đoàn, đơn vị con, nội bộ nể nang nhau. Không thể để tự làm, phải có bàn tay từ bên ngoài sắp xếp lại. Nếu không làm như vậy, cứ ngồi hết nhiệm kỳ này, đến nhiệm kỳ sau nhắc đi nhắc lại, Việt Nam vẫn cứ như mười mấy năm qua với những điểm đáng yêu nhưng cũng rất đáng buồn”, ĐB Nghĩa ví von. 

Từng nhiều lần đề xuất trước QH phải bán vốn tại các ngành, lĩnh vực không cần sở hữu thu tiền về, ĐB Trần Du Lịch tiếp tục kiến nghị nếu thực sự nhà nước muốn tiến hành cổ phần hóa, DN nào không cần nắm giữ dứt khoát lấy phần vốn đó đi sử dụng cho việc khác. “Đằng này chúng ta lại đi cổ phần hóa công ty con rồi giao tiền về cho công ty mẹ thì làm sao hiệu quả. Theo tôi, cái nào nhà nước giữ 51% thì giữ còn 49% bán đi. Muốn sắp xếp lại phải nhìn trên tổng thể từng nhóm, những lĩnh vực nhà nước cần đầu tư định hướng cho thị trường, then chốt rồi dồn lực lại. Nếu không nguồn lưc này bị lãng phí ghê gớm lắm, trong khi chúng ta làm bệnh viện, dự án công vẫn phải đi vay tiền”...  “Kỳ họp trước tôi đã chỉ ra cổ phần không cần nắm giữ, có thể bán lấy hàng trăm nghìn tỉ đồng để xử lý bệnh viện quá tải. Lần trước Chính phủ hứa đưa vào để nghiên cứu. Lần này tôi đề xuất QH đưa vào Nghị quyết tạo điều kiện pháp lý cho Chính phủ thực thi. Tất cả DN cổ phần hóa, tiền sở hữu là của toàn dân, QH có quyền cao nhất, tại sao không đưa vào nghị quyết để Chính phủ làm. Lần này tôi sẽ tiếp tục đưa vấn đề này ra trước hội trường”, ĐB Trần Du Lịch phát biểu.  

Thảo luận về thực hiện dự toán ngân sách

 Sáng nay 25.10, QH sẽ thảo luận tổ về tình hình thực hiện Dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2014; Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; Phương án phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.

Chiều cùng ngày, QH sẽ nghe Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa trình Báo cáo của UB TVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng cháy, chữa cháy và thảo luận tại hội trường về nội dung dự luật này. 

Bảo Cầm

Giải pháp luẩn quẩn

Hôm qua 24.10, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tình hình phát triển kinh tế trong giai đoạn 2011-2015.

 

Tái cơ cấu chậm do nể nang, lợi ích nhóm

Theo chỉ tiêu QH đặt ra thì dự kiến tăng trưởng chỉ hụt 0,1% (5,5%) nhưng hụt thu ngân sách tới hơn 63.000 tỉ đồng là mâu thuẫn

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền

Dù đồng tình về cơ bản đối với báo cáo Chính phủ về các chỉ tiêu kinh tế năm 2013 song nhiều ĐB bày tỏ sự nghi ngại về tính chính xác của những con số. “GDP nêu đạt 5,4% (chỉ thấp hơn 0,1% so với chỉ tiêu QH đặt ra), nhưng số thất thu ngân sách lại lên tới hơn 63.000 tỉ đồng, hai con số này dường như có sự mâu thuẫn, bởi theo chỉ tiêu QH đặt ra thì dự kiến tăng trưởng chỉ hụt 0,1% (5,5%) nhưng hụt thu ngân sách tới hơn 63.000 tỉ đồng là mâu thuẫn, phải rà lại các con số báo cáo. Vì nếu chưa rà soát hết mà đưa ra con số thì sẽ đánh giá sai lệch, từ đó đề xuất giải pháp không đúng”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền nói.

Càng cải cách, bộ máy càng phình to

Theo nhiều ĐB, qua các cuộc tiếp xúc cử tri thấy rất rõ do tình hình kinh tế khó khăn đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy, hàng loạt DN ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm, người nông dân bỏ ruộng, an ninh trật tự phức tạp do “bần cùng sinh đạo tặc”.

“Chính phủ chỉ đạo trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn, các ngành, địa phương không được khởi công công trình mới khi chưa bố trí được ngân sách nhưng nhiều địa phương vẫn khởi công và không bị làm sao cả. Kỷ luật, kỷ cương không nghiêm làm cho lòng dân hết sức ngao ngán”, ông Nguyễn Đình Quyền  nói.

Dưới góc nhìn của một DN, ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cho biết, trong việc điều hành kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương chính sách tháo gỡ cho DN, nhưng hiệu quả chưa thực sự được bao nhiêu. Ông Bình nêu ví dụ DN Việt Nhật của ông thực hiện tái cấu trúc theo đề án của Chính phủ và được TP.Hải Phòng lập hẳn Ban chỉ đạo, từ tháng 2 cho đến nay, đã có hơn 100 văn bản của các cơ quan chức năng chỉ đạo trong đó có cả Ngân hàng Nhà nước VN nhưng DN vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.

Nhận định chung của nhiều ĐB  là ngoài việc xem lại các chính sách điều hành thì Chính phủ cũng cần đánh giá lại tính hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước, bởi càng cải cách bộ máy này càng phình to ra.

Loay hoay tìm lối ra

ĐB Lê Minh Thông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH cho rằng, trong 3 năm gần đây Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nói là đột phá “nhưng tôi chưa thấy đột phá ở đâu cả”. ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng, báo cáo của Chính phủ và mục tiêu đặt ra trong năm 2014 cái nào cũng rất hay, mang tính đột phá nhưng thiếu tính thiết thực, cụ thể. Các cử tri vẫn bức xúc tại sao giải pháp đưa ra nhiều mà nợ xấu cứ tăng, nợ công ngày càng nhiều lên, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng… “Chứng tỏ giải pháp của chúng ta thời gian qua cứ loay hoay, luẩn quẩn mãi không có lối thoát”, ĐB Đương nói.

ĐB Lê Đình Kha (Hải Dương) lo ngại các chỉ tiêu về kinh tế năm 2014 đang tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn: “Ngân sách thu không đủ chi, nếu không cho bội chi, phát hành thêm trái phiếu thì vỡ nợ, nói thẳng thắn chúng ta đang tới điều đó. Nợ năm 2011-2012 chưa trả xong lại đến nợ năm 2013, lần này Chính phủ đề nghị bội chi để trả nợ. Đi vay để trả nợ mà cứ bảo yên tâm, lãi mẹ đẻ lãi con càng ngày sẽ càng khó khăn hơn. Nếu QH biểu quyết tôi thấy không ổn”, vị này bức xúc.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhẩm tính nếu QH đồng ý thêm với khoản phát hành trái phiếu Chính phủ đề nghị thì bình quân mỗi tháng sẽ phát hành trái phiếu 100 ngàn tỉ, lúc đó liệu còn khả năng để huy động vốn nữa hay không. “Không cho nới bội chi thì không có tăng trưởng, không có việc làm. Nhưng nếu cho mà đầu tư công không đúng chỗ, dàn trải như lâu nay thì không trả được nợ”, ông Lưu cảnh báo.

Thái Sơn - Xuân Vũ - Nguyệt Minh

Anh Vũ - Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.